Bàn tay mẹ thơm nấm hương
Tết, ai cũng nói rằng nhớ mùi vị bánh chưng, nhớ hương lá mùi tắm gội tẩy trần chiều cuối năm, nhớ quê, nhớ nhà, nhớ mẹ... Tôi cũng đón Tết bằng những cảm giác ùa về từ cõi nhớ.
Trong giá rét mưa phùn giữa Chạp, khăn áo co ro, nhớ mưa bụi rắc kim cương trên những nụ hồng mới hé góc sân vườn, nhớ hơi ấm ổ rơm của một thời nghèo khó, mùi củi mùi chấu đốt lửa sưởi trong nhà, lùi củ sắn củ khoai, mắt cay mà lòng ấm.
Lâu lắc rồi, quê bây giờ hầu hết đã nhà xây, kín cửa cao tường, không thông thốc gió lùa như ngày xưa cửa liếp, mái rạ. Nhìn không khí siêu thị rộn ràng, phố phường đào tươi quất chín mà lòng dạ nôn nao. Bồn chồn tính ngày tính đường về quê. Quà gì mang theo? Mua gì biếu mẹ? Mùi Tết lẩn quất trong từng ý nghĩ. Hương mùi già hẳn nhiên là rất nhớ. Mùi bánh chưng mới vớt khỏi nồi luộc nghi ngút hơi nước, mùi món canh măng nứa cồn cào. Trên cái miệng nồi bánh chưng sôi lục bục từ tầm giữa sáng, qua sáu giờ liền đến chiều thì bánh chín, mẹ tôi vặn một cái bùi nhùi dài ngoẵng tựa một con trăn no đẫy, nằm im thít cuốn quanh. Mẹ đặt lên trên bùi nhùi một cái nồi đồng đầy nước nóng, chốc lát dùng để châm cho bánh được no nước trong suốt quá trình luộc, thì bánh mới ngon, không bị lỏi, sống, thâm màu.
Từ phiên chợ Tết chiều hăm chín, mẹ đã mua thật nhiều lá chè xanh và nắm to mùi già. Chè xanh hãm nước uống dần trong ba ngày Tết, mùi già để tắm tất niên, để treo trước gió cho hương thơm lan tỏa trong nhà, ngoài sân, ra ngõ. Nắm mùi ngúc ngoắc trên dây phơi, khi trong bụi mưa lấm tấm, mắt sương lấp lánh đậu tròn trên những quả mùi già xanh xanh ánh ngọc; khi riu riu khô khan rét ngọt se hương. Lại có năm khí xuân dường như thức sớm, nắng hanh hao cho đào nở thắm, quýt chín hươm vàng, lướt qua khoảng sân giữa trưa Ba mươi đầy nắng, nghe mùi thơm trong gió miên man.
Trong căn bếp về chiều, mẹ thả nắm lá mùi vào nồi đồng đang khói hơi nghi ngút. Tinh dầu thơm từ hoa mùi nhấp nhánh, lan tỏa khắp từ bếp ra sân, lên nhà, không gian phảng phất hơi lạnh ẩm chiều cuối năm bỗng dâng đầy thơm tho, ấm áp. Cả nhà lần lượt sẽ tắm tất niên với nước ấm ướp hương mùi nồng đượm, mẹ bảo đó là nghi thức tẩy trần.
Cái Tết đã được chuẩn bị tinh tươm với cửa nhà gọn gàng, sạch sẽ, thực phẩm đủ đầy, mâm ngũ quả sum suê, bánh trái bày biện đẹp mắt trên ban thờ, bánh chưng vừa nén dền, còn ấm nóng. Cây nêu tràng pháo cũng đã sẵn sàng cho thời khắc Giao thừa thiêng liêng. Chẳng hiểu sao, khi tất cả đã yên lắng chờ đợi, lác đác có tiếng pháo nổ xa xa dội lại, không khí đêm Ba mươi thâm u, phấp phỏng, bồi hồi, mẹ nằm ấm chỗ, dặn Giao thừa sẽ dậy làm lễ, thì tôi một mình ngồi nhớ Tết. Một nỗi nhớ kì lạ, nhớ Tết đang khi Tết chộn rộn trong lòng, mà nhớ nhất lại là mùi thơm nấm hương, từ đôi bàn tay mẹ.
