Bàn phương án kiểm định khí thải xe máy
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải. Kịch bản và phương án cho việc này vẫn đang được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.
Khó nhưng không thể không làm
Theo kết quả nghiên cứu tác động của ô nhiễm không khí do Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP. HCM) và nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Công nghệ, Đại học Y tế công cộng thực hiện, trong giai đoạn 2018-2020, hàng nghìn người trên cả nước đã tử vong do ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5.
Kết quả quan trắc cho thấy TP. HCM bị ô nhiễm bụi PM2.5 với nồng độ trung bình 24 giờ lên tới 129ug/m3, vượt Quy chuẩn Việt Nam 3,5 lần.
Nguyên nhân gây ô nhiễm bụi PM2.5 tại TP. HCM được xác định do: 32,3% từ khí thải xe gắn máy và từ mặt đường khi xe chạy; 32,3% từ hộ gia đình; 13,3% từ dệt may; 7,3% từ cảng biển; 6,8% từ nhà hàng, quán ăn.
Kết quả từ chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại các thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải chỉ ra rằng, xe có tuổi đời trên 5 năm có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn.
Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn.
Ông Lê Văn Đạt, Trưởng phòng An toàn giao thông và Phân tích cơ sở dữ liệu GTVT (Viện Chiến lược và phát triển giao thông cho biết, giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, tốc độ tăng trưởng của phương tiện cơ giới đường bộ tăng khoảng 17,5%; giai đoạn từ 2010 đến nay tăng khoảng 8%. Đến năm 2023, Việt Nam có khoảng 79 triệu phương tiện (trong đó có 73 triệu xe máy và hơn 6 triệu xe ô tô).
Ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, với số lượng xe máy này, để thực hiện việc kiểm định khí thải xe máy là một bài toán cực kỳ thử thách.
Hiện nay, cả nước có 6 triệu xe ô tô và phải mất gần 30 năm mới xây dựng được mạng lưới trạm kiểm định gần 300 trạm.
"Với lượng xe máy gấp 10 lần ô tô, dù kiểm định đơn giản hơn nhưng tỉ lệ tương ứng để phủ rộng giai đoạn đầu cũng cần hàng nghìn cơ sở tham gia kiểm định", ông Phong nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy là bài toán cực kỳ nan giải và ảnh hưởng rất lớn đến người dân (đặc biệt người có thu nhập thấp.
Nhấn mạnh kiểm định khí thải phương tiện giao thông là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường, đảm bảo thực hiện chủ trương mục tiêu đưa phát thải ròng về zero vào năm 2050. Việc kiểm soát khí thải ô tô, xe máy cũng được nghiên cứu từ lâu (năm 2010 Chính phủ đã có Đề án 909 về kiểm soát khí thải ô tô, xe máy đang lưu hành), song, theo ông Phương, các cơ quan cần nghiên cứu kỹ, thận trọng, đánh giá tác động để đưa ra lộ trình cho phù hợp.
Theo các chuyên gia, dù khó, nan giải nhưng đã đến lúc cần kiểm soát khí thải từ các phương tiện cơ giới, đặc biệt là xe mô tô, xe gắn máy vì đang chiếm đa số phương tiện tham gia giao thông hiện nay, để bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường.
Kịch bản nào cho kiểm định khí thải xe máy lưu hành?
Đề xuất kịch bản kiểm soát khí thải xe máy tại các thành phố, Ths Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện chuyên ngành Môi trường cho biết, có các kịch bản có thể triển khai.
Thứ nhất là kiểm soát theo khu vực, với khu vực trung tâm mật độ xe lớn, ô nhiễm hơn cần thực hiện đầu tiên, tiếp đến là khu vực lân cận trung tâm và cuối cùng là khu vực ngoại thành.
Thứ hai là kiểm soát theo đối tượng, phân loại kiểm soát khí thải xe theo dung tích xi lanh (trên 175cm3 và dưới 175cm3); kiểm soát khí thải theo năm sử dụng (trên 10 năm, trên 5 năm hoặc tất cả các xe)
Thứ ba là kiểm soát khí thải xe máy bằng hình thức thu phí phát thải, xe vượt mức tiêu chuẩn càng nhiều thì nộp phí càng cao.
