Ban quản lý chợ, khu thương mại khó bảo vệ người tiêu dùng
Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định theo hướng ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, khu thương mại phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng trong khu vực quản lý. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng điều này là khó khả thi.
Loại bỏ các trách nhiệm không phù hợp
Góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sau đây gọi là dự thảo), VCCI cho rằng, ban soạn thảo cần xem xét lại Điều 5, quy định trách nhiệm của ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, khu thương mại theo hướng đây phải trở thành đơn vị có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng trong khu vực quản lý.
VCCI phân tích trên 3 khía cạnh. Về tính khả thi, VCCI cho rằng, năng lực của doanh nghiệp vận hành chợ, khu thương mại thực sự khó đáp ứng việc các yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng. Ví dụ doanh nghiệp khó thực hiện giải quyết tranh chấp (phán xử) giữa thương nhân với cá nhân. Hòa giải tranh chấp cũng cần nhân sự có chuyên môn và được đào tạo bài bản về hòa giải. Hoặc doanh nghiệp cũng không có đủ thẩm quyền và năng lực để xác định chất lượng sản phẩm hàng hóa - vốn đang thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Việc duy trì các điều kiện này có thể tạo ra gánh nặng chi phí lớn cho các doanh nghiệp.
Về tính cần thiết, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đã quy định nhiều cách thức bảo vệ người tiêu dùng và trách nhiệm của người tiêu dùng. Việc tạo ra thêm một “lớp” bảo vệ nữa có thể không thực sự cần thiết và có hiệu quả như các cách thức đang hoạt động. Hơn nữa, trong trường hợp các khu thương mại (suy đoán là siêu thị, trung tâm thương mại), các doanh nghiệp hoạt động trong các gian hàng tại khu này đều là các doanh nghiệp có thương hiệu, có cơ chế giải quyết khiếu nại với người tiêu dùng (ngay tại cửa hàng và thông qua phương thức khác) rất hiệu quả, do đó không cần thiết phải có sự can thiệp của doanh nghiệp vận hành khu.
Bên cạnh đó, VCCI cho rằng, dự thảo quy định doanh nghiệp định kỳ 6 tháng phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm soát hàng hóa trong phạm vi quản lý (khoản 6 Điều 5) là không phù hợp. Bởi vì, việc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp cần được giới hạn và chỉ thực hiện theo quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra, cụ thể chỉ diễn ra không quá 1 lần/năm theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng năm 2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc lại các quy định này và loại bỏ các trách nhiệm không phù hợp, VCCI đề xuất.
Nghĩa vụ của nền tảng số “quá nặng”
Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, dự thảo quy định nghĩa vụ của nền tảng số trung gian. Ví dụ, các nền tảng số trung gian phải xây dựng báo cáo đánh giá hàng năm về nhiều nội dung, đặc biệt là rất nhiều yêu cầu cung cấp danh sách hay danh sách chi tiết như: tiêu chí xác định ưu tiên hiển thị sản phẩm hàng hóa, danh sách nội dung quảng cáo, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng… Điều này không khả thi, tạo gánh nặng vận hành cho doanh nghiệp và không rõ mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, VCCI nhận xét.
Ví dụ, số lượng người dùng, số sản phẩm, hàng hóa và số lượng giao dịch trên nền tảng thường rất lớn. Các tiêu chí ưu tiên hiển thị sản phẩm sẽ được công bố rõ ràng tại các chương trình cụ thể, có thể được điều chỉnh khác nhau với mỗi chương trình để bảo đảm tính hấp dẫn với người dùng. Hoặc việc yêu cầu cung cấp thông tin về thương nhân trên nền tảng khi có yêu cầu từ người tiêu dùng; danh sách tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, khiếu nại từ người tiêu dùng - cũng phục vụ mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng. VCCI cho rằng, trong trường hợp có khiếu nại xảy ra, nếu nền tảng, người bán và người tiêu dùng giải quyết được với nhau một cách hợp lý thì việc báo cáo cho cơ quan quản lý là không cần thiết. Với những trường hợp người tiêu dùng không hài lòng với cách giải quyết của nền tảng, họ sẽ gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo VCCI, các quy định này dự kiến sẽ tạo ra gánh nặng vận hành lớn cho các doanh nghiệp với các báo cáo có thể dài đến hàng trăm trang và vẫn có nguy cơ bị đánh giá là chưa đáp ứng, cần chỉnh sửa. Do đó, cơ quan soạn thảo rà soát và loại bỏ bớt các thông tin báo cáo để phù hợp với yêu cầu quản lý và khả năng thực thi của doanh nghiệp.