Bản lĩnh doanh nhân trong thời đại số

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong thời đại số cũng có nhiều điểm khác biệt so với trước, bởi sự tác động của công nghệ số và sự thay đổi trong kỳ vọng của cộng đồng đối với vai trò của doanh nghiệp. Với sự kết nối toàn cầu, doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến những vấn đề mang tầm quốc tế như: biến đổi khí hậu, công bằng xã hội và nhân quyền, bảo mật dữ liệu và thông tin. Đại đoàn kết đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Quang Vũ - CEO Blue C, chuyên gia tư vấn văn hóa doanh nghiệp cũng là tác giả cuốn sách 'Văn hóa số - Gỡ bỏ rào cản chuyển đổi số' về vấn đề này.

Đại đoàn kết đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Quang Vũ - CEO Blue C, chuyên gia tư vấn văn hóa doanh nghiệp cũng là tác giả cuốn sách “Văn hóa số - Gỡ bỏ rào cản chuyển đổi số” về vấn đề này.
PV: Chuyển đổi số tạo ra những cơ hội lớn để tăng trưởng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và doanh nghệp ngày càng phải nhạy cảm và thích ứng nhanh với xu thế mới”. Trong môi trường đầy biến động, chắc hẳn sự nhạy cảm này phải xuất phát từ người lãnh đạo đầu tiên?

Ông Lê Quang Vũ.

Ông Lê Quang Vũ.

Ông LÊ QUANG VŨ: Nhà lãnh đạo không nhất thiết phải hiểu sâu về công nghệ, nhưng phải theo dõi các xu thế công nghệ, biết được các thành tựu mới của công nghệ liên quan đến lĩnh vực của mình, có tư duy mở để sẵn sàng ứng dụng.

Ngoài ra, người lãnh đạo trong thời đại số cũng phải là người tiên phong thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thời đại. Không ngừng học hỏi, linh hoạt, thích ứng, có tầm nhìn xa và khả năng tương tác (lắng nghe, truyền đạt thông tin, chia sẻ tri thức tới mọi người) là những năng lực mà nhà lãnh đạo trong thời đại số cần phải tự trang bị cho chính mình để thích ứng với thời cuộc.

Theo ông, trong các năng lực mà ông vừa nhắc đến, đâu là điều mà các nhà lãnh đạo cần chú trọng nhất?

- Cả 4 năng lực này đều rất quan trọng, nhưng trong khuôn khổ của cuộc trò chuyện này, tôi muốn chia sẻ nhiều hơn về tầm nhìn xa. Chính nó sẽ tạo ra tầm vóc của nhà lãnh đạo, cũng như cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, đa số chúng ta đang tập trung vào hiện tại hơn là tương lai. Lý thuyết về khung thời gian để tạo ra giá trị được phát triển bởi Peter Hinssen (một nhà tư vấn về đổi mới nổi tiếng thế giới) đã chỉ rằng đa số chúng ta đang dành 70% cho hôm nay, 20% cho ngày mai và chỉ 10% cho ngày sau ngày mai. Trong khi, giá trị mà chúng tạo ra tỉ lệ nghịch với thời gian.

Đầu tư cho ngày mai (Tomorrow) tập trung vào những cải tiến trong tương lai gần, giúp doanh nghiệp thích nghi và phát triển trong thời gian ngắn. Còn đầu tư cho ngày sau ngày mai (Day After Tomorrow) sẽ ưu tiên cho tương lai dài hạn hơn, những sự đổi mới đột phá và thay đổi chiến lược có thể mang lại giá trị bền vững. Để thực sự đổi mới và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần phải đầu tư và dành nguồn lực cho cả ba khung thời gian này, đặc biệt là chú trọng đến những đổi mới có tính chiến lược trong tương lai xa.

Từ góc nhìn lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp là như vậy, còn đối với nhân sự trong tổ chức thì sao? Nhà lãnh đạo nên chú trọng điều gì để không chỉ có lãnh đạo mà mỗi thành viên trong tổ chức đều có tư duy và hành động phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số?

- Khi nói đến chuyển đổi số, chúng ta thường nói nhiều về công nghệ. Nhưng thực tế thì không phải công nghệ, văn hóa mới là thách thức lớn nhất.

Đây là một phạm trù khá rộng, nhưng có thể hiểu một cách ngắn gọn, văn hóa số là các nhận thức, tư duy và và hành vi của cá nhân và tổ chức, được xác định để hỗ trợ cho tiến trình chuyển đổi số diễn ra thành công. Văn hóa số sẽ dần được hình thành trên lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ vào trong quá trình hoạt động, vận hành. Còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), để chuyển đổi số thành công, văn hóa số cần phải được phát triển dựa trên bốn trụ cột là Hợp tác, Định hướng dữ liệu, Khách hàng là trung tâm và Đổi mới. Điều quan trọng là bốn trụ cột này cần được xây dựng trên nền tảng một tổ chức có mục tiêu, sứ mệnh gắn với phát triển bền vững, hướng tới xây dựng một môi trường làm việc tiến bộ, phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và các tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Điều này có nghĩa là dù trong bối cảnh nào thì việc phát triển doanh nghiệp gắn với trách nhiệm xã hội cũng luôn là yếu tố mà doanh nghiệp cần ưu tiên. Vậy, ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp hiện nay, nhất là sau các thiên tai gây ảnh hưởng nặng nề như vừa qua?

Xã hội càng tiến bộ thì yếu tố trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp càng được chú trọng, đặc biệt trong các thời điểm thiên tai; bão lũ tại miền Bắc vào tháng 9 vừa qua là một ví dụ. Sự đóng góp và hỗ trợ kịp thời về sức người, sức của từ các doanh nghiệp đã giúp ích rất nhiều trong việc ứng cứu và khắc phục hậu quả sau bão lũ. Tuy nhiên, ở một góc độ lâu dài hơn, đã đến lúc những người đứng đầu cần xem xét tác động của doanh nghiệp mình lên môi trường và xã hội ở tầng sâu hơn, để đưa ra những lựa chọn phù hợp, như: ưu tiên sử dụng công nghệ xanh, các giải pháp bền vững trong sản xuất kinh doanh, quản lý tài nguyên hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường… thay vì đơn thuần là khắc phục hậu quả thiên tai.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong thời đại số cũng có nhiều điểm khác biệt so với trước, bởi sự tác động của công nghệ số và sự thay đổi trong kỳ vọng của cộng đồng đối với vai trò của doanh nghiệp. Với sự kết nối toàn cầu, doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến những vấn đề mang tầm quốc tế như: biến đổi khí hậu, công bằng xã hội và nhân quyền, bảo mật dữ liệu và thông tin… Công nghệ cũng đã thay đổi cách thức thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội, ví dụ: blockchain giúp tăng tính minh bạch trong chuỗi cung ứng, trí tuệ nhân tạo (AI) giúp quản lý năng lượng hiệu quả, và dữ liệu lớn (Big Data) hỗ trợ phân tích các xu hướng xã hội để doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!

THÚY HẰNG (Thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ban-linh-doanh-nhan-trong-thoi-dai-so-10292176.html