Bản tin chiều 3/7: Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành sẽ khởi công ngày 19/8
Tin tức nổi bật chiều 3/7: Khánh thành nhà máy sản xuất bao bì tiệt trùng hơn 200 triệu euro; Đà Nẵng đón chuyến bay đầu tiên từ Osaka (Nhật Bản) sau thời gian tạm dừng; Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương; Các tàu qua ga Vinh tăng toa do sân bay đóng cửa nâng cấp; Dự án mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành sẽ khởi công ngày 19/8... và một số tin tức đáng chú ý khác.
Khánh thành nhà máy sản xuất bao bì tiệt trùng hơn 200 triệu euro
Sáng 3/7, Công ty Tetra Pak - đơn vị thuộc tập đoàn hàng đầu thế giới đến từ Thụy Điển trong lĩnh vực giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đã khánh thành giai đoạn 2 nhà máy sản xuất bao bì tiệt trùng tại khu công nghiệp VSIP II-A, phường Vĩnh Tân, TP.HCM

Dự án có tổng mức đầu tư 217 triệu euro, trong giai đoạn 2 có mức đầu tư 97 triệu euro với công nghệ tiên tiến và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc khánh thành giai đoạn 2 của nhà máy đã thể hiện niềm tin mạnh mẽ của Tetra Pak vào môi trường đầu tư của Việt Nam, đồng thời phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn và ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2050.
Theo Công ty Tetra Pak, việc mở rộng này đưa tổng công suất nhà máy đạt hơn 30 tỷ hộp/năm, với 15 định dạng bao bì mới, phục vụ hiệu quả cho các thị trường trọng điểm trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Australia và New Zealand; đặc biệt, hơn 55% sản lượng sẽ phục vụ thị trường trong nước, góp phần nâng cao tính tự chủ cho ngành công nghiệp bao bì và thực phẩm - đồ uống (F&B) tại Việt Nam.
Đà Nẵng đón chuyến bay đầu tiên từ Osaka (Nhật Bản) sau thời gian tạm dừng
Trưa 3/7, chuyến bay mang số hiệu VN337 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), khởi hành từ thành phố Osaka (Nhật Bản) đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, đánh dấu việc nối lại đường bay thẳng đầu tiên giữa hai thành phố sau một thời gian dài tạm dừng.

Lễ đón chuyến bay được tổ chức tại khu vực sảnh ngoài Ga đến quốc tế (Sân bay quốc tế Đà Nẵng) với sự tham dự của Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng; đại diện Cảng vụ Hàng không miền Trung, Công an cửa khẩu, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, Công ty cổ phần Đầu tư và Khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng; Hãng hàng không Vietnam Airlines.
Ngay khi đặt chân đến Đà Nẵng, các hành khách trên chuyến bay đã được chào đón bằng các tiết mục nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam và Nhật Bản. Ba hành khách may mắn đầu tiên nhận được hoa, quà lưu niệm cùng voucher vé máy bay khứ hồi Nhật Bản - Việt Nam do Vietnam Airlines trao tặng. Các hành khách còn lại được nhận túi quà Danang FantastiCity cùng voucher ưu đãi dịch vụ du lịch tại địa phương.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương
Chiều 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Đây là hội nghị Chính phủ với địa phương đầu tiên, ngay sau khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 tỉnh, thành phố thành 34 tỉnh, thành phố.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với Trụ sở UBND 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kết nối trực tuyến tới hơn 3.300 điểm cầu các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội; lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan, Tập đoàn kinh tế lớn; lãnh đạo các địa phương.
Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, phân tích bối cảnh, tình hình và sự ảnh hưởng đến nước ta; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm...
Các tàu qua ga Vinh tăng toa do sân bay đóng cửa nâng cấp
Ngày 3/7, ông Nguyễn Xuân Thanh, Trưởng Ga Vinh (tỉnh Nghệ An) cho biết: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phê duyệt phương án nối thêm 3 toa cho 22 đoàn tàu khách đi qua ga Vinh, Nghệ An. Mỗi đoàn tàu nhờ đó tăng từ 12 toa lên 15 toa, giúp nâng công suất phục vụ gần 200 hành khách mỗi chuyến.

