Bán lẻ sẽ sớm sôi động
Trải qua thời gian dài kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp ngành bán lẻ kỳ vọng bước vào quý IV sẽ sôi động hơn.
Doanh số cải thiện
Các “ông lớn” ngành bán lẻ như Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG), Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT), Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã DGW) trải qua nửa đầu năm 2023 khá chật vật với kết quả kinh doanh sụt giảm khi sức cầu của thị trường yếu.
Nửa cuối năm, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, doanh thu của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phục hồi. Cơ sở cho kỳ vọng này là mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh so với nửa đầu năm và các ngân hàng đang tích cực đẩy vốn cho vay tiêu dùng cá nhân. Thêm vào đó, cuối năm là giai đoạn các doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh các chương trình giảm giá, kích cầu.
Quý III, Digiworld đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 13% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cho biết, trong quý này, mảng phân phối sản phẩm máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại di động sẽ được hưởng lợi từ mùa tựu trường.
Ngoài ra, Công ty còn phân phối thêm một nhãn hàng điện thoại mới. Đối với ngành thiết bị gia dụng và hàng tiêu dùng, việc phân phối thêm các sản phẩm từ Lotte Chisung và Westinghouse cũng được kỳ vọng sẽ tạo đà tăng trưởng cao.
Tại MWG, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần đạt 66.490 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 49% kế hoạch năm. Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thị phần phân phối sản phẩm Apple của MWG đã tăng từ 25% lên 45%, đóng góp hơn 30% tổng doanh thu thuần mảng điện thoại. Chiến lược cạnh tranh về giá đã giúp doanh thu thuần của chuỗi Thế giới di động và Điện Máy Xanh đạt hơn 48.300 tỷ đồng.
MWG cho biết, nhờ nỗ lực triển khai các hoạt động thúc đẩy bán hàng, Công ty ghi nhận doanh thu liên tục cải thiện qua từng tháng ở hầu hết ngành hàng kể từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay. Trong tháng 7, doanh thu các sản phẩm ICT (điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay) của MWG đã tăng 20 - 30%, các sản phẩm điện máy (điện tử, điện lạnh, điện gia dụng) tăng 25 - 355% so với tháng 3/2023.
Ở mảng Bách Hóa Xanh, doanh thu lũy kế 7 tháng ghi nhận tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 16.500 tỷ đồng. Riêng tháng 7, doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 10% so với tháng 6.
MWG cho hay, Công ty đang nỗ lực để bảo vệ doanh số trong giai đoạn mùa mưa và tiếp tục tăng trưởng lên mức bình quân 1,7 tỷ đồng/cửa hàng cho toàn hệ thống trong những tháng cuối năm.
Nhờ theo đuổi chiến dịch “Dịch vụ vượt trội với giá cả hợp lý”, doanh thu thuần 7 tháng của hai chuỗi bán lẻ điện thoại và điện máy của MWG đã phục hồi khoảng 80% so với năm 2022, cải thiện tích cực so với mức giảm gần 30% trong quý I/2023. Từ nay đến cuối năm, Ban lãnh đạo MWG kỳ vọng, thị phần của tất cả các mặt hàng sẽ gia tăng ít nhất 5%.
Còn tại FPT Retail, do nhu cầu điện thoại di động đã bão hòa, Công ty không mở cửa hàng mới trong năm 2023, mà dự kiến triển khai kế hoạch này vào năm 2024 - 2025. Công ty đang tập trung cho kế hoạch bổ sung các mặt hàng thiết bị gia dụng vào các cửa hàng FPT Shop.
Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định, dù gặp nhiều khó khăn song triển vọng hồi phục của FPT Retail sẽ được hỗ trợ trong thời gian tới, bởi một số yếu tố, đặc biệt là việc tập trung bán đồ gia dụng trong chuỗi FPT Shop sẽ đưa lượng khách hàng đến nhiều hơn, thúc đẩy tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng. FPT Retail đặt mục tiêu mảng kinh doanh này sẽ đóng góp 15% doanh thu cho doanh nghiệp trong 3 năm tới.
Kỳ vọng tăng trưởng từ quý IV
Sản phẩm Iphone 15 dự kiến ra mắt vào cuối tháng 9/2023 và người tiêu dùng bước vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm cũng như chu kỳ thay máy mới (3 năm/lần). Các yếu tố này sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho mảng điện thoại.
Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Digiworld kỳ vọng, đến quý IV/2023, Công ty sẽ trở lại chu kỳ tăng trưởng và bứt phá mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024.
VCBS cho rằng, sự phục hồi của thị trường ICT là yếu tố đáng chờ đợi trong năm 2024. Khi đó, lợi nhuận của MWG sẽ tăng trưởng về số tuyệt đối sau khi công ty này chiếm lĩnh được thị phần lớn nhờ chiến lược giá rẻ.
Với FPT Retail, theo ABS, động lực tăng trưởng chính của Công ty trong năm 2023 đến từ chuỗi nhà thuốc Long Châu, khi chuỗi FPT Shop đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt đến từ chiến lược giảm giá bán của các nhà bán lẻ và bối cảnh thị trường ICT bão hòa, nhu cầu tiêu thụ suy yếu.
Trong dài hạn, ABS kỳ vọng, chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ tiếp tục là động lực của FPT Retail nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và lợi thế về quy mô. Dự báo được công ty chứng khoán này đưa ra, số nhà thuốc của Long Châu trong năm 2023 và 2024 lần lượt đạt 1.340 cửa hàng và 1.763 cửa hàng, với doanh thu trung bình một cửa hàng tăng trưởng 10%/năm trong giai đoạn này.
FPT Retail đặt mục tiêu có 3.000 cửa hàng Long Châu trong 5 năm tới. Tính đến cuối quý II/2023, Công ty đã có 1.243 cửa hàng. Doanh thu trung bình trên một cửa hàng ổn định khoảng 1,1 tỷ đồng trong quý II/2023. Nhà thuốc Long Châu sở hữu lợi thế cạnh tranh so với đối thủ nhờ sản phẩm đa dạng và giá bán hợp lý. Long Châu cũng có thể giành được một phần thị phần từ kênh nhà thuốc bệnh viện, khi 20 - 30% doanh thu của chuỗi này tới từ thuốc kê đơn.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, so với cùng kỳ năm ngoái, quý III và quý IV năm nay, các doanh nghiệp ngành bán lẻ đang có nhiều yếu tố thuận lợi hơn. Thứ nhất, tình hình kinh tế phục hồi, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng. Thứ hai, chi phí vốn vay của doanh nghiệp năm nay rẻ hơn so với năm ngoái. Chi phí lãi vay của khối doanh nghiệp bán lẻ chiếm khá lớn trong cơ cấu, khi khoản này giảm sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận. Do đó, bức tranh lợi nhuận của ngành bán lẻ cuối năm được kỳ vọng sẽ khởi sắc.
Chung nhận định, ABS cho rằng, sức tiêu thụ của ngành bán lẻ được phục hồi trong nửa cuối năm nhờ tình hình lạm phát đã hạ nhiệt và mặt bằng lãi suất giảm. Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất 4 lần từ đầu năm đã giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay cao như FPT Retail giảm áp lực lãi vay.
Các doanh nghiệp bán lẻ đang sẵn sàng cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ban-le-se-som-soi-dong-post330487.html