Bán sách giáo khoa theo kiểu 'bia kèm lạc'

Việc nhà trường tổ chức cho phụ huynh đăng ký mua sách, cấp phát sách như lâu nay vô tình 'biến' nhà trường thành nơi phân phối, tiếp thị sách cho các đơn vị phát hành. Trong khi đó, xã hội ta vốn có truyền thống 'tôn sư trọng đạo' nên khi nhận thông báo của thầy cô, nhà trường thì dù tự nguyện hay không, hầu hết phụ huynh đều đăng ký, mua đầy đủ danh mục sách do nhà trường đưa ra mà không biết trong đó có các loại sách bài tập, sách tham khảo không bắt buộc phải mua, sử dụng, gây lãng phí lớn.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, ngày 10-6-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Thế nhưng, việc bán sách theo kiểu “bia kèm lạc” vẫn xảy ra đầu năm học 2023-2024, được Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 2-8-2023 phản ánh qua bài viết “Học sinh vẫn còng lưng “cõng” sách tham khảo”.

Như mọi sản phẩm khác, trước khi đến tay người tiêu dùng, sách tham khảo cũng phải qua nhiều khâu trung gian phân phối, tiếp thị và mỗi khâu lại có một mức chiết khấu khác nhau trước khi đến tay phụ huynh. Theo kết quả của Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, mức chiết khấu bán SGK, sách bài tập hiện nay quá cao.

Cụ thể, mức chiết khấu sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành của Nhà xuất bản Giáo dục phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022, đối với SGK là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022-2023, đối với SGK là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%. Qua đây có thể thấy, sách bài tập có mức chiết khấu cao nhất, đồng thời giải thích vì sao nó được tìm mọi cách để phụ huynh phải mua.

Ảnh minh họa: Vietnam+

Ảnh minh họa: Vietnam+

Nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà trường là nơi dạy chữ, dạy người. Vì thế, để giáo viên, nhà trường tham gia vào khâu phát hành sách của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành là không nên, vừa ảnh hưởng đến nhiệm vụ trung tâm, vừa làm xấu đi hình ảnh người thầy. Thay vì đứng ra làm hộ phần việc của các đơn vị phát hành, nhà trường, giáo viên chỉ đề xuất lựa chọn SGK theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau đó, căn cứ vào danh mục lựa chọn SGK do UBND cấp tỉnh phê duyệt, ngành giáo dục lập danh sách SGK cần mua (kèm thông tin đầy đủ về tên sách, nhà xuất bản) theo từng cấp học, lớp học và tổ chức thông báo rộng rãi, gửi về để các trường thông báo cho phụ huynh nắm được, tự tìm mua. Cách làm này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa thực hiện từ năm 2022 và nhận được sự ủng hộ, đồng tình rất cao của phụ huynh, đặc biệt là giáo viên, bởi đã giúp họ bớt đi phần gánh nặng cho công việc “ngoài chuyên môn” này. Đây cũng là cách tốt nhất tạo điều kiện cho người dân thuận tiện theo dõi, giám sát, phản ánh khi phát hiện tiêu cực.

Ngoài ra, cần có chế tài cụ thể, xử lý nghiêm khắc những đơn vị, cá nhân vi phạm; quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục các cấp. Các địa phương cũng nên nghiên cứu mô hình “Thư viện sách giáo khoa” ở tỉnh Nghệ An. Theo đó, tỉnh này dành một phần kinh phí để trang bị SGK cho nhà trường; kêu gọi doanh nghiệp, nhà xuất bản, học sinh khóa trước tặng lại SGK để xây dựng thư viện sách. Cách làm này không chỉ giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học mà còn mang lại nhiều ý nghĩa nhân văn, thiết thực.

NGUYỄN ĐỨC TUẤN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ban-sach-giao-khoa-theo-kieu-bia-kem-lac-737725