Bản tin chiều 24/7: TP.HCM tập trung phát triển hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội; Đức thúc đẩy phê chuẩn EVIPA với Việt Nam
Tin tức nổi bật chiều 24/7: Đề xuất cho khấu trừ chi phí y tế, giáo dục khi tính thuế thu nhập cá nhân; TP.HCM tập trung phát triển hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội; Từ trưa 25/7, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lưu thông bình thường; Bến xe miền Tây lãi kỷ lục hơn 22 tỷ đồng; Đức thúc đẩy phê chuẩn EVIPA với Việt Nam... và một số thông tin đáng chú ý khác.
Đề xuất cho khấu trừ chi phí y tế, giáo dục khi tính thuế thu nhập cá nhân
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đã bổ sung quy định cho phép người nộp thuế được khấu trừ các khoản chi phí y tế, giáo dục - đào tạo trước khi tính thuế. Khoản giảm trừ này áp dụng cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc như cha mẹ, vợ/chồng, con cái, với điều kiện có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ và không được chi trả từ nguồn khác.

Theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, đây là bước tiến tích cực, giúp người lao động giảm gánh nặng tài chính, nhất là trong bối cảnh chi phí y tế, học hành ngày càng cao. Ông đề xuất cho phép khấu trừ phần chi phí y tế còn lại sau khi bảo hiểm đã chi trả, đặc biệt với bệnh hiểm nghèo.
Với giáo dục, có thể quy định mức khấu trừ tối đa dựa trên học phí trường công từ tiểu học đến đại học, cũng như các khóa học ngắn hạn nâng cao năng lực chuyên môn. Việc bổ sung các khoản giảm trừ này sẽ góp phần tạo sự công bằng, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững từ thuế thu nhập cá nhân.
TP.HCM tập trung phát triển hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội
Tại kỳ họp thứ hai Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa X ngày 24/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao kết quả bước đầu sau hơn 3 tuần vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Ông cho rằng hoạt động tại 168 xã, phường và các sở ngành đã ổn định, thông suốt, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.

Ông Nghị nhấn mạnh TP.HCM cần tiếp tục tinh gọn bộ máy, đổi mới phương thức điều hành, tăng cường kiểm tra giám sát. Trong đó, ưu tiên rà soát, cập nhật quy hoạch tổng thể và đẩy nhanh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông đô thị kết nối liên vùng như Vành đai 2, 3, 4, đường sắt đô thị, cao tốc.
Thành phố cũng được yêu cầu chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ, trung tâm dữ liệu, cảng biển và hàng không, cùng với phát triển nhà ở xã hội, chỉnh trang đô thị ven kênh rạch, xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm và mở rộng Trung tâm logistics thành phố.
Tăng tốc bàn giao mặt bằng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trước ngày 15/8
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 51km, tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại địa phận tỉnh Tây Ninh. Tính đến ngày 21/7, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Tây Ninh khu vực 4 đã chi trả hơn 561,5 tỷ đồng cho 384 hộ dân bị ảnh hưởng, đạt 40,89% tổng khối lượng cần chi trả.

Tuyến đường đi qua các huyện Gò Dầu, Trảng Bàng và Bến Cầu với hơn 900 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, huyện Trảng Bàng đã chi trả 755/1.510 tỷ đồng (đạt 50%), Bến Cầu đạt hơn 107/274 tỷ đồng (tương đương gần 39%).
Để giải quyết chênh lệch chi phí đầu tư, Tây Ninh đã đề xuất TP.HCM hỗ trợ thêm 1.800 tỷ đồng và đã được thống nhất. Hai địa phương đang phối hợp chặt chẽ nhằm tháo gỡ khó khăn tài chính, đảm bảo bàn giao mặt bằng trước ngày 15/8, đáp ứng tiến độ khởi công các dự án thành phần từ cuối năm 2025.
Từ trưa 25/7, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lưu thông bình thường
Chiều 24/7, ông Nguyễn Kiên Giang - Phó trưởng phòng Quản lý bảo trì và khai thác công trình giao thông (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết việc sửa chữa khe co giãn cầu Long Thành sẽ hoàn thành trước 12 giờ trưa 25/7, sớm hơn 5 ngày so với kế hoạch.
Từ ngày 15/7, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) triển khai sửa chữa, khiến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng, đặc biệt vào cuối tuần.

