Bán 'nhầm' cây rừng trong di tích Mỹ Sơn

Người dân địa phương bức xúc trước việc Ban quản lý (BQL) Di sản văn hóa Mỹ Sơn (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) dọn dẹp, chặt cây ngã đổ sau bão số 9 (2020) bán gỗ đã 'chặt nhầm' cây của nhóm hộ dân nằm trong khu cảnh quan Di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn. Đáng nói, việc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn đốn hạ hơn 100 cây rừng tại đây chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Người dân địa phương bức xúc trước việc Ban quản lý (BQL) Di sản văn hóa Mỹ Sơn (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) dọn dẹp, chặt cây ngã đổ sau bão số 9 (2020) bán gỗ đã "chặt nhầm" cây của nhóm hộ dân nằm trong khu cảnh quan Di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn. Đáng nói, việc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn đốn hạ hơn 100 cây rừng tại đây chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Nhiều cây gỗ có đường kính lớn của người dân bị "chặt nhầm" trong khu vực Di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn.

Nhiều cây gỗ có đường kính lớn của người dân bị "chặt nhầm" trong khu vực Di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn.

Người dân địa phương cho biết, năm 1994, nhóm hộ thôn Mỹ Sơn (xã Duy Phú, H. Duy Xuyên) được cấp đất theo diện kinh tế mới ở khu vực gần Di sản văn hóa Mỹ Sơn. Sau đó, nhóm hộ không dựng nhà nên san ủi trồng cây lâm nghiệp. Sau này, diện tích đất trồng cây của nhóm hộ nằm trong quy hoạch khu cảnh quan Di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn. Từ đó, cây trồng của các hộ dân không được phép khai thác. Năm 2006, cây cối bị gãy do bão, lúc này BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn chỉ cho phép người dân vào trong chặt những cành, nhánh đã gãy, gốc cây còn khả năng phát triển thì được giữ lại.

Thế nhưng sau bão số 9 vừa qua, nhóm hộ dân nghe tin cây của chính mình trồng bị ngã đổ, BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho người chặt bán gỗ. "Cũng là cây ngã đổ sau bão, chúng tôi xin khai thác thì chỉ được chấp nhận thu dọn cành, nhánh đã gãy. Nhưng sau bão số 9, họ cho người vào thu dọn, cưa cây bán gỗ nhưng không hề cho chúng tôi biết. Chúng tôi chỉ được biết khi người mua xầm xì", ông Nguyễn Thanh Ba (trú thôn Mỹ Sơn) bức xúc nói. Ông Ba cho biết thêm, ông có 2ha đất trồng hơn 15 ngàn cây keo xen kẽ xà cừ.

Số cây này được gia đình trồng từ năm 1994, thuộc dự án PAM 4304 (dự án rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của Chương trình lương thực thế giới). Sau đó, khu vực trồng rừng của ông Ba được chuyển thành rừng phòng hộ cảnh quan của khu di sản văn hóa Mỹ Sơn nên bị cấm khai thác, chặt hạ. Ông Ba cũng cho rằng, diện tích rừng của gia đình ông được quy hoạch khu cảnh quan lịch sử, ông tuyệt đối tuân thủ. Nhưng đến nay gần 30 năm, đất, cây trồng trên đất bị quy hoạch vẫn chưa được đền bù, hỗ trợ thỏa đáng.

Qua ghi nhận thực tế, bên trong cổng vào di tích văn hóa Mỹ Sơn, hàng chục cây keo lớn có độ tuổi hàng chục năm đã bị cựa hạ. Vị trí những cây bị cưa nằm sát và cách bên đường vào di tích khoảng vài chục mét, đường kính có cây lên đến 0,8 mét. Trước sự việc trên, làm việc với P.V, ông Phan Hộ - Giám đốc BQL Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết, do bão số 9 tàn phá, nhiều cây keo tai tượng dọc hai bên đường vào gần di tích bị ngã đổ. Do đó, BQL bàn cách để khắc phục nhanh hậu quả, trả lại hiện trạng phục vụ du khách. Vì nguồn gốc cây do Công đoàn trồng nên BQL giao cho Công đoàn thu gom bán lấy tiền trả nhân công dọn dẹp, tổ chức phát động trồng cây thay thế. Nhưng trong quá trình thu gom, người mua thu gom luôn cây của bà con ngã đổ nên họ có ý kiến", ông Hộ nói.

Một phần số gỗ còn lại được "dọn dẹp" sau bão trong khu vực Di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn.

Một phần số gỗ còn lại được "dọn dẹp" sau bão trong khu vực Di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn.

Cũng theo ông Hộ, Công đoàn BQL đã thu dọn 130 cây, bán được 180 triệu, trong đó lượng cây "chặt nhầm" của người dân không đáng kể. Số cây này nằm ven đường vào di tích do Công đoàn BQL trồng ngẫu nhiên với mục tiêu tạo cảnh quan phục vụ du lịch. "Nói thật tôi nghĩ đơn giản, bão lũ cây ngã xuống đường ngổn ngang. Hôm nay bão, ngày mai Mỹ Sơn đã có khách, xe cộ lưu thông, đường sá để vậy sao được. Trong quá trình làm do chú tâm vào vấn đề nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão. Vì vậy so với các quy định về rừng thì chúng tôi chưa có báo cáo xin phép đầy đủ, dẫn đến những sai sót so với quy định.

Việc chưa cấp phép mà chặt cây là không đúng, nhưng chúng tôi không tổ chức khai thác, có ý đồ chặt rừng phòng hộ, bán cây. Chúng tôi chỉ muốn khắc phục nhanh hậu quả của bão để đón khách. Ngoài ra, trong quá trình thu gom cây, đơn vị hợp đồng thu gom đã chặt "nhầm" các cây của người dân bị ngã đổ. Chúng tôi đã thương lượng và sớm giải quyết cho người dân. Đây là sai sót trong giám sát của BQL và là bài học đối với chúng tôi", ông Hộ phân trần.

Liên quan đến vụ việc trên, Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam cho biết, đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của người dân và đang phối hợp với Phòng TN&MT H. Duy Xuyên xác định vị trí và nguồn gốc rừng bị đốn hạ, rồi mới có kết luận, giải quyết cụ thể.

B.B

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_240271_ban-nham-cay-rung-trong-di-tich-my-son.aspx