Dự kiến việc nối thêm toa cho các đoàn tàu qua Vinh sẽ được duy trì đến hết năm 2025, thời điểm sân bay hoàn tất nâng cấp. Sau khi sân bay Vinh hoạt động trở lại, ngành Đường sắt sẽ tiếp tục đánh giá nhu cầu để điều chỉnh phương án vận hành phù hợp.
Được biết, ga Vinh hiện đang tiếp nhận khoảng 3.000 lượt hành khách mỗi ngày, có thể lên tới 5.000 lượt vào dịp cao điểm. Các đoàn tàu khách chạy qua ga bao gồm SE1 đến SE12, SE17 đến SE20, SE23-SE24, NA1-NA2 và QB1-QB2.
Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành sẽ khởi công ngày 19/8
Liên quan đến tình hình triển khai dự án đầu tư mở rộng cao tốc đoạn TP.HCM - Long Thành, VEC cho biết đã lựa chọn 3 đơn vị tư vấn (lập, thẩm tra, giám sát) thực hiện bước khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, cắm cọc giải phóng mặt bằng dự án do Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT chủ trì. Đến nay, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đã được tư vấn hoàn thiện, trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định làm cơ sở phê duyệt dự án đầu tư, dự kiến từ ngày 15/7 - 20/7.

Cùng đó, VEC đã thực hiện đăng tải thông tin tham vấn đánh giá tác động môi trường dự án tại Bộ Nông nghiệp và Môi trường để thực hiện thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. "Các thủ tục chuẩn bị đầu tư đang được triển khai đồng bộ, cơ bản đáp ứng tiến độ theo đúng lộ trình đã báo cáo với Chính phủ, bảo đảm mục tiêu khởi công vào ngày 19/8", đại diện VEC khẳng định.
Riêng về mặt bằng dự án, VEC cho biết, theo chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, công tác giải phóng mặt bằng được tách thành các dự án thành phần và đề nghị UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức thực hiện. Ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án được phê duyệt, VEC sẽ bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho chính quyền địa phương triển khai các bước tiếp theo. VEC cũng cam kết sẽ chịu trách nhiệm bố trí đầy đủ và kịp thời nguồn vốn chi trả phục vụ công tác giải phóng mặt bằng theo nhu cầu, tiến độ địa phương đề xuất.
GELEX tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi chào mừng 35 năm thành lập
Ngày 10/7 tới đây, Tập đoàn GELEX kỷ niệm 35 năm thành lập. Nhân dấu mốc đặc biệt này, toàn hệ thống đang đồng loạt triển khai chuỗi hoạt động ý nghĩa với thông điệp xuyên suốt: “GELEX 35 năm - Kiến tạo tương lai”. Với thông điệp xuyên suốt "GELEX 35 năm - Kiến tạo tương lai", chuỗi hoạt động kỷ niệm khởi động từ tháng 6 đến tháng 8, được chuẩn bị kỹ lưỡng và triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống. Không chỉ nhằm gắn kết sức mạnh nội bộ, các hoạt động còn hướng tới lan tỏa những giá trị nhân văn - những giá trị đã thấm sâu trong văn hóa GELEX suốt chặng đường phát triển.

Nổi bật trong chuỗi hoạt động là cuộc thi "Yêu GELEX theo cách riêng của mình" - một sân chơi sáng tạo, nơi người GELEX thể hiện cảm xúc, ký ức và hành trình gắn bó thông qua các sáng tác thơ, văn, âm nhạc, video... Mỗi tác phẩm là một lát cắt chân thật của tình yêu dành cho mái nhà chung, đồng thời khơi dậy niềm tự hào và nuôi dưỡng khát vọng đổi mới, cống hiến trong mỗi người lao động.
Bên cạnh đó, với mục đích tạo ra một sân chơi giao lưu thể thao gắn kết giữa Tập đoàn và các đơn vị thành viên, giải chạy online trên ứng dụng Strava "Hành trình tự hào" chính thức khởi động vào ngày 1/7/2025. Đó không chỉ là nơi rèn luyện thể chất, cân bằng cuộc sống, mà còn là hành trình của trái tim, trách nhiệm và sẻ chia. Thành tích chạy được quy đổi thành quỹ tài trợ "Thư viện sách cho em" - mở cánh cửa tri thức cho nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh tăng gấp 3 lần
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường sáng 3/7, ông Đỗ Hồng Khanh, Chánh văn phòng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu được 5.217 lô sầu riêng tươi với sản lượng gần 130.000 tấn. Riêng đối với sầu riêng đông lạnh, Việt Nam đã xuất khẩu được 388 lô với sản lượng 14.282 tấn, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2024.

