Bản tin 16/8: Lương của nhà giáo có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng

Lương của nhà giáo có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng; WHO cần 15 triệu USD ứng phó tình trạng khẩn cấp toàn cầu về đậu mùa khỉ...

Lương của nhà giáo có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng

Theo báo Chính Phủ, ngày 12/8, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn.

Đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng.

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, chuyên môn học thuật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra.

Đồng thời, kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế.

Hiện trường ô tô đâm 3 xe máy hư hỏng nặng trên cầu

Hiện trường vụ tai nạn.

Hiện trường vụ tai nạn.

Ngày 15/8, lực lượng cảnh sát giao thông Công an quận Ninh Kiều, Tp.Cần Thơ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ để làm rõ vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cầu Cồn Khương.

Thông tin ban đầu trên Kinh tế & Đô thị, khoảng 11h cùng ngày, ô tô 4 chỗ màu trắng đi trên đường Nguyễn Văn Cừ, hướng từ quận Ninh Kiều về Cồn Khương. Khi ô tô đến giữa cầu Cồn Khương thì tông vào 3 xe máy đi phần đường ngược lại. Vụ va chạm khiến 3 xe máy bị hất tung rồi nằm rải rác sát thành cầu.

Tại hiện trường, 3 chiếc xe máy bị hư hỏng nặng, mảnh vỡ văng khắp mặt cầu. Chiếc ô tô bị móp một phần đầu, nắp capo bị bung ra, kính chắn gió phía lái bị bể.

Theo người dân địa phương, vụ tai nạn khiến 3 người bị thương. Một người đàn ông lớn tuổi làm nghề giao hàng bị thương nặng ở chân và đầu, hôn mê. Các nạn nhân được một chiếc ô tô chở đi cấp cứu.

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã tổ chức phân luồng điều tiết giao thông, lập biên bản hiện trường, điều tra xử lý vụ tai nạn.

WHO cần 15 triệu USD ứng phó tình trạng khẩn cấp toàn cầu về đậu mùa khỉ

Trẻ em Congo làm xét nghiệm khả năng mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters.

Trẻ em Congo làm xét nghiệm khả năng mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters.

Ngày 15/8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, kế hoạch ứng phó liên quan tới bệnh đậu mùa khỉ (mpox) trước mắt cần 15 triệu USD và cơ quan này có kế hoạch kêu gọi tài trợ.

Đến thời điểm này, WHO đã giải ngân 1,5 triệu USD tiền quỹ dự phòng và có kế hoạch giải ngân thêm trong những ngày tới. WHO cho biết, đã có hơn 14.000 ca mắc và 524 ca tử vong ở châu Phi trong năm nay, vượt quá số liệu của năm 2023.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC), số ca bệnh đã tăng đột biến và hiện được phát hiện ở ít nhất 13 quốc gia châu Phi. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca bệnh đã tăng 160% và số ca tử vong tăng 19%.

Đầu năm nay, các nhà khoa học đã báo cáo về sự xuất hiện của một chủng mpox mới tại một thị trấn khai thác mỏ ở Congo, có thể giết chết tới 10% người dân và lây lan dễ dàng hơn.

Không giống như các đợt bùng phát mpox trước đây, các tổn thương chủ yếu xuất hiện ở ngực, tay và chân, dạng mpox mới gây ra các triệu chứng nhẹ hơn và các tổn thương ở bộ phận sinh dục. Điều đó khiến việc phát hiện trở nên khó khăn hơn. Người bị bệnh có thể không biết mình đang nhiễm bệnh.

WHO cho biết, chủng mpox gần đây đã được phát hiện ở 4 quốc gia Đông Phi: Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda. Tất cả các đợt bùng phát tại 4 quốc gia này đều liên quan đến dịch bệnh ở Congo. Do đó, WHO có cơ sở để lo ngại dịch đậu mùa khỉ sẽ lây lan ra ngoài châu Phi.

WHO tuyên bố, sự lây lan ngày càng tăng của mpox ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, đồng thời cảnh báo rằng loại vi rút này có thể lan rộng toàn thế giới.

Thông báo của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp WHO.

Giáo sư Dimie Ogoina, Chủ tịch ủy ban khẩn cấp về mpox của WHO cho biết, tất cả thành viên đều nhất trí, tình trạng gia tăng các ca bệnh hiện nay là một "sự bất thường", với số ca bệnh kỷ lục ở Congo.

Mpox cùng họ với vi rút bệnh đậu mùa nhưng gây ra các triệu chứng nhẹ hơn như sốt, ớn lạnh và đau nhức cơ thể. Những người mắc các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể phát triển các tổn thương trên mặt, tay, ngực và bộ phận sinh dục.

Cho đến nay, hơn 96% các ca mắc và tử vong đều ở một quốc gia duy nhất - Congo. Các nhà khoa học lo ngại sẽ xuất hiện một phiên bản mới của mpox, có thể dễ dàng lây truyền giữa người với người hơn.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-16-8-luong-cua-nha-giao-co-them-phu-cap-tuy-theo-tinh-chat-cong-viec-theo-vung-204240815162717754.htm