Bản tin chiều 15/5: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ quan điểm về AI và thương mại tại APEC 2025

Tin tức nổi bật chiều 15/5: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ quan điểm về AI và thương mại tại APEC 2025; TP.HCM yêu cầu xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng tại chung cư Viên Ngọc Phương Nam; Thủ tướng đề nghị WB hỗ trợ vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao; Công ty địa ốc của UBND TP.HCM lãi đậm nhờ cổ tức; Tăng quyền xử lý nợ xấu và sửa quy định cho vay đặc biệt lãi suất 0%... và một số tin tức đáng chú ý khác.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ quan điểm về AI và thương mại tại APEC 2025

Chiều 15/5, tại Jeju, Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng đoàn công tác Việt Nam đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC (MRT) với chủ đề “Xây dựng tương lai bền vững: Kết nối, đổi mới, thịnh Vượng”.

Ông đánh giá cao tính thời sự của chủ đề phiên thảo luận thứ nhất: “Trí tuệ nhân tạo cho thương mại”. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thúc đẩy thương mại và tăng trưởng bền vững. AI giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng và thúc đẩy thương mại quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về rủi ro pháp lý và sự phân mảnh quản trị.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, Việt Nam ủng hộ sáng kiến thành lập Diễn đàn Tiêu chuẩn AI trong APEC nhằm xây dựng khuôn khổ quản trị AI thống nhất, đảm bảo các nền kinh tế đều được hưởng lợi.

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã liên tiếp có những hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc song phương, đa phương như làm việc với Liên minh các hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ - APEC; làm việc với Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Cheong In-kyo; làm việc với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Miyaji Takuma; dự hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN là thành viên APEC (ASEAN Caucus)...

TP.HCM yêu cầu xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng tại chung cư Viên Ngọc Phương Nam

UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND quận 8 về việc xử lý phản ánh của người dân liên quan đến các vấn đề tại chung cư Viên Ngọc Phương Nam (còn gọi là Ngọc Phương Nam), phường Rạch Ông, quận 8.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng rà soát hiện trạng xây dựng cũng như các quy hoạch được phê duyệt của dự án. Đồng thời, Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn UBND quận 8 xử lý vụ việc đúng theo quy định pháp luật. Công tác rà soát và hướng dẫn phải hoàn thành trước ngày 30/5.

Riêng UBND quận 8 được giao chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng An Điền - chủ đầu tư dự án và các cơ quan liên quan, thực hiện theo hướng dẫn của Sở Xây dựng, nhằm tạo cơ sở điều chỉnh giấy phép xây dựng, nghiệm thu công trình, đưa vào sử dụng. Đồng thời, thành lập Ban Quản trị chung cư và giải quyết dứt điểm các vấn đề kéo dài nhiều năm qua.

Thủ tướng đề nghị WB hỗ trợ vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao

Tại cuộc gặp bà Mariam J. Sherman - Giám đốc Quốc gia của Văn phòng Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia ngày 15/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị WB hỗ trợ vốn để Việt Nam triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Dự án này dự kiến khởi công năm 2026 với tổng số vốn khoảng 67 tỷ USD.

Ngoài dự án đường sắt tốc độ cao, Thủ tướng đề nghị WB tập trung nguồn vốn cho các dự án mang tính chất "thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế". Các lĩnh vực ưu tiên gồm: cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án giao thông quy mô lớn; năng lượng tái tạo; dự án nông nghiệp có tác động tích cực đến môi trường như mô hình trồng lúa phát thải thấp; các dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long như giao thông thủy nội địa...

Người đứng đầu Chính phủ đề xuất WB dành hỗ trợ, nguồn vốn cho cả khu vực Nhà nước và tư nhân với lãi suất ưu đãi, cạnh tranh hơn, đi cùng các mô hình quản lý vốn linh hoạt, hiệu quả. Đồng thời, ông cũng cho rằng các bên cần thay đổi cách thức triển khai theo hướng nhanh chóng, cắt giảm thủ tục.

Công ty địa ốc của UBND TP.HCM lãi đậm nhờ cổ tức

Báo cáo tài chính của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) ghi nhận doanh thu bán hàng năm 2024 là 113 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu doanh thu tăng trưởng trở lại sau chuỗi 4 năm giảm liên tiếp.

Nguồn thu chủ yếu của Resco đến từ cổ tức của 5 công ty con và 17 công ty liên doanh, liên kết. Năm ngoái, các đơn vị này đã mang về 265 tỷ đồng cổ tức, góp phần giúp công ty đạt lợi nhuận sau thuế gần 240 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đánh dấu năm thứ tư tăng trưởng liên tiếp. Gần phân nửa cổ tức năm qua đến từ Công ty Liên doanh Đại Dương, nơi Resco sở hữu 20% vốn và cũng là đơn vị chủ quản của khách sạn 5 sao Sheraton Saigon.

Ngoài ra, Resco còn thu về 95 tỷ đồng cổ tức từ liên doanh Keppel Land Watco, chủ đầu tư dự án Saigon Centre nằm trên khu đất vàng đường Lê Lợi, quận 1. Resco là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND TP.HCM, có vốn điều lệ hơn 3.200 tỷ đồng và hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc, kho bãi, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê.

Tăng quyền xử lý nợ xấu và sửa quy định cho vay đặc biệt lãi suất 0%

Ngày 15/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố một số thông tin về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng. Đây là bước đi quan trọng trong việc thể chế hóa các quy định đã được áp dụng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, giải quyết những "điểm nghẽn" về thể chế nhằm thúc đẩy xử lý nợ xấu, tăng tính an toàn và lành mạnh cho hệ thống ngân hàng, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Điều này được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, việc điều chỉnh quy định về thẩm quyền cho vay đặc biệt với lãi suất 0% mỗi năm và không có tài sản bảo đảm là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Một điểm nổi bật trong Dự thảo là việc sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm đảm bảo việc tổ chức thực hiện kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí và vi phạm pháp luật.

Đề xuất cơ chế đặc biệt với vị trí được chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), sáng 15/5, đại biểu Quốc hội Chamalea Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) đề xuất cần nghiên cứu đưa vào dự thảo luật các quy định về cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan đến vị trí xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân.

Theo đại biểu Chamalea Thị Thủy, để tạo cơ chế đặc biệt Ninh Thuận, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 189/2025/QH15 ngày 19/02/2025 quy định về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Để phát triển điện hạt nhân, việc thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử rất cần thiết. Đại biểu Chamalea Thị Thủy cho rằng, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đã thể hiện chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, quy định về Phát triển nguồn nhân lực.

Cụ thể hơn, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định chính sách về phát triển nguồn nhân lực tại Luật này phải áp dụng chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tương đồng, phù hợp với nguyên tắc và chính sách hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quy định tại Điều 4 dự thảo Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (sửa đổi) đang trình tại kỳ họp này.

Đề xuất sửa đổi quy định về giá đất để gỡ vướng cho các dự án bất động sản

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa kiến nghị sửa đổi Nghị định 71/2024 về giá đất, tháo gỡ vướng mắc cho dự án bất động sản và thúc đẩy phát triển thị trường. VNREA khẳng định, Nghị định số 71/2024/NĐ-CP, được ban hành vào ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024 đã tạo ra một khung pháp lý quan trọng và giải quyết nhiều vướng mắc cho các dự án kinh doanh bất động sản.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, VNREA kiến nghị và đề xuất điều chỉnh một số điểm cụ thể của Nghị định 71/2024/NĐ-CP, trình lên Phó Thủ tướng, các bộ ngành để xem xét và giải quyết. Một trong những nội dung đáng chú ý là Khoản 3 Điều 6 của Nghị định. Cùng đó, tại Khoản 2 Điều 3, VNREA đề xuất nghiên cứu lại việc dùng kết quả đấu giá tại các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất để làm thông tin đầu vào định giá đất do không có yếu tố tương đồng đối với giá trị quyền sử dụng đất của các khu đất có quy mô lớn.

Ngoài ra, VNREA đề xuất bổ sung thêm quy định về nguồn dữ liệu về giao dịch quyền sử dụng đất tại cơ quan thuế là một trong những nguồn để lấy thông tin về giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất làm cơ sở so sánh...

Thủ tướng Vương quốc Thái Lan bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

Trưa 15/5, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Paetongtarn Shinawatra dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Thái Lan đến Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Nội các chung Việt Nam - Thái Lan từ ngày 15-16/5 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Đây là chuyến thăm tới Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra kể từ khi bà nhậm chức và là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Thái Lan đến Việt Nam sau 11 năm; đồng thời là Kỳ họp Nội các chung đầu tiên của Thủ tướng hai nước sau 10 năm.

Chuyến thăm góp phần củng cố tin cậy chính trị; là dịp để hai bên đánh giá lại tiến trình thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực nhằm đưa quan hệ Việt Nam - Thái Lan đi vào chiều sâu, thực chất trong kỷ nguyên hợp tác, phát triển sắp tới.

Vingroup huy động 13.000 tỷ đồng trái phiếu trong một tháng

Vingroup đã huy động 13.000 tỷ đồng trái phiếu trong một tháng, với lãi suất 12-12,5% một năm. Đây là thông tin được Vingroup công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo đó, tập đoàn này đã phát hành 5 lô trái phiếu từ ngày 11/4 đến ngày 9/5.

Theo báo cáo tài chính quý I của Vingroup, tổng nợ vay tài chính của tập đoàn này ở mức 248.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, dư nợ trái phiếu ở mức 75.336 tỷ đồng. Quý đầu năm, công ty đã chi 5.579 tỷ đồng để trả chi phí lãi vay, tương đương bình quân 62 tỷ đồng một ngày.

Trước đó, Vingroup đã công bố 3 Nghị quyết về kế hoạch phát hành 17.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay. Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng hơn 50.300 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó, ngành bất động sản đóng góp 12.490 tỷ đồng. Với 9.000 tỷ huy động trong tháng 4, Vingroup đóng góp 72% số trái phiếu các công ty địa ốc đã phát hành năm nay.

Masterise tăng vốn thêm hơn 4.000 tỷ đồng

Tập đoàn Masterise tăng vốn điều lệ gần 3 lần, từ 2.423 tỷ đồng thành 6.737 tỷ đồng, không lâu sau khi con trai ông Hồ Hùng Anh lên làm tổng giám đốc. Thông tin này được Tập đoàn Masterise đề cập trong bản thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cuối quý I. Trước đó, vốn điều lệ của Masterise không thay đổi trong 5 năm.

Sau khi nhận chức tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Masterise, ông Hồ Anh Minh (con trai Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh) và mẹ là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy đều sở hữu trên 10% vốn tại đây. Cũng trong thời gian này, Masterise Homes cũng thực hiện một loạt điều chỉnh về nhân sự thượng tầng. Ông Hồ Anh Minh giữ thêm chức tổng giám đốc tại công ty này, còn ông Hồ Anh Ngọc (em trai chủ tịch Techcombank) được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng thành viên. Cả hai sau đó trở thành người đại diện theo pháp luật của Masterise Homes.

Theo cập nhật mới nhất vào đầu năm nay, Masterise nắm 99,99% vốn Masterise Homes, nhưng ủy quyền cho một cá nhân đại diện vốn. Nhà phát triển bất động sản cao cấp này từng có vốn điều lệ hơn 10.600 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2023 đã giảm xuống 4.300 tỷ đồng và giữ nguyên đến hiện tại.

Thanh An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-chieu-15-5-bo-truong-nguyen-hong-dien-chia-se-quan-diem-ve-ai-va-thuong-mai-tai-apec-2025-317912.html