Bản thiên anh hùng ca còn vang mãi
Cách đây 70 năm, tại Điện Biên Phủ - một cánh đồng lòng chảo trên miền rừng núi Tây Bắc nước ta, đã diễn ra trận quyết chiến chiến lược giữa quân và dân ta với đội quân xâm lược Pháp. Từ ngày 13-3 đến 7-5-1954, trải qua 56 ngày đêm 'khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt', quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ và sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đập tan tập đoàn cứ điểm vốn được coi là 'pháo đài bất khả xâm phạm', làm nên một chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.
Bức tranh panorama - tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 6-12-1953, tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhận định Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng bị cô lập, mọi tiếp tế đều dựa vào cầu hàng không. Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay, diễn ra trên địa bàn rừng núi hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, thời gian chuẩn bị cho chiến dịch gấp và là trận chiến có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quân sự, chính trị và ngoại giao.
CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
Thời gian: Từ ngày 13-3 - 7-5-1954 (trong 56 ngày đêm).
Ðịa điểm: Tại thung lũng Mường Thanh, châu Ðiện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc TP. Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên).
DIỄN BIẾN CỦA CHIẾN DỊCH
Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị, ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ với 3 đợt tiến công dũng cảm, mưu trí, sáng tạo chiến đấu.
Bộ đội ta giương cao cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn.
ĐỢT 1: TỪ NGÀY 13 - 17-3-1954
17 giờ ngày 13-3-1954, quân ta tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngay phút đầu, trong trận tấn công cụm cứ điểm Him Lam, pháo binh ta đã lập công, bắn chết tên quan tư Paul Pégot - chỉ huy cứ điểm Him Lam và tên quan năm Gôxê - chỉ huy phân khu trung tâm.
Sau 2 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt 2 cứ điểm. Tại cứ điểm thứ 3 phía Tây Bắc Him Lam, từ một lô cốt ngầm, địch bắn ra ác liệt.
Một chiến sĩ mình đầy thương tích của ta đã trườn lên, dồn hết sức lao vào lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa điểm địch. Đó chính là Anh hùng Phan Đình Giót. Trong ngày mở màn chiến dịch, ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên địch, bắt sống 200 tù binh.
… “Sau 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, chiến dịch lịch sử đã thu được toàn thắng. Tôi ngả mình trên chiếc đệm cỏ tranh thao thức mãi không sao ngủ được.
Giờ này, Bác và Trung ương đã được tin. Ngày mai, chắc bộ đội sẽ nhận được thư khen của Bác. Anh Phạm Văn Đồng đã có mặt ở Giơ-ne-vơ, sẽ có một tư thế mới để bước vào hội nghị. Các đồng chí của ta và các đồng chí Liên Xô, Trung Quốc đều mong đợi tin này hàng giờ...
Lá cờ Tổ quốc được nhân dân ta nêu cao trên chiến trường lịch sử. Quân đội ta lớn lên nhanh quá. Kế hoạch Nava coi như đã thành mây khói. Cục diện sẽ đổi mới. Điện Biên Phủ xong rồi, nay mai sẽ tiếp tục đánh ở đâu? Niềm vui làm tôi mất gần trọn giấc ngủ đêm hôm đó…”.
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Liên tiếp các ngày từ 14 đến 17-3, ta tiêu diệt nhanh gọn 2 cụm cứ điểm kiên cố vào bậc nhất của địch; đồng thời làm tan rã một tiểu đoàn địch. Quân Pháp ở vị trí Bản Kéo sợ hãi kéo cờ trắng ra hàng. Cánh cửa phía Bắc vào trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị phá toang.
Quân ta tấn công đợt 2 vào 5 cao điểm phía Đông then chốt phòng ngự của địch. Để tăng cường cho Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương cho mặt trận. Đế quốc Mỹ tăng viện gấp cho Pháp hàng trăm máy bay chiến đấu và vận tải; lập cầu hàng không chở dù từ Nhật và Mỹ sang mặt trận Điện Biên Phủ.
ĐỢT 2: TỪ NGÀY 30-3 - 30-4-1954
Quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm, thắt chặt vòng vây, chia cắt và kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho các cứ điểm. Đây là đợt tấn công dài ngày nhất, quyết liệt nhất, ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt, tại đồi C1, ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 tới 30 ngày.
Các đơn vị xung kích của ta tấn công sân bay Mường Thanh và làm chủ sân bay từ chiều 22-4, cắt đứt đường tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm.
Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
ĐỢT 3: TỪ NGÀY 1 - 7-5-1954
Quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm ngày 6-5-1954, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm kiên cố của địch. Tên quan tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã đầu hàng.
Tướng Đờ Cát-tơ-ri (đứng đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng chiều 7-5-1954.
17 giờ 30 ngày 7-5-1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát-tơ-ri cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
KẾT QUẢ
Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch.
Chiến thắng Điện Biên Phủ chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta. Mới gần 10 tuổi, quân đội ta đã ghi trên Quân kỳ hàng ngàn chiến công, mà đỉnh cao và đời đời bất diệt là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
HỮU TƯỜNG
(tổng hợp)