Bản tin 28/3: Nhiều ngành sức khỏe 'khát' thí sinh
Nhiều ngành sức khỏe 'khát' thí sinh; Phẫu thuật thành công ung thư đường tiêu hóa cho cụ bà 95 tuổi...
Nhiều ngành sức khỏe "khát" thí sinh
Trao đổi với báo Người Lao Động, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết năm 2024 xét tuyển học bạ THPT sẽ vẫn là phương thức quan trọng để xét tuyển. Đến thời điểm cuối tháng 3 đã có gần 200 trường ĐH công bố đề án tuyển sinh trong đó có phương thức xét tuyển theo học bạ THPT.
Dù chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành sức khỏe không nhiều so với các khối ngành khác (chỉ khoảng 45.000) nhưng trong kỳ tuyển sinh 2024 một số trường ĐH cũng đưa thêm phương thức xét học bạ THPT với khối ngành sức khỏe, kèm theo các điều kiện bảo đảm chất lượng đầu vào.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT liên tục trong 3 năm, khối ngành sức khỏe có sự giảm sút đều về quy mô, mức giảm từ 2,5%-4,2% (năm học 2020-2021 có 154.155 sinh viên; năm học 2021-2022: 147.605 sinh viên; năm học 2022-2023: 143.775 sinh viên).
Trong lĩnh vực sức khỏe có 17 mã ngành tuyển sinh, nhưng thực ra chỉ vài ngành có sức hút tuyển sinh với điểm chuẩn trúng tuyển cao chót vót như y đa khoa, răng hàm mặt, dược học... Nhiều ngành sức khỏe khác rất "khát" thí sinh như y học dự phòng, y tế công cộng, hộ sinh, dinh dưỡng...
Chính vì vậy, nhiều trường đã mở rộng thêm phương thức xét tuyển học bạ cho các ngành khó tuyển. Tuy nhiên, việc xét tuyển vào các ngành sức khỏe theo phương thức xét học bạ phải tuân thủ quy định chung của Bộ GD&ĐT là học lực lớp 12 xếp loại từ giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên hoặc học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên đối với các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng.
Ngoài những ngành sức khỏe khó tuyển, một số trường ĐH còn xét tuyển học bạ cho cả những ngành "hot" như y đa khoa, dược học... có kèm theo các tiêu chí chất lượng do trường quy định. Nhưng cần phải làm rõ lý do vì sao các trường lại mở rộng xét tuyển bằng học bạ và liệu xét tuyển bằng học bạ khối sức khỏe có bảo đảm thí sinh có đủ năng lực để theo học và theo đuổi ngành nghề quan trọng này?
Phẫu thuật thành công ung thư đường tiêu hóa cho cụ bà 95 tuổi
Theo Giao Thông xuất hiện các dấu hiệu đau bụng và đi ngoài ra máu một thời gian, bà H.T.L (95 tuổi, quê tại Nam Định) chủ quan không đi khám. Khi các dấu hiệu này ngày càng thường xuyên hơn, đau thắt vùng bụng, bà L mới đến Bệnh viện K kiểm tra và bất ngờ khi nhận kết quả có u đại tràng sigma phải phẫu thuật điều trị.
TS.BS Trần Đức Thọ, Trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức, Bệnh viện K cho biết: Với bệnh nhân tuổi cao trên 80, nhiều thách thức được đặt ra trong quá trình phẫu thuật như kỹ thuật ngoại khoa, gây mê trong suốt quá trình mổ 3-4h, mất máu… Tuy nhiên, kíp phẫu thuật đã thực hiện loại bỏ tổn thương kích thước 5cm và bảo tồn các tế bào lành. Ca mổ diễn ra thành công, bệnh nhân hồi phục tốt, dự kiến ra viện sau 7 ngày điều trị.
PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn, Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K chia sẻ, nhiều gia đình có người thân cao tuổi ngoài 70,80 phát hiện bệnh ung thư thường có tâm lý buông xuôi, không điều trị. Mặc dù tuổi tác là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư, nhưng người bệnh đừng vội từ bỏ. Nếu trong điều kiện cho phép và đảm bảo kỹ thuật thì vẫn nên tiến hành phẫu thuật, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Cũng theo khuyến cáo của BS Bình, để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa, mọi người nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A… và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên.
Những người có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu… thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.
Ngay cả khi phát hiện ung thư ở bệnh nhân tuổi cao thậm chí trên 80, 90 vẫn nên quyết tâm phối hợp với các bác sĩ chuyên sâu về ung thư để không bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh bệnh tốt nhất.
Tông vào xe tải dừng bên đường, hai thanh niên tử vong
Theo báo Tiền Phong ngày 27/3, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn giao thông khiến 2 thanh niên tử vong.
Theo thông tin ban đầu, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 20h40 ngày 26/3, tại đường Hùng Vương (đoạn qua thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar).
Vào thời điểm, anh T.M.T. (23 tuổi, trú xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) điều khiển xe máy mang biển số 47H1-653.27, chở theo anh N.X.Tr. (28 tuổi, trú thôn 1, cùng xã), lưu thông trên đường Hùng Vương, theo hướng từ thị trấn Quảng Phú đi xã Ea Kpam.
Khi hai thanh niên chạy xe đến vị trí trên, bất ngờ xảy ra va chạm với xe tải biển số 37C-202.22, do tài xế B.X.V. (48 tuổi, trú Hà Tĩnh) điều khiển, đang đậu cùng chiều, sát lề bên phải đường Hùng Vương.
Hậu quả, cú tông mạnh khiến anh T. và anh Tr., tử vong tại chỗ. Tại hiện trường, xe máy bị nát phần đầu, dính chặt vào phía sau xe tải. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn, ma túy, không ai bị vi phạm. Vụ tai nạn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Trúc Chi (t/h)