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh tăng mạnh một phần cũng là do nhờ chính sách mở cửa thị trường (Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc vào tháng 8/2024). Đồng thời, dưới sự chỉ đạo, định hướng kịp thời của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các địa phương, việc chế biến sâu, mở rộng thị trường đã phản ánh nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, giảm phụ thuộc vào thị trường sầu riêng tươi và giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội tốt để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.
Ngoài ra, tiềm năng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ tiếp tục là điểm sáng nhờ tính ổn định, khả năng bảo quản lâu. Hiện nay, cũng đã có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư dây chuyền chế biến và kho lạnh hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn của Trung Quốc và các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...
Bảng giá đất áp dụng cho năm 2026 sẽ có biến động lớn
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã yêu cầu các địa phương từ nay đến trước ngày 31/12 có trách nhiệm xây dựng và ban hành khung giá đất để áp dụng kể từ 1/1/2026. Đây là thông tin được ông Mai Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đất đai chia sẻ tại cuộc họp báo 6 tháng do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 3/7.

Giá đất gắn liền với thị trường bất động sản nên Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương đánh giá thấu đáo tác động đến thị trường cũng như khả năng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Mục tiêu đặt ra là phải hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công để đảm bảo việc UBND các tỉnh quyết định ban hành bảng giá đất mới sao cho phù hợp nhất - ông Phấn nhấn mạnh.
Cục Quản lý đất đai cho biết, thời gian tới, nhiều địa phương sẽ ban hành bảng giá đất mới, sẽ có sự biến động lớn về mức giá được điều chỉnh. Mỗi địa phương sẽ có biên độ điều chỉnh khác nhau nên thị trường bất động sản sẽ chịu nhiều tác động. Bảng giá đất ở nhiều địa phương biến động lớn sẽ khiến thị trường chịu nhiều tác động.
Giá cà phê trong nước bật tăng
Ngày 3/7, giá cà phê giao dịch trong nước tăng thêm 800-900 đồng/kg. Trong khi đó, trên các sàn giao dịch quốc tế, giá cà phê Robusta và Arabica lại tiếp tục giảm sâu. Theo đó, tại khu vực Tây Nguyên, giá cà phê giao dịch trung bình quanh mức 95.500 đồng/kg. Trong đó, thương lái ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông (cũ), nay là tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, hiện thu mua cà phê với giá lần lượt 95.500 đồng/kg và 95.600 đồng/kg.

Trong khi đó, giá cà phê nhân xô tại Lâm Đồng và Gia Lai đang được giao dịch trong khoảng 95.100-95.400 đồng/kg. Còn trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến Robusta hợp đồng giao kỳ hạn tháng 9 đóng cửa ở mức 3.602 USD/tấn, giảm 1,58% (58 USD/tấn) so với ngày hôm trước. Ngoài ra, hợp đồng giao kỳ hạn tháng 11 cũng ghi nhận đà giảm 1,42% (51 USD/tấn), xuống còn 3.551 USD/tấn trong phiên giao dịch mới nhất.
Tương tự, trên sàn giao dịch New York, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9 tiếp tục giảm nhẹ 0,26% (0,75 US cent/pound), xuống còn 291,2 US cent/pound. Hợp đồng giao kỳ hạn tháng 11 giảm 0,28% (0,8 US cent/pound) và chỉ còn giữ giá 285,35 US cent/pound. Giá cà phê trên thế giới trong phiên giao dịch hôm nay tiếp tục xu hướng giảm, do áp lực nguồn cung gia tăng từ các quốc gia sản xuất hàng đầu như Brazil và Việt Nam.