Phát huy vai trò người dân trong xây dựng nông thôn mới

Là huyện biên giới nghèo, có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng Ia Grai là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Gia Lai.

Nhiều con đường thôn xóm lầy lội khi trời mưa ở xã Ia Sao, huyện Ia Grai đang được bê-tông hóa.

Nhiều con đường thôn xóm lầy lội khi trời mưa ở xã Ia Sao, huyện Ia Grai đang được bê-tông hóa.

Có được thành công này là nhờ những cách làm sáng tạo của lãnh đạo từ huyện đến cơ sở, khơi dậy sự tích cực đóng góp của người dân cùng chung sức, đồng lòng với chính quyền xây dựng nông thôn mới.

Đưa việc vận động hiến đất làm đường vào nghị quyết

Tại huyện biên giới Ia Grai, khi triển khai các dự án giao thông, chính quyền gặp nhiều khó khăn về kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì vậy, lãnh đạo huyện đã có chủ trương tuyên truyền, vận động, kêu gọi sự chung tay, góp sức của nhân dân bằng việc hiến đất, hiến cây trồng trong phạm vi dự án để nâng cấp mở rộng đường giao thông.

Từ năm 2022 đến nay, đã có hàng nghìn hộ dân hiến hàng chục nghìn mét vuông đất làm gần 60 km đường giao thông, tạo sự đổi thay cho nhiều vùng quê khó khăn, giúp người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hà (Ban Dân vận Huyện ủy Ia Grai) cho biết, tháng 10/2023, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Ia Grai đã ban hành Nghị quyết số 15 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác tuyên truyền, vận động hiến đất để xây dựng đường giao thông trên địa bàn đến năm 2030. Từ khi có nghị quyết, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương đều thành lập ban chỉ đạo về vận động hiến đất làm đường.

Trong đó, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, như Ia Krai, Ia Khai, Ia Yok, Ia O... là những nơi có nhiều cách làm hay, hiệu quả. Theo đó, cán bộ, đảng viên, người uy tín, già làng tiêu biểu luôn là lực lượng tiên phong trong phong trào vận động, tạo sự đồng thuận, tin tưởng và làm theo của nhân dân.

Bà Nguyễn Mai Lương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Khai, huyện Ia Grai cho biết: “Xã mời già làng, bí thư chi bộ và người uy tín trên địa bàn cùng họp bàn. Trong quá trình thực hiện, phương châm là “mưa dầm thấm lâu”. Hôm nay họ chưa hiểu thì ngày mai chúng tôi lại xuống tiếp, hôm nay phân công đồng chí này xuống động viên thì ngày mai lại phân công đồng chí khác. Gia đình đó có hội viên hội nông dân thì chúng tôi mời hội nông dân, thành viên hội phụ nữ thì chúng tôi cử hội trưởng chi hội phụ nữ phân tích cho bà con hiểu”.

Đường rộng, hẻm thông nhờ sự đồng lòng

Ði trên con đường bê-tông dài gần 1km, rộng 4m, nối từ làng Myah sang khu sản xuất, ông Ksor Jinh, 73 tuổi ở xã Ia Krai, huyện Ia Grai cho biết, chỉ cách đây một năm, đây là con đường mòn, rộng vỏn vẹn 2m, bụi bẩn vào mùa nắng, trơn trượt khiến nhiều người té xe khi chuyên chở nông sản vào mùa mưa. Ngay khi được chính quyền xã thông báo về việc Nhà nước hỗ trợ dân làng làm đường bê-tông, ông Ksor Jinh đã tiên phong hiến 100 m2 đất.

Nhiều người dân trong làng tin tưởng, tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng và hoàn thiện con đường. “Hiện, đường đã được mở rộng, nhìn con cái đi học cũng rất yên tâm và thuận tiện cho bà con nông dân vận chuyển nông sản, điều này khiến mọi người vui mừng lắm”, ông Ksor Jinh phấn khởi.

Ông Nguyễn Trọng Túc ở làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai cho biết, khi được vận động hiến đất, ông và bà con đắn đo vì mất đi một phần tài sản và thu nhập. Nhưng được tuyên truyền, vận động việc làm đường vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai xã, giúp đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi, gia đình ông cũng đồng thuận. Ông nói: “Gia đình chúng tôi đã hiến chiều rộng là 1,5m, dài 100m, trên đất có một hàng bời lời và khoảng 60 cây cà-phê.

Cạnh đất gia đình tôi, có gia đình nhà ông Nghĩa cũng hiến một hàng mít thái đang cho thu hoạch”. Ông Lương Văn Hợp ở làng O Pếch thông tin, đoạn đường hơn 10 km nối sang xã Ia Tô đang hoàn thành. Ðường làm nhanh như vậy, một phần nhờ 47 hộ dân tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình, cây trồng để mở rộng đường.

Tại làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, cũng từ phong trào hiến đất làm đường, mà đầu năm nay con đường bê-tông dài 800m, rộng 4m đã kịp hoàn thành trước vụ thu hoạch điều. Ông Rơ Châm H’Monh, người có uy tín làng Nú cho biết, khi chính quyền địa phương vận động hiến đất mở rộng đường, nhiều hộ phản đối vì hiến đất thì phải chặt hàng trăm cây điều đang cho thu quả hằng năm.

Ông H’Monh xung phong làm gương, chặt 19 cây của gia đình mình, rồi vận động anh em, con cháu trong dòng họ làm theo. Từ đó, cùng với sự vận động tích cực của tổ dân vận thôn, 20 hộ dân đã chặt 300 cây điều dọc hai bên để con đường khang trang được hoàn thiện.

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp cùng thực hiện. Mục tiêu trọng tâm của huyện là ưu tiên các dự án cho vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đi trước làm tiền đề cho phát triển kinh tế, xã hội. Qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã tự nguyện góp hàng nghìn ngày công lao động, hiến đất, tự tháo dỡ hàng rào để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và các công trình công cộng.

Hạ tầng giao thông thuận lợi đã giúp giao thương giữa các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thuận tiện hơn; hàng hóa, nông sản của bà con làm ra không bị thương lái ép giá. Nhiều gia đình mua sắm thêm phương tiện đi lại, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; tạo tiền đề để đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng biên nghèo Ia Grai phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đời sống nhân dân ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/phat-huy-vai-tro-nguoi-dan-trong-xay-dung-nong-thon-moi-225860.html