Sở Xây dựng đã phối hợp Công an TP.HCM phân luồng giao thông, hướng dẫn đi theo các tuyến thay thế như Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, phà Cát Lái, phà biển Vũng Tàu - Cần Giờ. Thời gian tới, TP.HCM đề nghị các đơn vị không thuộc thành phố quản lý phải lấy ý kiến thành phố trước khi tổ chức thi công gây ảnh hưởng giao thông.
Cầu Long Thành dài 2,3km, rộng 19,7m, nối TP.HCM với Đồng Nai, thuộc cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Bến xe miền Tây lãi kỷ lục hơn 22 tỷ đồng
Công ty CP Bến xe miền Tây (WCS) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với lợi nhuận sau thuế hơn 22,3 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi công bố thông tin năm 2009.
Doanh thu quý đạt gần 43,5 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Kết quả đến từ việc có thêm doanh nghiệp vận tải mới đăng ký, tăng số chuyến vào dịp lễ 30/4. Công ty cũng điều chỉnh phí hoa hồng và thời gian thu tiền dịch vụ lưu đậu, góp phần cải thiện nguồn thu.

Doanh thu tài chính và thu nhập khác cũng tăng hơn 16%, đạt gần 4,8 tỷ đồng, nhờ lãi suất tiền gửi tăng và lượng hành khách qua bến cải thiện. Trong khi đó, tổng chi phí chỉ nhích nhẹ lên gần 20,3 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, WCS đạt hơn 86 tỷ đồng doanh thu và gần 43,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành lần lượt 49% và 56% kế hoạch năm. Nếu duy trì đà này, doanh nghiệp có thể ghi nhận năm lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.
Đức thúc đẩy phê chuẩn EVIPA với Việt Nam
Ngày 23/7, Chính phủ Liên bang Đức chính thức trình Quốc hội dự luật phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác đầu tư song phương.
EVIPA được kỳ vọng tạo động lực mới cho doanh nghiệp Đức mở rộng đầu tư vào Việt Nam, bổ sung cho Hiệp định EVFTA đang phát huy hiệu quả từ năm 2020. Trước đó, Phó chủ tịch Quốc hội Đức Bodo Ramelow khẳng định Quốc hội đã bắt đầu lấy ý kiến các bên liên quan để tiến tới phê chuẩn hiệp định.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: TTXVN
Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, trong khi Việt Nam là đối tác hàng đầu của Đức tại Đông Nam Á. Tính đến năm 2024, Đức có 472 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký 2,76 tỷ USD.
EVIPA, khi có hiệu lực, sẽ gia tăng bảo hộ pháp lý, giúp thu hút thêm dòng vốn đầu tư chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo, logistics và chuyển đổi xanh.
Hà Nội chuẩn bị giải phóng mặt bằng cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.541km, đoạn qua Hà Nội dài 27,9km, đi qua các xã thuộc Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên (cũ), dự kiến thu hồi khoảng 112,74ha đất.
Để đảm bảo tiến độ khởi công trước ngày 31/12/2026 theo Nghị quyết 106 của Chính phủ, UBND TP. Hà Nội yêu cầu hoàn thành rà soát hướng tuyến trong tháng 7 và bàn giao mốc giải phóng mặt bằng từng phần trong tháng 8.

