Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Ngày 21/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về 'Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN'. Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Bí thư các Ban cán sự Đảng, đảng đoàn; thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; các đồng chí Thường trực huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh; Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh… cùng đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Dự thảo báo cáo sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng CNXH" do đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày khẳng định: Trong những năm qua việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 10-NQ/TW được Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện nghiêm túc; đảm bảo các yêu cầu theo hướng dẫn của Trung ương. Bám sát Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 28/8/2017, đặt ra những mục tiêu cụ thể về số lượng doanh nghiệp và tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP.
Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày dự thảo báo cáo sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.
Trên cơ sở tình hình thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh, tạo sự chuyển biến nhận thức tích cực, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân.
Sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW, khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ cả về chất và lượng, đóng góp to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân và ổn định xã hội.
Hiện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; có 6.216 doanh nghiệp hoạt động, với tổng vốn đăng ký trên 186.480 tỷ đồng, số lao động đăng ký trong doanh nghiệp là 192.000 lao động.
Kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao, giai đoạn 2016-2020 đạt 8,9%/năm; giai đoạn 2020-2022, thuộc nhóm tăng trưởng ở mức khá so với cả nước; 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,56%, đứng thứ 12 toàn quốc và đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng.
Đến hết năm 2022, GRDP của tỉnh đạt gần 3,5 tỷ USD, đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 58,7 triệu đồng, xếp 7/11 các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Thu ngân sách của tỉnh đạt kết quả hết sức nổi bật, từ năm 2022 tỉnh Ninh Bình thực hiện tự chủ về ngân sách và điều tiết về Trung ương 9% và cũng là năm có tổng thu ngân sách Nhà nước lớn nhất từ trước đến nay, ước đạt 24.300 tỷ đồng, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; đến hết năm 2022, tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản 10,6%; công nghiệp - xây dựng 45,2%; dịch vụ 44,2%.
Trong giai đoạn 2017-2023, toàn tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho 200 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư gần 17.000 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 324 lượt dự án.
Đến nay, có 94 dự án FDI đang hoạt động với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 1.627,67 triệu USD.
Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến tham luận tại hội nghị.
Tại hội nghị đã có 8 ý kiến tham luận của các đại biểu, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm chia sẻ những cách làm hay trong quá trình phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời nêu ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, ghi nhận những kết quả đạt được trong 6 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW; đồng thời biểu thị sự đồng tình với những ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại hội nghị.
Đồng chí khẳng định, có được kết quả đó ngoài sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh còn có sự cố gắng rất lớn, vượt qua thách thức của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thể hiện tinh thần quyết tâm, nhạy bén, quyết đoán và trách nhiệm với cộng đồng.
Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ngày càng phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu, năng lực cạnh tranh trên thị trường; ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí nhấn mạnh, thời gian tới dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục các tồn tại, đáp ứng tốt hơn sự mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp; tham mưu tạo sự đồng thuận, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.
UBND tỉnh cam kết luôn sẵn sàng lắng nghe, đối thoại, chia sẻ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp; Tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo tạo môi trường bình đẳng để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trên tất cả các lĩnh vực; tạo bình đẳng trong các loại hình doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp.
Đồng thời, tạo không gian dư địa mới cho phát triển, nhất là về đất đai thông qua phát triển những công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, tạo ra không gian mới, quỹ đất mới, tiềm năng mới, giúp các doanh nghiệp có thêm những cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế tư nhân và mong muốn thời gian tới cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phối hợp và tham gia đóng góp ý kiến cho tỉnh để có những định hướng, chỉ đạo kịp thời, xây dựng Ninh Bình tiếp tục phát triển bền vững.
Kết luận hội nghị, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Đồng chí khẳng định kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, nhấn mạnh ý nghĩa của Nghị quyết 10 mang hàm ý rất lớn, qua đó để thay đổi tư duy, cách nhìn về vị trí, vị thế, vai trò của kinh tế tư nhân với tư cách là bộ phận cấu thành nên thành phần kinh tế.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận hội nghị.
Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành tỉnh khá trong vùng Đồng bằng sông Hồng vào năm 2030, đạt cơ bản tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2038, xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quốc gia và là một trong ba trung tâm về công nghiệp cơ khí ô tô…
Để đạt được mục tiêu này, cấp ủy chính quyền tỉnh Ninh Bình tiếp tục bám sát Nghị quyết 10- NQ/TƯ, xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế và cũng là động lực quan trọng để thực hiện được mục tiêu trên.
Tiếp tục thu hút đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng, gia tăng quy mô của nền kinh tế. Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, dẫn dắt đầu tư để có thể mở được các khu công nghiệp mới.
Tích cực cải cách thủ tục hành chính, lề lối làm việc; thực sự là đối tác, đồng hành cùng doanh nghiệp; tăng cường kết nối để xúc tiến đầu tư, quan tâm giải quyết các khâu mà doanh nghiệp không làm được như: phát triển hạ tầng, giải phóng mặt bằng, yếu tố môi trường… Đồng thời quan tâm xử lý các di tồn lịch sử; xử lý tranh chấp xung đột giữa các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân…
Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cần xác định tư tưởng "đầu tư ở đâu quê hương ở đó", nỗ lực phát huy vai trò trong việc xây dựng Ninh Bình ngày càng phát triển.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh chúng ta đang xây dựng kinh tế thị trường hiện đại, vì vậy giữa các doanh nghiệp phải có sự kết nối chặt chẽ để tạo được giá trị gia tăng; cần tham dự sâu hơn vào phát triển kinh tế trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa.
Đặc biệt, đồng hành cùng chính quyền với những việc khó (như công tác GPMB, xây dựng nhà ở cho công nhân lao động…); tham gia vận hành cơ chế chung như cơ chế xanh, vận hành hiện đại; phát triển công nghiệp đô thị hiện đại dịch vụ; tiếp tục thực hiện trách nhiệm xã hội được tốt hơn.
Tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 15 tập thể, 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 10 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN".