Ban Pháp chế HĐND tỉnh thẩm tra các văn bản trình kỳ họp thứ 17
Sáng 21/11, Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị thẩm tra các văn bản trình kỳ họp thứ 17 (kỳ họp cuối năm); cùng tham gia hội nghị có lãnh đạo Ban Kinh tế-Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội.
Hội nghị tiến hành thẩm tra các báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cà Mau về kết quả công tác kiểm sát năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Cà Mau về kết quả công tác năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 (từ ngày 1/11/2023-31/10/2024); báo cáo của Cục thi hành án dân sự về kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Ông Đặng Dư Phương, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, thông tin, Viện Kiểm sát Nhân dân hai cấp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra thực hiện nhiều giải pháp đấu tranh, trấn áp, kiến nghị phòng ngừa tội phạm trên các lĩnh vực; chủ động kịp thời phát hiện, khởi tố 893 vụ/1.152 bị can (tăng 17,2% số vụ và 11,3% số bị can so với năm 2023). Các vụ án truy tố đều đúng thời hạn, đúng tội danh 100%.
Ông Hà Thanh Hùng, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh, cho biết, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong năm đã tổ chức được 138 phiên tòa rút kinh nghiệm và có 208 phiên tòa trực tuyến (trong đó 13 phiên tòa rút kinh nghiệm 2 cấp tỉnh Cà Mau và 1 phiên tòa rút kinh nghiệm, trực tuyến đến 23 tỉnh, thành khu vực phía Nam). Tòa án 2 cấp chuyển sang hòa giải, đối thoại 1.854 vụ, việc, trong đó đã hòa giải thành, đối thoại thành 1.261 vụ việc, chiếm 68,02%.
Công tác thi hành án dân sự theo niên độ đạt kết quả tương đối khả quan, về việc đạt 84,01% (tăng 2,15% so với cùng kỳ năm 2023); về tiền đạt 59,64%, tăng 9,68% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 13,09% so với chỉ tiêu Tổng cục giao.
Qua báo cáo, đại biểu đánh giá cao nỗ lực lớn của các cơ quan tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phiên tòa rút kinh nghiệm.
Đại biểu cho rằng, cần chú trong công tác hòa giải tại tòa, giúp tăng cường mối đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân; sắp xếp lại phần tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong báo cáo sao cho hợp lý. Đồng thời quan tâm đến việc tài sản kê biên, bán đấu giá để thi hành án; bổ sung khó khăn cũng như phương hướng, giải pháp trong công tác thi hành án…
Ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, lưu ý các cơ quan soạn thảo văn bản tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu, các sở, ngành có liên quan. Rà soát, tổng hợp, hoàn thiện các báo cáo nhằm đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng, tạo sự đồng thuận cao khi trình kỳ họp cuối năm.
Chiều nay, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiếp tục thẩm tra báo cáo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.