Bản tin chiều 9/7: Đồng loạt triển khai giải phóng mặt bằng xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Tin tức nổi bật chiều 9/7: Đồng loạt triển khai giải phóng mặt bằng xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao nhất từ năm 2020 đến nay; Dự án lấn biển Cần Giờ của Vingroup được duyệt giá đất hơn 27.300 tỷ đồng; Bộ Công Thương lấy ý kiến xây dựng Nghị định về hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; Nam Phi không áp thuế tự vệ tạm thời đối với thép cuộn Việt Nam... và một số tin tức đáng chú ý khác.

Đồng loạt triển khai giải phóng mặt bằng xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Kết luận Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt (Ban Chỉ đạo) trực tuyến với 19 địa phương có dự án đường sắt đi qua vào sáng 9/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo đồng loạt triển khai để hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào cuối năm 2026.

Thủ tướng nhắc nhở, Ban Chỉ đạo thực hiện chỉ đạo, đôn đốc, thống nhất chủ trương, các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nghiệp vụ, quyền hạn, ban hành văn bản cụ thể hóa quyết định theo luật pháp để thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, sát tình hình; những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Riêng Hà Nội, TP.HCM triển khai thực hiện các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù, đặc biệt dành cho 2 địa phương; nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ xem xét.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các công trình đường sắt góp phần tạo ra không gian phát triển mới; tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành hàng hóa; góp phần hiện đại hóa đất tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân… Do đó, các bên liên quan phải nỗ lực thực hiện, đảm bảo các mục tiêu đã đề ra.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao nhất từ năm 2020 đến nay

Theo Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm: Sản xuất xe có động cơ tăng 31,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 17,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 17%; sản xuất trang phục tăng 15,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 14,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 13,7%...

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất đồ uống tăng 1,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước, tăng ở 62 địa phương, riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) giảm 2,6%. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm. Theo Cục Thống kê, việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ giảm bớt tầng nấc trung gian, giảm bớt các thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái được thực hiện quyết liệt trong thời gian qua sẽ kích thích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất.

Dự án lấn biển Cần Giờ của Vingroup được duyệt giá đất hơn 27.300 tỷ đồng

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM, thành phố đã duyệt giá đất cụ thể tại 9 dự án với tổng nguồn thu gần 52.600 tỷ đồng. Trong đó, dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ vừa được phê duyệt giá đất với tổng số tiền hơn 27.317 tỷ đồng. Mức giá đất được phê duyệt là căn cứ để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đồng thời làm cơ sở pháp lý cho các thủ tục tiếp theo trong việc triển khai xây dựng dự án.

Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có quy mô gần 2.900ha, trong đó diện tích lấn biển hơn 1.357ha, được Vingroup khởi công vào ngày 19/4. Dự án bao gồm các loại hình như du lịch nghỉ dưỡng, hội nghị - hội thảo kết hợp nghỉ dưỡng (MICE), đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, cùng hệ thống nhà ở và khách sạn hiện đại.

Thành phố dự kiến quy mô dân số toàn khu đô thị tối đa gần 230.000 người và có khả năng đón 8,9 triệu lượt du khách mỗi năm. Sau lễ khởi công, chủ đầu tư đã bắt đầu thi công các hạng mục lấn biển.

Bộ Công Thương lấy ý kiến xây dựng Nghị định về hàng hóa có xuất xứ Việt Nam

Nhằm triển khai nhiệm vụ được Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ phân công cho Bộ Công Thương chủ trì, nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước, Bộ Công Thương sẽ tổ chức hội thảo trao đổi một số nội dung để có cơ sở tổng hợp, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn công tác quản lý nhà nước đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam lưu thông trong nước vào ngày 11/7.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng hàng hóa lưu thông trong nước với nguồn gốc xuất xứ; cơ chế quản lý, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương đối với sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước; tình hình thực trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh và lưu thông của doanh nghiệp trong nước, trách nhiệm của doanh nghiệp; tình hình thực trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh và lưu thông của doanh nghiệp trong nước, trách nhiệm của doanh nghiệp…

Hội thảo cũng thảo luận về mục tiêu, phạm vi, nội dung xây dựng chính sách đối với hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam khi lưu thông trong nước; nhóm vấn đề chính sách đề xuất áp dụng triển khai quy định tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; đề xuất giải pháp triển khai giữa Bộ, ban ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để tổ chức thực hiện khi chính sách vào thực tế.

Nam Phi không áp thuế tự vệ tạm thời đối với thép cuộn Việt Nam

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Phái đoàn Việt Nam tại Geneva cho biết Ủy ban Quản lý Thương mại quốc tế Nam Phi (ITAC) đã ban hành thông báo áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm thép cuộn chống ăn mòn (còn được gọi là Corrosion resistant steel coil) nhập khẩu vào Khối Liên minh hải quan Nam Phi (SACU). Trong đó, Việt Nam được loại trừ khỏi biện pháp do là quốc gia đang phát triển có thị phần nhập khẩu dưới 3%.

