Bán lô đất quê 6 tỷ đầu tư cho con du học, 5 năm sau, lô đất tăng gấp 3, người mẹ tuyên bố: 'Tôi không bao giờ hối hận'
Mảnh đất năm xưa bán được 6 tỷ để đầu tư cho con đi du học giờ đã tăng lên tới 17,5 tỷ đồng. Thu nhập 5 năm qua của những đứa con chưa hòa được vốn nhưng người phụ nữ đến từ Nam Định thừa nhận, chưa bao giờ hối hận về quyết định của chính mình.
5 năm trước, gia đình bà N. (Nam Định) thuộc diện có thu nhập kinh tế trung bình. Từ khi kết hôn đến sinh con, vợ chồng bà chỉ kinh doanh buôn bán bằng nhiều nghề khác nhau để duy trì cuộc sống và nuôi 2 đứa con. Từ bán hàng ngoài chợ, mở quán ăn đến xây nhà nghỉ cho thuê. Bà N. xác định, dù vợ chồng chỉ buôn bán, không dư dả của ăn của để nhưng bà vẫn hy vọng và mong muốn cho 2 đứa con được học hành đầy đủ.
Đến năm 2015, 2 đứa con bà N. nhận được cơ hội sang Thụy Điển du học và làm việc. Suy tính, nếu như không đầu tư con học thì cả đời này, gia đình bà cũng chỉ quanh quẩn với đất quê, lam lũ với công việc buôn bán. Bà không muốn những đứa con theo nghiệp buôn bán như vợ chồng bà.
Thời điểm đó, bà đã quyết định bán căn nhà nghỉ để dành tiền cho con đi học. Lô đất của gia đình bà có diện tích hơn 200m2, mặt tiền 17m. Trên lô đất đã có nhà nghỉ 5 tầng, đầy đủ nội thất. Số tiền mà bà bán được là 6 tỷ đồng.
Cầm 6 tỷ đồng trong tay, bà N. trả một phần cho khoản nợ nhiều năm kéo dài. Số tiền hơn 5 tỷ đồng bà dành 1/5 để mua lô đất gần 300m2 trong làng, xây căn nhà nhỏ và nhà thờ gia tiên.
Số tiền còn lại, bà dành cho 2 đứa con đi du học và lập nghiệp tại Thụy Điển. Đến thời điểm hiện tại, bà N. cho biết, với cơn sốt đất xuất hiện, lô đất trước đây của gia đình bà nằm trên trục đường lớn hiện tại đã được giao dịch với giá hơn 17 tỷ đồng.
"17,5 tỷ đồng đối với tôi rất lớn. Nói thật, đến bây giờ con tôi đi học và ra nước ngoài đi làm chưa bù lại đủ số vốn mà tôi đầu tư cho con. Nhưng tôi không bao giờ hối hận", bà N. cho hay.
Theo quan điểm của bà N. đầu tư cho con cái là việc đầu tư vào tương lai. "Giờ tôi thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Không quá giàu có nhưng con tôi đều đã có công việc ổn định ở nước ngoài. Các cháu chín chăn, trưởng thành và thương bố mẹ. Nếu 5 năm trước, tôi không bán nhà đất cho con đi học thì giờ tôi đã có hơn 17 tỷ đồng. Đúng là một số tiền lớn. Nhưng tôi nghĩ, nếu con cái không có học hành tử tế, không công việc ổn định, không thương bố mẹ thì 17 tỷ cũng nhanh tan như gió. Thế nên tôi không hối hận vì quyết định thời điểm đó của mình dù bây giờ họ hàng xung quanh còn tiếc vì thời đó bán đi mảnh đất này".
Trước đó, câu chuyện của người mẹ bán mảnh đất 500 triệu đồng cho con đi học đại học, đến hiện tại, giá đất lên 5 tỷ đồng còn người con thu nhập 5 triệu đồng/tháng đã gây xôn xao dư luận. Người con trong câu chuyện này cũng thừa nhận, dù chăm chỉ làm việc nhưng khoản tích cóp vẫn èo uột trong khi giá đất tăng vù vù. Có quan điểm cho rằng, nếu so sánh một bài toán đầu tư về việc cho con đi học và tiền lời của lô đất thì rõ ràng giữ lại lô đất sẽ có giá trị lợi nhuận cao hơn.
Tuy nhiên, bình luận về vấn đề này, ông Mai Quốc Bình, CEO Thê giới giấy lại đặt ra câu hỏi: "Vậy chẳng lẽ bố mẹ còn miếng đất đó hoặc có nhiều miếng đất khác thì không cần phải học?"
Ông Bình cho rằng, miếng đất 5 tỷ thì cũng chỉ là một miếng đất. Nó không sinh sôi nảy nở được, miếng đất đó không nở ra mỗi ngày. Nó cũng không tư tạo ra giá trị gia tăng trên đó nếu bạn không dùng chất xám, không dùng giá trị của sự học để nhào nặn nó ra một hình hài khác. Nhà bạn bán miếng đất đi để đầu tư cho bạn học đó chính là đầu tư cho một giá trị lớn hơn trăm vạn lần trong tương lai. Nếu phát huy được kiến thức đó, sử dụng kiến thức đó tốt và làm cho nó ngày càng uyên thâm thì miếng đất 5 tỷ chẳng là gì cả. Rồi bạn sẽ mua được cả hàng chục miếng đất 5 tỷ đó".
Thực tế, những năm trở lại đây, cơn sốt đất đổ về vùng quê khiến cho mức giá tăng chóng mặt. Giá đất gấp 3,4 lần là chuyện thường tình. Trong khi mức lương trung bình của người trẻ mới ra trường chỉ từ 7-15 triệu đồng. Nếu tính về khả năng tích cóp, họ có thể phải mất tới 10-20 năm mới có thể mua được lô đất 1 tỷ đồng. Giá đất tăng cao khiến cho người trẻ muốn mua đất, xây nhà càng xa vời. Nhưng rõ ràng, đầu tư cho việc học lại là đầu tư cho tương lai và con người. Nếu chăm chỉ lao động, người trẻ hoàn toàn có thể mua được nhiều hơn một lô đất.