Bán lẻ 'khởi sắc' thúc đẩy nhu cầu thuê mặt bằng

Nhu cầu mở rộng mặt bằng bán lẻ đang là xu hướng nổi bật trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (F&B) tại tại TP. Hồ Chí Minh, bà Từ Thị Hồng An - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Việt Nam cho biết.

Theo bà An, nhiều mô hình F&B trên thị trường, từ thức ăn nhanh, quán cà phê, đồ uống, quán bar và câu lạc bộ bình dân đến nhà hàng cao cấp đều đang có nhu cầu mở rộng. Vì vậy, trong sân chơi này, cả những người chơi trong nước và quốc tế ngày càng đông đúc.

Đơn cử như nhà bán lẻ đồ gia dụng và nội thất Nitori của Nhật Bản vừa mới tham gia thị trường với 5 cửa hàng với tham vọng phát triển nhanh như Muji. Bản thân Muji cũng có kế hoạch mở thêm 100 cửa hàng nữa trên khắp Đông Nam Á, trong đó tập trung vào thị trường Việt Nam. Với Miniso, nhà bán lẻ nổi tiếng này cũng có kế hoạch đầy tham vọng mở 350-400 cửa hàng trên khắp Đông Nam Á, bao gồm cả tại thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ đồ trang sức, đồng hồ, thời trang và xa xỉ khác chỉ mở rộng ở một số mặt bằng chọn lọc với những tiêu chuẩn khắt khe mà cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều không cung cấp nhiều. Vì vậy, họ phải rất sáng tạo trong các chiến lược mở rộng của mình, chẳng hạn như các điểm nóng du lịch, đa kênh và mô hình cửa hàng pop-up. Do đó việc khám phá các định dạng bán lẻ sáng tạo khác nhau sẽ giúp họ tăng cường mức độ hiển thị trên mạng xã hội và nhờ vậy cải thiện cửa hàng trực tuyến và cửa hàng vật lý của họ, bà An chia sẻ thêm.

Muji tiếp tục mở rộng số lượng cửa hàng tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Muji tiếp tục mở rộng số lượng cửa hàng tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo của Savills ghi nhận các giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt quy mô trung bình 256 m2 NLA, tăng 26% theo năm khi các chuỗi thương hiệu như Muji, Poseidon, Uniqlo mở rộng. Ngành thời trang chiếm 35% diện tích cho thuê, tiếp theo là F&B với 30%; thiết bị gia dụng và nội thất 15% và giải trí chiếm 11%.

Ở góc độ thị trường chung, bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu, Savills TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Nền kinh tế nội địa phục hồi mạnh mẽ đã thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ, thu hút các thương hiệu mới gia nhập thị trường và tiếp tục mở rộng”.

Tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển và tài sản tăng sẽ góp phần mở rộng thị phần bán lẻ hiện đại. Theo Oxford Economics, chi tiêu tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh được dự báo sẽ tăng 8,4% vào năm 2025. Bán lẻ hiện đại tại thị trường hơn 13 triệu dân này cũng sẽ chiếm 50% thị phần các kênh bán lẻ vào năm 2025.

Trong quý II vừa qua, nguồn cung mặt bằng bán lẻ cho thuê tăng 1,5 triệu m2, tăng 2% sau khi dự án Vincom Mega Mall Grand Park mở cửa. Nguồn cung bán lẻ mới tiếp tục chuyển dịch ra khu vực ngoài trung tâm với 75% tổng nguồn cung tương lai. Công suất cho thuê toàn thị trường đạt 94% tăng 2 điểm phần trăm theo quý và 3 điểm phần trăm theo trong quý II/2024. Công suất tại khu vực trung tâm và khu vực nội thành tặng nhẹ 1 điểm phần trăm.

Giá thuê tầng trệt đạt 1,3 triệu đồng/m2/tháng, ổn định theo quý và tăng 3% theo năm nhờ 20% tổng nguồn cung ở thành phố có giá thuê tăng do các chủ đầu tư đã dừng các chính sách ưu đãi... Tất cả những chỉ số này cho thấy thị trường bán lẻ đang dần có dấu hiệu hồi phục đã thúc đẩy nhu cầu mở rộng mặt bằng bán lẻ lĩnh vực F&B.

Minh Tuyết

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ban-le-khoi-sac-thuc-day-nhu-cau-thue-mat-bang-153625.html