Bán lẻ nội sẵn sàng tiếp sức hàng Việt

Việc nhà bán lẻ ngoại Auchan rút lui khỏi thị trường Việt Nam, Big C đột ngột tạm ngưng đơn hàng với 200 nhà cung cấp dệt may nội địa đã khiến doanh nghiệp (DN) Việt lo lắng trước mục tiêu đứng vững trên sân nhà.

Gian nan đưa hàng vào kênh siêu thị

Được đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ nói chung và các siêu thị nói riêng là mong muốn của nhiều DN Việt, bởi đây là kênh phân phối uy tín, giúp DN tiêu thụ hàng hóa ổn định và quảng bá thương hiệu.

Tuy nhiên, để vào được siêu thị rất gian nan, DN phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe từ chất lượng, mẫu mã, bao bì… cho tới doanh số bán hàng mỗi tháng cũng phải đảm bảo yêu cầu của nhà bán lẻ.

Bên cạnh vướng mắc trên, nhiều DN cho rằng, việc phải chuẩn bị lượng hàng lớn mà chưa chắc có tiêu thụ được hay không, nhiều siêu thị yêu cầu phải vận chuyển hàng đến từng siêu thị riêng lẻ tại nhiều nơi... cũng là những áp lực khiến DN nhỏ “toát mồ hôi” khi tham gia đàm phán.

Không chỉ gian nan trong việc tìm được đường vào, mà để tồn tại được trên kệ, nhiều DN cho biết là vô cùng mệt mỏi. Đã có rất nhiều trường hợp DN chào hàng, đàm phán xong nhưng chỉ cung cấp được một thời gian ngắn đã phải rút lui, vì không đáp ứng được những tiêu chí mà nhà bán lẻ đưa ra.

Ngay cả những DN cung cấp hàng có thâm niên cho siêu thị, nhưng khi nhà bán lẻ thay đổi chiến lược kinh doanh thì vẫn phải “chào thua”, bởi những điều khoản trong hợp đồng thường theo hướng có lợi cho nhà bán lẻ.

Điển hình là trường hợp Big C thông báo việc tạm ngưng nhập hàng của 200 nhà cung cấp hàng may mặc kể từ ngày 1-7. Như chia sẻ của các DN, họ rất sốc với quyết định đột ngột của Big C. Các DN cho rằng, nhà bán lẻ này lấy lý do “củng cố, thay đổi chiến lược nên cần có thời gian sắp xếp lại” để ngưng nhập hàng của các DN may mặc là điều vô lý. Bởi lẽ, làm gì cũng có kế hoạch và có thời gian cho đối tác chuẩn bị.

Trước đó, năm 2016, nhà bán lẻ này cũng đột ngột ra thông báo tăng mức chiết khấu lên tới 25% đối với các sản phẩm mà DN ngành thủy sản nội địa cung cấp, các DN phải phản ứng rất quyết liệt mới tìm được tiếng nói chung với Big C.

Qua sự việc kể trên, nhiều DN Việt bày tỏ mong muốn được các kênh bán lẻ nội nhận phân phối sản phẩm của họ để hàng Việt tiếp tục được cung ứng rộng rãi đến người tiêu dùng.

Nhiều chính sách hỗ trợ hàng Việt

Trước tình trạng hàng Việt bấp bênh trong các kênh phân phối ngoại, mới đây, Saigon Co.op - một hệ thống siêu thị thuần Việt hiện có 700 điểm bán hàng trên toàn quốc qua các hệ thống như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers - đã thể hiện quan điểm luôn hỗ trợ hàng Việt cũng như các sản phẩm hàng Việt có chất lượng tốt.

Hàng Việt được tiêu thụ tại Co.opmart

Hàng Việt được tiêu thụ tại Co.opmart

Bằng chứng là cho tới nay, đơn vị này đang kinh doanh khoảng 350.000 mã hàng, trung bình mỗi tháng có khoảng 1.700 mặt hàng mới vào siêu thị. Hiệu quả thiết thực từ kênh bán lẻ khiến số DN sản xuất, cung ứng muốn tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại, cụ thể là vào hệ thống Saigon Co.op ngày càng tăng.

Trong chiến lược kinh doanh năm 2019, Saigon Co.op dự kiến sẽ phát triển các điểm bán lẻ đạt con số 1.000, tức là thêm 300 điểm bán mới, nên cần tìm thêm nhà cung cấp mới cho những điểm bán này.

Đặc biệt cuối tháng 6-2019 vừa qua, Saigon Co.op đạt được thỏa thuận tiếp nhận lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Auchan Việt Nam sau khi tập đoàn bán lẻ của Pháp rút khỏi Việt Nam.

Theo đó, Saigon Co.op nhận chuyển giao tất cả các hoạt động Auchan tại Việt Nam, gồm 15 cửa hàng hoạt động bán lẻ lẫn thương mại điện tử và sẽ tiếp tục duy trì thương hiệu Auchan cho đến hết tháng 2-2020.

Điều đáng nói ở đây là chủ trương của Saigon Co.op sẽ tiếp nhận lại khách hàng, nhà cung cấp của Auchan nhưng sẽ có thêm cơ hội mới cho các nhà sản xuất muốn tham gia cung ứng.

Có thể thấy rằng, việc một nhà bán lẻ nội lớn mạnh hơn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho DN sản xuất trong nước khi thúc đẩy liên kết, tiêu thụ hàng Việt. Bởi như chia sẻ từ nhà bán lẻ này thì nguyên tắc bất di bất dịch của Saigon Co.op là luôn mở rộng cửa với hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng Việt Nam chất lượng tốt.

Vì vậy, không phân biệt đó là nhà cung cấp của bất kỳ hệ thống bán lẻ nào, nếu đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, giá cả và thị hiếu của khách hàng thì Saigon Co.op sẵn sàng tiếp nhận phân phối.

Tuy nhiên, theo đại diện Saigon Co.op, để hàng hóa có chỗ đứng trong siêu thị, DN cần nắm bắt đầy đủ các tiêu chuẩn bắt buộc để đưa sản phẩm ra thị trường là an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sản phẩm khi đưa ra thị trường phải có nhãn hàng hóa, tên hàng hóa, tên địa chỉ, tổ chức, cá nhân về sản xuất, xuất xứ, ngày sản xuất, thành phần định lượng, hướng dẫn bảo quản...

Theo giới kinh doanh, việc xây dựng tiêu chuẩn không phải để sản phẩm bán được giá cao hơn mà là để sản phẩm đủ điều kiện ra thị trường, hay còn gọi là có chiếc vé “thông hành”, để sản phẩm có thể cạnh tranh, tồn tại và tiếp tục phát triển.

Trong kinh doanh, nhà bán lẻ phải đặt tiêu chí đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng nên để hàng hóa được vào siêu thị thì phải phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của phân khúc khách hàng trong hệ thống.

Thực tế, suốt nhiều năm nay, Saigon Co.op đã liên tục có những chính sách thiết thực hỗ trợ hàng Việt tiếp cận kênh phân phối của mình.

Cụ thể là thông qua việc thường xuyên phối hợp với các cơ quan quản lý địa phương, nơi có siêu thị Co.opmart trú đóng, phổ biến về những tiêu chí mà nhà cung ứng cần phải làm khi đưa hàng vào siêu thị.

Tiêu biểu có thể kể đến tỉnh Đồng Tháp, bình quân hàng tháng, hàng hóa của tỉnh này cung ứng đạt doanh số khoảng 10 tỷ đồng cho hệ thống Co.opmart.

BẢO HÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ban-le-noi-san-sang-tiep-suc-hang-viet-604159.html