Bản tin Chiến thắng 23/4/1975: Giải phóng tỉnh Bình Tuy

Sau khi Bảo Lộc, Phan Thiết và Xuân Lộc bị quân ta đánh cho thất thủ, đến ngày 23/4/1975, tỉnh Bình Tuy hoàn toàn được giải phóng.

Thời điểm năm 1975, tỉnh Bình Tuy nằm giữa tỉnh Bình Thuận (phía Bắc), tỉnh Long Khánh (phía Nam) và tỉnh Lâm Đồng (phía Tây).

Sau khi Bảo Lộc, Phan Thiết và Xuân Lộc bị quân ta đánh cho thất thủ, ngày 23/4/1975, tỉnh Bình Tuy hoàn toàn được giải phóng. Mặt trận hướng đông được khai thông, các cánh quân rầm rập tiến về Sài Gòn với khí thế không gì lay chuyển nổi.

Tin đăng trên báo Nhân dân về giải phóng tỉnh Bình Tuy. (Ảnh tư liệu: Báo Nhân dân)

Tin đăng trên báo Nhân dân về giải phóng tỉnh Bình Tuy. (Ảnh tư liệu: Báo Nhân dân)

Báo Nhân dân đưa tin về chiến thắng này với tiêu đề "Giải phóng hoàn toàn thị xã Hàm Tân và tỉnh Bình Tuy", nội dung như sau:

"Đúng 10h ngày 23/4, quân giải phóng và đồng bào đã hoàn toàn làm chủ thị xã Hàm Tân và tỉnh Bình Tuy... Bình Tuy là tỉnh cuối cùng của Trung Bộ và là tỉnh thứ 21 ở miền Nam đã hoàn toàn giải phóng".

Ngày 23/4/1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 báo cáo tình hình đơn vị với Bộ Tư lệnh mặt trận và nhận nhiệm vụ chiến đấu cụ thể của Quân đoàn. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 triệu tập các cán bộ cơ quan và các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn về Sở chỉ huy tại ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp, tỉnh Long Khánh để nhận nhiệm vụ chiến dịch của các đơn vị.

Cùng ngày, các đơn vị thuộc Quân đoàn 3 là Sư đoàn 10, Trung đoàn 273 xe tăng, Trung đoàn phòng không 234 và Sư đoàn 7 bộ binh đến vị trí tập kết tại huyện Dầu Tiếng, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. .

Một đơn vị thuộc Trung đoàn 812 (Quân khu 6) trước giờ ra trận giải phóng Bình Tuy. (Ảnh tư liệu: Báo Quân khu)

Một đơn vị thuộc Trung đoàn 812 (Quân khu 6) trước giờ ra trận giải phóng Bình Tuy. (Ảnh tư liệu: Báo Quân khu)

Cũng trong ngày này, Bộ Quốc phòng quyết định giao cho Tổng cục Kỹ thuật tiếp quản căn cứ Cam Ranh để tổ chức thành căn cứ liên hợp bảo đảm kỹ thuật và hậu cần khu vực trực thuộc tổng cục. Để phục vụ các cánh quân chủ lực cùng binh khí kỹ thuật vào vị trí tập kết và chuẩn bị chiến đấu, bộ đội xăng dầu cũng nhanh chóng triển khai các cơ sở bảo đảm cho bộ đội bước vào chiến đấu.

Phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, lượng vật chất tiêu thụ của giai đoạn chuẩn bị (3.717 tấn) nhiều hơn hẳn giai đoạn thực hành chiến dịch (1.826 tấn). Bộ đội xăng dầu đã tổ chức tốt việc tiếp quản các cơ sở xăng dầu chiến lợi phẩm với hệ thống kho tàng có sức chứa 253.469 tấn, tận thu được 121.228 tấn xăng dầu các loại.

Ngày 23/4/1975, Tổng thống Mỹ Rudolph Ford tuyên bố, "Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ" và ra lệnh di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn.

Thiên Bình

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ban-tin-chien-thang-23-4-1975-giai-phong-tinh-binh-tuy-ar939374.html