Tết về trong tôi có lẽ từ giữa tháng Chạp, từ nhiều thức hương thơm mà mỗi ngày đi chợ, mẹ lại chi chút dành dụm sắm về. Hương vòng trầm để thắp đêm Giao thừa, đượm thơm cho đến sáng mùng Một Tết. Hương nén thắp mỗi khi dâng cỗ thỉnh tổ tiên về sum họp. Hương bánh khảo quyện mùi bột nếp với tinh dầu va ni ngậy ngọt. Mùi thảo quả nồng nàn hương sắc núi rừng xa xôi. Hương mùi già thơm lên mái tóc, thanh tẩy đi những bụi bặm trần thế, để lòng người nhẹ nhõm, trong trẻo đón xuân sang. Rồi mùi thơm của bánh chưng, của món giò xào, xôi nếp, món canh miến nấu lòng gà, các món giò, nem, ninh, mọc. Món nào cũng lựng lên cái mùi thơm ngon đặc biệt mà ngày thường, nhà ai làm giỗ to thì mới có. Nên những mùi vị ấy, trở thành cái mùi gợi khát, gợi thèm, mùi của ấm no, hò hẹn, của ngọt bùi, nhớ nhung tha thiết. Cái mùi khiến ai đó đi đâu, cho dù xa mấy, vất vả đến bao nhiêu, những ngày cuối năm cũng nao nức tìm về. Mùi gọi Tết sum vầy, gợi nhắc hơi ấm mẹ cha, tình anh em bùi ngọt. Mùi của chốn quê hương ruột thịt. Mùi Tết của yêu thương.
Nhưng, với tôi, trước tất cả những mùi vị thương nhớ ấy, Tết bắt đầu phảng phất từ mùi nấm hương trên đôi bàn tay mẹ. Những cánh nấm khum khum tròn khô thơm phức, rất ít, chỉ đâu độ vài chục cánh nhỏ xinh, là đủ cho cả một cái Tết thơm. Mẹ tôi bảo, nấm hương rất đắt, nhưng nếu mà thiếu nấm hương thì khó mà nấu thành món Tết. Nấm hương với món nem, món mọc, canh măng, cũng như thảo quả với món chè kho, hạt tiêu với món giò xào, không có là không đủ hương tròn vị. Cùng với nấm hương là mộc nhĩ, măng khô. Cha tôi để một khúc cây đã mục bằng gỗ mít hoặc gỗ nhãn, gỗ ổi ở một góc vườn ẩm ướt để nuôi mộc nhĩ.
Cha dặn, con tuyệt đối không được hái mộc nhĩ mọc lên từ gỗ xoan, vì gỗ xoan có độc. Những tai nấm nhĩ lấm tấm mọc lên từ độ mưa ngâu ẩm ướt, qua thu, đến khô hanh xấp xới gió bấc là đã nở to, bóng bẩy. Cha đợi dịp nắng hanh thì hái mộc nhĩ đem phơi. Có năm, gốc nhãn của cha cho đến cả cân mộc nhĩ tươi, phơi khô đủ ăn cả Tết, sang Giêng thỉnh thoảng còn nấu canh miến. Măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương là thức đồ khô mà mẹ tôi sẽ chuẩn bị sớm nhất cho mâm cỗ Tết.
Từ lúc mẹ mang dúm nấm ở chợ quê về, nhà đã phảng phất thứ mùi vừa quen gần vừa xa lạ, như mùi hương của một vạt rừng xa xôi nào đó vừa bay đến, quyện trong hương cây hương đất vườn nhà. Ngày xưa người ta chưa trồng được nấm như bây giờ, nên nấm hương đương nhiên là nấm rừng, hiếm thành ra quý. "Nay mẹ đã mua được nấm", mẹ nói trong lúc dở dúm nấm ra khoe. "Cả măng khô Bắc Kạn nữa". Mẹ hồ hởi mở hé cái túi bóng có mấy cánh nấm nâu tròn đưa lên mũi hít hà, rồi lại nhanh chóng gói kín vào, như thể sợ mùi hương bay mất. Chỉ thế thôi mà từ lúc ấy, tôi luôn cảm thấy mùi nấm hương phảng phất từ đôi bàn tay, từ khăn áo mẹ.
Cho đến ngày Ba mươi, lúc trông nồi bánh chưng, mẹ đưa chiếc nồi con, bảo tôi rót ít nước ấm cho mẹ ngâm mấy cánh nấm hương. Nồi canh măng mẹ nấu trước, mấy viên mọc to mẹ cũng hấp chín bây giờ. Đầu tiên, mẹ rửa sạch nấm bằng nước lạnh. Mẹ bảo, nấm sạch, đem ngâm trong nước ấm cho nở mềm, nhưng tinh chất nấm hương sẽ tan hòa trong nước, nên nước ngâm nấm bao giờ cũng chuyển màu nâu nhẹ và có vị ngọt. Chắt nước ấy để chế thêm vào nồi canh măng cho thơm, vì thế, trước khi thả nấm vào ngâm trong nước ấm là phải rửa nấm cho thật sạch bụi. Nấm hương sẽ được dùng cho các món canh măng, miến, mọc, chả, bánh đa nem, nếu còn thì có thể dùng cho món xào. Mỗi món có vài cánh nấm thả lên, hoặc bằm nhỏ trộn với các nguyên liệu khác, là thơm mùi cỗ Tết.