Thứ tư là kiểm soát khí thải xe máy bằng hình thức hỗn hợp, thực hiện các phương án kiểm soát theo khu vực và đối tượng (theo năm sử dụng của xe, theo dung tích xi lanh); giữa khu vực và thu phí.
Qua nghiên cứu, ông Khang kiến nghị nên áp dụng kịch bản kiểm soát hỗn hợp, triển khai đồng thời kiểm soát theo khu vực và theo đối tượng. Bên cạnh đó, có thể xem xét cả việc thu phí phát thải của phương tiện cá nhân tại một số khu vực mật độ phương tiện lớn nhưng định hướng phát triển du lịch, đồng thời có các phương tiện công cộng, phương tiện thân thiện môi trường (Xe điện, xe đạp),…đủ đáp ứng nhu cầu đi lại.
Về lộ trình thực hiện, ông Khang cho rằng trước tiên cần phải xây dựng khung pháp lý, ban hành kế hoạch kiểm soát khíthair, nghiên cứu phân vùng bảo vệ môi trường không khí và hạn chế xe máy; xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn khí thải xe máy đang lưu hành và các tiêu chuẩn, quy định liên quan đến quản lý khí thải xe máy, bao gồm cả đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ kiểm định khí thải xe máy.
Đồng thời, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động sâu rộng về kiểm soát khí thải xe máy.
Tiếp đó là giai đoạn thí điểm, cần quy định đối tượng thực hiện kiểm định, theo kết quả nghiên cứu, nên quy định cho xe từ 5 năm trở lên và 1 lần/năm; nghiên cứu phương án dán tem kiểm định.
Sau khi thí điểm, dựa trên kết quả và kinh nghiệm để triển khai toàn phần.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phương cho biết, Cục Đăng kiểm VN đã tính toán phương án huy động khoảng 300 đơn vị trong hệ thống kiểm định xe cơ giới hiện nay, hơn 600 cơ sở bảo dưỡng xe máy, 1.800 đơn vị thuộc hệ thống các xưởng bảo hành, bảo dưỡng xe máy. Tổng cộng sẽ có khoảng 2.700 đơn vị có thể kiểm định khí thải xe máy.
"Phải huy động toàn bộ nguồn lực thì làm mới thành công được", ông Phương nhấn mạnh và cho biết: Nên triển khai kiểm soát khí thải phương tiện giao thông ở các thành phố lớn trước như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… sau đó mới lan tỏa dần ra các địa phương khác.
Ngoài ra, có thể nghiên cứu các loại phương tiện nào cần làm trước để vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường vừa đảm bảo tính khả thi của việc kiểm soát khí thải.
Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Anh Tuấn cho rằng ,TP. HCM có thể đi tiên phong triển khai vấn đề này trong 5 năm tới. Thời gian đầu triển khai, địa phương có thể phối hợp Cục Đăng kiểm sử dụng các trung tâm bảo dưỡng xe máy để kiểm định.
Đồng thời, cần có giải pháp kỹ thuật để giảm lượng phát thải bụi bẩn của những xe máy không đạt yêu cầu khi kiểm định. Với những xe không thể bảo dưỡng nữa thì cần thải loại.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN, dù Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 song thời điểm này chưa thực hiện kiểm định khí thải với tất cả xe máy mà sẽ thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Theo lộ trình, việc kiểm định khí thải xe máy sẽ thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ để ban hành quyết định lộ trình thực hiện. Trong đó sẽ quy định cụ thể thời điểm, tiêu chuẩn áp dụng, cách thức, đối tượng triển khai.
"Lượng xe máy sử dụng ở nước ta hiện rất lớn và còn rất nhiều xe đã sử dụng thời gian dài nên cần tính toán phương án, cách thức thực hiện sao cho hài hòa, hợp lý, khả thi nhất", lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thải bỏ phương tiện giao thông (TBPTGT) đang được lấy ý kiến đã quy định: Chủ phương tiện giao thông (bao gồm cả ô tô, xe mô tô, xe gắn máy,…) hết niên hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thải bỏ theo hình thức chuyển giao cho cơ sở được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ (trừ trường hợp hoãn trách nhiệm TBPTGT).