Riêng huyện Thường Tín có gần 45.000m² bị thu hồi, ảnh hưởng đến 411 hộ dân, với nhu cầu tái định cư khoảng 16ha.
Tại xã Ngọc Hồi, nơi có tổ hợp ga Ngọc Hồi quy mô 251ha, công tác giải phóng mặt bằng cũng đang được đẩy nhanh. Xã đã giải phóng được hơn 170ha và đang lên phương án cụ thể cho từng hộ dân trong giai đoạn tiếp theo. Lãnh đạo địa phương khẳng định sẽ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ.
Thủy sản Việt Nam vươn lên top 3 nhà cung ứng lớn nhất tại Singapore
6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Singapore đạt 57,2 triệu SGD (khoảng 42,33 triệu USD), tăng 10,8% so với cùng kỳ 2024. Với kết quả này, Việt Nam lần đầu tiên vượt Na Uy, trở thành nhà cung cấp thủy sản lớn thứ ba tại Singapore, sau Malaysia và Indonesia.
Nhóm sản phẩm chủ lực là phi lê cá và thịt cá ướp lạnh hoặc cấp đông (mã HS 0304), đạt 29 triệu SGD, chiếm gần 30% thị phần nhóm này. Ngoài ra, động vật giáp xác (HS 0306) và thân mềm (HS 0307) cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh.

Tổng giá trị nhập khẩu thủy sản của Singapore 6 tháng qua đạt gần 559,5 triệu SGD, tăng nhẹ 2,4%. Thị trường tập trung vào 4 nhóm chính, gồm cá tươi/ướp lạnh, cá cấp đông, phi lê cá và giáp xác.
Để duy trì vị thế, doanh nghiệp Việt cần tiếp tục nâng chất lượng, mở rộng sang nhóm giáp xác và thân mềm, cạnh tranh với sản phẩm từ Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
VN-Index tăng gần 9 điểm, vượt áp lực chốt lời nhờ nhóm ngân hàng, dầu khí
Thị trường chứng khoán ngày 24/7 giằng co mạnh khi áp lực chốt lời gia tăng vào đầu giờ chiều, khiến VN-Index có lúc lùi sát mốc 1.500 điểm. Tuy nhiên, lực cầu trở lại sau 14 giờ giúp chỉ số phục hồi, chốt phiên tăng gần 9 điểm, đạt 1.521 điểm.
Ba nhóm ngành nâng đỡ thị trường gồm ngân hàng, dầu khí và bất động sản. Trong đó, MBB tăng 3,6%, HDB tăng 4,2%, góp phần đáng kể vào đà phục hồi. Ở nhóm dầu khí, BSR tăng 4%, PLX và PVD tăng quanh 2%. VIC cũng hồi phục trong khi VHM và HPG điều chỉnh.

Dù điểm số đi lên, thanh khoản sàn HoSE lại giảm hơn 1.300 tỷ đồng so với phiên trước, đạt hơn 36.800 tỷ đồng. Khối ngoại quay lại bán ròng 201 tỷ đồng, tập trung ở HPG, MSN, VHM.
VN-Index hiện chỉ còn cách đỉnh lịch sử năm 2022 khoảng 7 điểm, khiến thị trường có thể rung lắc mạnh trước khi bứt phá rõ ràng.
Giá xăng RON95-III giảm về dưới 19.710 đồng/lít
Từ 15 giờ ngày 24/7, giá xăng và dầu mazut tiếp tục giảm, trong khi dầu diesel và dầu hỏa tăng nhẹ. Cụ thể, xăng E5 RON92 giảm 202 đồng/lít, còn 19.279 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 216 đồng/lít, về 19.709 đồng/lít. Dầu mazut giảm 99 đồng/kg, còn 15.379 đồng/kg. Ngược lại, dầu diesel tăng 330 đồng/lít, lên 19.129 đồng/lít; dầu hỏa tăng 199 đồng/lít, lên 18.628 đồng/lít.

Đây là lần giảm thứ hai liên tiếp của giá xăng trong tháng 7. Trước đó, ngày 17/7, giá xăng E5 RON92 và RON95-III cũng giảm lần lượt 178 đồng và 165 đồng/lít.
Nhà điều hành không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá. Petrolimex hiện giữ mức quỹ bình ổn hơn 3.084 tỷ đồng. Theo Nghị định 80/2023, chu kỳ điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào thứ Năm hằng tuần.