Ban Thanh tra nhân dân góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở

Sáng 21/3, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý kiến dự thảo hướng dẫn về Công đoàn với việc tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Ông Vũ Minh Tiến, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo.

Ông Vũ Minh Tiến, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Minh Tiến, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, những năm qua, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân thường xuyên được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Công đoàn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hoạt động.

Ban Thanh tra nhân dân góp phần thúc đẩy thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị sớm phát hiện tồn tại trong công tác quản lý, điều hành để nhanh chóng điều chỉnh, bảo đảm đúng pháp luật và đề ra giải pháp khắc phục. Ban cũng góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Tuy nhiên, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân còn một số hạn chế; đồng thời với việc thay đổi những quy định của pháp luật nên cần thiết phải xây dựng lại hướng dẫn hoạt động của Ban…

Ông Vũ Minh Tiến cho rằng, ý kiến đóng góp của cán bộ Công đoàn, nhất là người trực tiếp làm công tác Thanh tra nhân dân giúp cho hướng dẫn này hoàn chỉnh, sát thực tiễn, phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban và của mỗi cá nhân Thanh tra nhân dân.

Ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Đà Nẵng, phát biểu tại Hội thảo.

Ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Đà Nẵng, phát biểu tại Hội thảo.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Đà Nẵng cho rằng, hoạt động Ban thanh tra nhân dân của các cấp Công đoàn thời gian qua chưa hết công suất. Việc sửa đổi, bổ sung góp ý dự thảo hướng dẫn về Công đoàn với việc tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân là điều cần thiết để không chỉ khắc phục hạn chế mà còn bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Ông Lê Văn Đại đề xuất hướng dẫn cần tách thành 2 phần (phần dành cho các Công đoàn thuộc khối nhà nước và phần dành cho khối tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) để thuận tiện cho việc tìm hiểu, nghiên cứu thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của Ban Thanh tra nhân dân; góp ý tiêu chuẩn, điều kiện, cơ sở vật chất, số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân; bầu cử và công nhận thành viên Ban Thanh tra nhân dân. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Đà Nẵng cũng đặc biệt lưu ý về việc xác định phạm vi và nội dung kiểm tra, giám sát, nhất là vấn đề liên quan đến tài chính theo đề nghị của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…

Tại hội thảo, ông Lê Văn Nho, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh chỉ ra điểm được, chưa được và việc Công đoàn hỗ trợ Ban Thanh tra nhân dân để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Các đại biểu góp ý cụ thể một số câu từ, thuật ngữ cần ghi rõ ràng, xác định trách nhiệm, quy trình làm nhân sự của Ban Thanh tra nhân dân trong đơn vị sự nghiệp, đối tượng không cơ cấu vào Ban…

Các đại biểu đề xuất cần làm rõ trường hợp đặc thù không thành lập Ban Thanh tra nhân dân là trường hợp nào, trách nhiệm thuộc về ai khi không thành lập Ban, đối tượng không tham gia… Đồng thời, làm rõ trách nhiệm báo cáo, kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và khuyến nghị nên có quy chế mẫu, biểu mẫu hướng dẫn cụ thể về hoạt động của Ban này…

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/ban-thanh-tra-nhan-dan-gop-phan-thuc-hien-tot-quy-che-dan-chu-o-co-so-20240321134715677.htm