Đề xuất làm đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn tới Cà Mau

Nhằm thúc đẩy các vùng kinh tế, kết nối hành lang Bắc - Nam để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, Đại biểu Quốc hội kiến nghị kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ điểm đầu Lạng Sơn tới điểm cuối Cà Mau.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp 8, chiều 20/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương

Tán thành với chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân- Đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết, 15 năm trước Quốc hội đã thảo luận về dự án này, nhưng lúc đó chưa đáp ứng được về nguồn lực.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân- Đoàn ĐBQH TP.HCM

Đại biểu Trần Hoàng Ngân- Đoàn ĐBQH TP.HCM

Hiện nay, đất nước hoàn toàn có thể thực hiện, kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công thấp. Đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động thì sẽ thu hút được khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài. Khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà đường sắt đi qua, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.

Đại biểu cho rằng, đây là phương tiện giao thông tốc độ cao nên yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, không vì chi phí và nguồn thu mà bỏ qua kỹ thuật và an toàn. Số vốn dành cho dự án lớn nên cần tập trung huy động ở trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế vay ODA. Bên cạnh đó, cần huy động doanh nghiệp trong nước có chuyên môn để xây dựng dự án, xây dựng ngành công nghiệp, nhân lực phụ trợ đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.

Kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Nhằm thúc đẩy các vùng kinh tế, kết nối hành lang Bắc- Nam để tạo động lực cho phát triển kinh tế- xã hội đồng bộ, đại biểu Nguyễn Quốc Hận- Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau kiến nghị cần mở rộng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam từ điểm đầu Lạng Sơn tới điểm cuối Cà Mau.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận- Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận- Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, cần phân kỳ đầu tư. Theo đó, giai đoạn 2025 - 2035 là đoạn Hà Nội- TP.HCM, giai đoạn 2030- 2040 là các đoạn còn lại. Việc kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao, vừa giúp thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội đồng bộ, vừa phù hợp thúc đẩy xuất khẩu.

Tương tự, đại biểu Trần Thị Hoa Ry- Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao ở hai địa đầu đất nước, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển, đặc biệt về du lịch. Chú trọng kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có vị trí, tiềm năng to lớn và lợi thế, hội tụ để trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry- Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry- Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Duy Tuấn - Hữu Tuấn

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/de-xuat-lam-duong-sat-toc-do-cao-tu-lang-son-toi-ca-mau-459917.html