Tấm lòng người mẹ, niềm vui sắm Tết bao giờ cũng đi kèm với những mối lo. Lo đồ ăn, lo mâm cỗ, lo sắm lễ để đi tết nội tết ngoại, lễ nhà thờ họ, quà biếu cho những người thân. Chưa hết, mẹ còn phải lo tấm áo manh quần mới cho các con, rồi lại lo chai rượu, gói chè cho chồng tiếp khách.
Một gia đình nông dân nghèo, nghĩ đến những ngày cuối năm là lo thu vén nợ nần. Ai nợ mình thì phải đòi về, mình nợ ai thì cố mà trả, cho dù tấm món ngày ấy chỉ là mấy chục, mấy trăm ngàn đồng; hay nhỏ nhoi thì là bơ gạo, bát muối, củ tỏi, thậm chí là thìa mỡ, bát nước mắm, cố nhớ xem đã nợ ai để còn trả cho hết, kẻo giông cả năm. Người quê ngày xưa, vay nhau cả củ tỏi, thìa mỡ, việc mà nói ra ở thời này, nhiều người sẽ nghĩ rằng chỉ có ở trên sao hỏa, nhưng chính tôi hồi bé đã nhiều lần được chị sai chạy sang hàng xóm vay thìa mỡ, củ tỏi, miếng gừng...
Việc nhỡ nhàng khi nhà có khách, hoặc đơn giản là đến lúc vào bếp thổi cơm, định xào rau muống hay su hào, mà sờ vào cái giỏ đựng hành tỏi nơi góc bếp, thấy chả còn gì ngoài mấy cái vỏ khô xác, là chị ới tôi chạy nhanh sang hàng xóm vay. Mỗi lần nhớ về những chi tiết nhỏ nhoi thương khó của cuộc sống thôn quê ngày ấy, lòng dạ bỗng cứ nôn nao ngùi ngậm, chẳng tránh khỏi bần thần.
Khi mua sắm, trang trải nợ nần trong nhà đã đủ, mà lúc ấy còn dư chút tiền, mẹ mới nghĩ đến cho mình cái khăn, đôi dép. Nhưng nghĩ đấy mà chắc gì đã sắm, lòng còn thấp thoáng Giêng Hai, ngày rộng tháng dài, vẫn còn mưa phùn gió bấc, rồi tháng ba ngày tám bén chân, giáp hạt cận kề. Nghĩ bấy nhiêu thứ là đủ để lòng chùng lại, phấp phỏng không yên, mẹ quên luôn cái khăn tấm áo cho mình. Lòng mẹ lại nghĩ ngay đến việc hiếu nghĩa.
Ai giúp gì cho gia đình mình trong một năm qua, ai là người ơn nghĩa, thảo thơm, cuối năm Tết đến, mình cũng cần thơm thảo lại. Khi con gà, khi dăm cân nếp, khi mấy bó lá dong bánh mật, mẹ làm quà trang trải ân tình với họ hàng nội ngoại và bè bạn. Đôi lúc thấy mẹ cứ tính tính nhẩm nhẩm bấm đốt ngón tay từ giữa Chạp, cho đến chiều tối ngày ba mươi, bần thần ngồi ngẩn ra mà nghĩ, xem còn quên ai, nhớ ai. Mẹ cứ mải lo toan cho chồng con, nghĩ về người khác, nên chẳng còn lúc nào mà nghĩ đến riêng mình.
Mẹ có một tấm áo vải xoa màu tím hoa cà, một chiếc áo khoác len màu xanh mỏng mảnh. Đó là hai màu áo mà tôi không bao giờ quên được, bởi dường như suốt cả chục năm liền, tết nào mẹ cũng mặc hai màu áo ấy, đi chúc tết họ hàng, thăm hỏi bà con làng xóm, đi lễ. Cho đến lúc mẹ lên cân, không thể mặc vừa hai tấm áo, tôi mới thấy mẹ sắm áo mới cho mình.
Đôi bàn tay mẹ, đôi bàn tay của lo toan, nhẫn nại, tảo tần. Đôi bàn tay cần mẫn chịu nhiều thương khó, đã chăm chút và gầy dựng, chèo chống một gia đình đông con đi qua những năm tháng nghèo khó đeo đẳng liên hồi. Mỗi năm mỗi tết, lẫn trong thao thức buồn vui của cõi nhớ mỗi ngày ùa về hiển hiện, lẫn trong thật nhiều hương vị nôn nao đằm ấm của những thời khắc mong chờ tết đến, tôi nhớ nhất đôi bàn tay mẹ thơm nấm hương…
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/ban-tay-me-thom-nam-huong-i680589/