Sản phẩm bị điều tra là Thép cuộn chống ăn mòn, được phân loại theo mã hàng hóa nhập khẩu của Cộng hòa Nam Phi 7210.61.20, 7210.61.30, 7225.92.25 và 7225.92.35. Ngày khởi xướng điều tra là 17/1/2025 (vụ việc đã được khởi xướng ngày 27/12/2024 trước đó, nhưng sau đó đã được chấm dứt và khởi xướng lại cùng ngày). Giai đoạn điều tra từ tháng 5/2021 đến tháng 4/2024.

Trong thông báo Kết luận sơ bộ, Ủy ban Quản lý Thương mại quốc tế Nam Phi cho rằng lượng nhập khẩu có sự gia tăng mạnh, đột ngột, rõ nét và gần trong giai đoạn điều tra, với mức gia tăng 17,16% từ năm 2022 đến 2023. Lượng nhập khẩu chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 4 bến cảng container mới tại Hải Phòng

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1497/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 9, số 10, số 11 và số 12 - Khu bến Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng. Dự án đầu tư trên được thực hiện tại đặc khu Cát Hải, thành phố Hải Phòng (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải) với tổng vốn đầu tư là 24.846 tỷ đồng.

Mục tiêu củaDự án là đầu tư xây dựng 4 bến cảng container số 9, số 10, số 11 và số 12 khu bến Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng, góp phần hình thành hệ thống cảng biển hiện đại, với khả năng tiếp nhận tàu lớn sức chở 12.000 đến 18.000TEUs; gắn kết cảng biển lớn với khu phi thuế quan, logistics phía sau cảng, đẩy nhanh quá trình lưu thông hàng hóa, qua đó nâng cao lợi thế, tạo động lực cho sự phát triển, thu hút đầu tư; khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

Bên cạnh việc xây dựng 4 bến cảng container và 400m bến tiếp nhận sà lan để gom, rút hàng bằng đường thủy nội địa; dự án còn xây dựng hệ thống bãi chứa container, xưởng sửa chữa, đường giao thông, các công trình phụ trợ cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bảo đảm mọi hoạt động khai thác cảng; đầu tư các thiết bị khai thác, bốc xếp hàng hóa hiện đại, chuyên dụng phục vụ khai thác cảng; quy mô sử dụng đất (mặt nước) khoảng 146,2ha.

Thành lập 2 Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký các Quyết định thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai; Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi.

Theo đó, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Gia Lai, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế (bao gồm khu kinh tế cửa khẩu) trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ngãi, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu kinh tế (bao gồm khu kinh tế cửa khẩu), khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Các Ban Quản lý này quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong khu kinh tế (bao gồm khu kinh tế cửa khẩu), khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

VCCI đề xuất bỏ giới hạn khuyến mại 50%

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đề xuất bỏ giới hạn khuyến mại 50%, chuyển hoàn toàn sang cơ chế hậu kiểm. Tức là không yêu cầu đăng ký, không giới hạn mức khuyến mại, nhưng vẫn giám sát thông qua Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và hệ thống pháp luật chuyên ngành.

Kiến nghị này liên quan đến thông tư do Bộ Công Thương ban hành, quy định hạn mức tối đa về giá trị và mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá bán. Quy định nhằm ngăn ngừa hiện tượng phá giá, thao túng thị trường và cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, "trần" khuyến mại này đang hạn chế quyền tự chủ kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số và thương mại điện tử phát triển nhanh, nhu cầu tiếp thị linh hoạt và sáng tạo ngày càng lớn.

Việc phải xin phép hoặc đối chiếu tỉ lệ khuyến mại theo quy định hành chính khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó, thậm chí phải lách luật để tồn tại.

Bộ Xây dựng lấy ý kiến dự thảo tiêu chuẩn giới hạn tiêu thụ nhiên liệu

Bộ Xây dựng vừa công bố dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về mức giới hạn và phương pháp đánh giá tiêu thụ nhiên liệu đối với xe mô tô, xe gắn máy và ô tô con để lấy ý kiến rộng rãi. Đây là một trong những giải pháp chiến lược nhằm giảm phát thải CO₂, hỗ trợ mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050 mà Thủ tướng đã cam kết tại COP26.

Dự thảo mới đưa ra 2 hướng quản lý linh hoạt: MEPS - áp dụng mức giới hạn tiêu thụ nhiên liệu cho từng kiểu xe cụ thể và CAFE - áp dụng mức trung bình tiêu thụ nhiên liệu cho toàn đội xe của một nhà sản xuất.

Việc áp dụng MEPS giúp kiểm soát chặt chẽ từng mẫu xe, trong khi CAFE linh hoạt hơn, cho phép hãng xe cân đối giữa mẫu hiệu quả cao với mẫu tiêu hao nhiều hơn trong cùng danh mục. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế quốc tế, giúp doanh nghiệp vừa đạt mục tiêu chung, vừa có không gian cho đổi mới công nghệ. Trong giai đoạn đầu, cơ quan quản lý có thể lựa chọn triển khai từng phương pháp phù hợp với định hướng và nhu cầu cụ thể. Đồng thời, tiêu chuẩn mới sẽ là tiền đề để xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về tiêu thụ nhiên liệu phương tiện đường bộ, lan tỏa kiểm soát tốt hơn và đồng bộ với mục tiêu khí hậu.

Thanh An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-chieu-9-7-dong-loat-trien-khai-giai-phong-mat-bang-xay-dung-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-319809.html