Bản tin 18/10: Sở GD&ĐT Tp.HCM thanh, kiểm tra 96 đơn vị trường học
Sở GD&ĐT Tp.HCM thanh, kiểm tra 96 đơn vị trường học, trung tâm hoạt động giáo dục; Cả nước có hơn 99.600 ca mắc sốt xuất huyết...
Sở GD&ĐT Tp.HCM thanh, kiểm tra 96 đơn vị trường học, trung tâm hoạt động giáo dục
Theo báo Người Lao Động, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Tp.HCM, vừa ký quyết định phê duyệt danh mục các cuộc thanh tra, kiểm tra của Sở GD&ĐT Tp.HCM năm học 2023-2024 đối với các đơn vị trường học, trung tâm ngoại ngữ-tin học, trường ngoài công lập...
Theo quyết định của lãnh đạo Sở GD&ĐT TP, năm học 2023-2024, sở này sẽ phối hợp với các đơn vị, phòng ban liên quan thực hiện các cuộc thanh, kiểm tra tại 96 đơn vị. Trong đó có các trường công lập, trung tâm ngoại ngữ-tin học, trung tâm GDTX, các tổ chức dạy ngoại ngữ, tin học, trường ngoài công lập, các phòng GD&ĐT...
Quyết định thanh tra của Sở GD&ĐT Tp.HCM cũng nêu rõ, sẽ có nhiều nội dung trong các cuộc thanh, kiểm tra như kiểm tra công tác tuyển sinh và các khoản thu chi đầu năm; Kiểm tra hồ sơ pháp lý, thực hiện chế độ chính sách và thực hiện điều lệ trường học; kiểm tra công tác quản lý văn bằng chứng chỉ, việc tuyển sinh các lớp đầu cấp, công tác tổ chức thi cấp chứng chỉ nước ngoài...
Trước đó, Sở GD&ĐT TP cũng đã ra quyết định về kiểm tra công tác quản lý thu, chi; công tác quản lý cơ sở vật chất đầu năm học 2023 – 2024.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Tp.HCM, mục đích của việc kiểm tra này là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình công tác quản lý thu, chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục, kiểm tra công tác vận động tài trợ cho giáo dục và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh; các hoạt động chuyên môn của ngành GD&ĐT về thực hiện các chương trình dạy học 2 buổi/ngày, chương trình ngoại khóa… và các hoạt động giáo dục khác có liên quan đến việc vận động tài trợ và xây dựng dự toán thu - chi đối với các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục.
Ngoài ra sẽ kiểm tra tình hình cơ sở vật chất, nhà vệ sinh, đảm bảo an toàn trường học để kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản thu không đúng quy định. Trường hợp nếu có dấu hiệu sai phạm sẽ xử lý theo thẩm quyền. Thanh tra sở chịu trách nhiệm tham mưu hình thức xử lý nghiêm đối với thủ trưởng đơn vị thực hiện không đúng quy định.
Đối tượng kiểm tra là các Phòng GD&ĐT Tp.Thủ Đức và các quận huyện, các cơ sở giáo dục trực thuộc, các trường THPT công lập. Công tác kiểm tra đến ngày 16/11/2023.
Cả nước có hơn 99.600 ca mắc sốt xuất huyết
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn nguồn thống kê của Bộ Y tế cho thấy, so với tuần trước số mắc sốt xuất huyết tuần 39 giảm 2,7%. Trong đó, số nhập viện là 4.302, so với tuần trước số nhập viện giảm 2,1%. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 99.639 trường hợp mắc, 27 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (240.419/121) số mắc giảm 58,6%, tử vong giảm 94 trường hợp.
Tại Hà Nội, theo CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 6- 13/10), thành phố ghi nhận 2.601 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Quận Hà Đông là địa bàn dẫn đầu về số ca mắc với 250 ca, tiếp đến là huyện Phú Xuyên với 200 ca, huyện Thanh Oai 171 ca, huyện Thanh Trì 163 ca. Các quận, huyện còn lại: Cầu Giấy, Chương Mỹ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm ghi nhận từ 120 -124 ca. Trong tuần qua ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện, thị xã. Đây cũng là tuần có nhiều ổ dịch nhất từ đầu năm 2023 cho đến nay.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 20.548 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó đã có 3 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 568/579 xã, phường, thị trấn.
Như vậy, thống kê trong 3 tuần gần đây (tính từ cuối tháng 9/2023 cho đến nay), số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng mạnh, dao động trong khoảng từ 2.500 - 2.600 ca/tuần (tăng 1,5 lần so với tuần đầu tháng 9/2023).
Lý giải nguyên nhân số ca sốt xuất huyết giảm chung trên cả nước nhưng tại Hà Nội lại phức tạp hơn cùng kỳ năm ngoái, TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW cho rằng thời tiết tại miền Bắc diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính khiến cho số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao. Cụ thể, trong thời gian gần đây, thời tiết tại Hà Nội liên tục xuất hiện hiện tượng mưa sau nắng nóng kéo dài khiến chu kỳ phát triển của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết diễn ra rất nhanh. Chu kỳ sinh sản của muỗi từ trứng đến muỗi trưởng thành chỉ mất một tuần. Trong khi, mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng.
TS.BS Nguyễn Văn Dũng cũng cho rằng, mùa đông ở miền Bắc không còn lạnh như trước đây. Do đó, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có nguy cơ cao đối mặt với dịch sốt xuất huyết bùng phát.
Ngoài sự biến đổi của thời tiết, dịch COVID-19 thời gian qua cũng làm giảm hệ miễn dịch của người dân. Mặt khác, người dân hiện cũng chưa hiểu biết hết về việc phòng, chống sốt xuất huyết bằng cách diệt bọ gậy, xử lý triệt để những nơi sinh sản của muỗi gây bệnh…
Nam sinh lớp 10 tử nạn khi bị cuốn vào gầm xe tải
Theo thông tin ban đầu trên báo Đại Đoàn Kết, vào khoảng 6h30 sáng 17/10, xe ô tải 14H-005xx do anh Nguyễn Hữu V, 24 tuổi, trú tại phường Quảng Yên, TX Quảng Yên di chuyển theo hướng từ xã Tiền An đi phường Tân An. Khi đi đến đoạn Km3+700, TL 331B, thuộc địa phận xã Tiền An đã đâm vào xe đạp điện do cháu Lưu Đức Th, 15 tuổi, trú tại phường Tân An là học sinh lớp 10, Trường THPT Bạch Đằng điều khiển theo hướng ngược lại.
Hậu quả, nam học sinh Th tử vong tại chỗ, xe đạp điện bị cuốn vào gầm hư hỏng nặng.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng TX Quảng Yên đã có mặt tại hiện trường để điều tiết giao thông, đồng thời phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trúc Chi (t/h)