Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa: Hiệu quả từ giao khoán bảo vệ rừng

Thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) theo tiểu dự án 1, dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa là đơn vị có diện tích giao khoán bảo vệ rừng lớn nhất tỉnh. Từ việc thực hiện chính sách này, công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị ngày càng tốt hơn, năm 2024 không xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp trên những diện tích đã giao khoán bảo vệ rừng.

Những ngày sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm) lại thực hiện đợt tuần tra rừng tự nhiên. Tại Sơn Tân, có 2 tổ cộng đồng ở 2 thôn Va Ly và Suối Cốc, với tổng cộng 15 hộ ĐBDTTS nhận khoán bảo vệ 450ha rừng tự nhiên từ đơn vị chủ rừng. “Từ khi nhận khoán bảo vệ rừng, trung bình 10 ngày chúng tôi lại đi tuần tra rừng tự nhiên mà mình nhận khoán. Khi nghi ngờ, phát hiện nguy cơ các đối tượng xâm hại vào rừng, chúng tôi báo ngay cho Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Sơn Tân (Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa) để kịp thời phối hợp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý, không để phát sinh tình trạng khai thác lâm sản, phá rừng, lấn chiếm rừng trong khu vực nhận khoán bảo vệ. Hiện nay, khu vực Sơn Tân chuẩn bị bước vào mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn nên việc tuần tra, bảo vệ rừng nhận khoán sẽ dày hơn. Việc nhận khoán bảo vệ rừng với mức 400.000 đồng/ha/năm cũng giúp các hộ cải thiện thu nhập”, ông Mang Tám - thôn trưởng thôn Suối Cốc, đại diện tổ cộng đồng thôn Suối Cốc nhận khoán bảo vệ rừng cho biết.

Các hộ dân thôn Suối Cốc (xã Sơn Tân) và lực lượng của Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Sơn Tân tuần tra một khu vực rừng giao khoán.

Các hộ dân thôn Suối Cốc (xã Sơn Tân) và lực lượng của Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Sơn Tân tuần tra một khu vực rừng giao khoán.

Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Sơn Tân được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 4.808ha rừng phòng hộ, trong khi lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của trạm chỉ có 4 người, vừa thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng tự nhiên, giữ rừng trồng, vừa canh coi lửa rừng mùa khô nên gặp khó khăn trong việc bảo vệ diện tích rừng được giao. Do đó, việc thực hiện chính sách giao khoán 450ha rừng tự nhiên cho các hộ ĐBDTTS trên địa bàn bảo vệ đã giúp trạm có thêm nhân lực để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lâm phận được giao.

Ông Phan Văn Phương - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Sơn Bình cho biết: “Trạm chúng tôi được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 12.680ha rừng và đất rừng, trong đó có hơn 8.196ha rừng tự nhiên thuộc địa phận 4 xã cánh tây huyện Khánh Sơn gồm: Sơn Bình, Sơn Hiệp, Sơn Lâm và Thành Sơn. Với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chỉ có 5 người, chúng tôi gặp khó khăn khi phải quản lý địa bàn rất rộng, lâm phận thường xuyên bị các đối tượng nhòm ngó để khai thác rừng, phá rừng chiếm đất sản xuất… Từ khi các diện tích rừng tự nhiên ở xã Sơn Hiệp và xã Thành Sơn được các hộ dân nhận khoán bảo vệ (xã Thành Sơn có 125 hộ dân nhận khoán bảo vệ 3.750ha, xã Sơn Hiệp có 45 hộ dân nhận khoán 1.350ha), diện tích rừng tự nhiên tại các khu vực giao khoán được bảo vệ tốt hơn, không để xảy ra vi phạm. Các hộ thay phiên nhau tổ chức thành từng tổ, nhóm, phân công nhau đi kiểm tra rừng, mỗi chuyến đi đều báo cáo kết quả, có hình ảnh minh chứng để trạm nắm tình hình. Lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng còn hỗ trợ tích cực cho trạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vào cao điểm mùa khô”.

Giai đoạn 2023 - 2025, chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo tiểu dự án 1, dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025. Toàn tỉnh có 338 hộ ĐBDTTS đã nhận khoán bảo vệ hơn 9.480ha rừng tự nhiên từ các đơn vị chủ rừng nhà nước, UBND cấp xã. Riêng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa là đơn vị giao khoán lớn nhất, với 6.480ha rừng tự nhiên giao khoán cho 219 hộ ĐBDTTS ở 2 huyện Khánh Sơn và Cam Lâm. Trong đó, huyện Khánh Sơn có 204 hộ dân ở các xã: Thành Sơn, Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam và thị trấn Tô Hạp nhận khoán bảo vệ 6.030ha rừng; huyện Cam Lâm có 15 hộ dân ở xã Sơn Tân nhận khoán bảo vệ 450ha rừng.

Ông Ngô Công Châu - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cho biết: “Cuối năm 2024, đơn vị đã nghiệm thu và thực hiện chi trả xong gần 2,6 tỷ đồng cho các hộ ĐBDTTS nhận khoán bảo vệ rừng của đơn vị. Có thể thấy, chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ ĐBDTTS đã mang lại hiệu quả cao khi vừa tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo ở vùng ĐBDTTS và miền núi, vừa góp phần hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng được tốt hơn. Năm 2024, các diện tích rừng tự nhiên giao khoán cho các hộ dân bảo vệ không xảy ra vụ vi phạm nào. Trong năm 2025, chúng tôi tiếp tục thực hiện việc giao khoán bảo vệ diện tích rừng tự nhiên nêu trên cho các hộ dân theo hồ sơ thiết kế, dự toán giao khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2023 - 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt, với kinh phí thực hiện tương đương năm 2024”.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202502/ban-quan-ly-rung-phong-ho-nam-khanh-hoa-hieu-qua-tu-giao-khoan-bao-ve-rung-3a55b08/