Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội: Đảm bảo việc làm cho người học
Đào tạo gắn kết doanh nghiệp, cam kết đầu ra rõ ràng và mức lương hấp dẫn, Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội đang trở thành lựa chọn của nhiều học sinh.
Cam kết đầu ra: Sức hút cho tuyển sinh
Những năm gần đây, xu hướng học sinh và phụ huynh lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thay vì bằng mọi giá phải vào đại học đang trở nên rõ nét. Các trường cao đẳng, trung cấp không chỉ mang đến chương trình đào tạo gắn với thực tiễn mà còn chủ động cam kết đầu ra với mức đãi ngộ rõ ràng, tạo niềm tin và sức hút mạnh mẽ đối với người học.

Học sinh hệ trung cấp tham gia buổi thực hành. Ảnh: Thu Hường
TS Đồng Trung Chính – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội cho biết, năm nay trường đã nhận được số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển rất khả quan, hiện đã đạt khoảng 60–70% chỉ tiêu cho cả hệ trung cấp và cao đẳng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí… đã chủ động gửi “đơn đặt hàng” tuyển dụng nhân lực ngay từ khi sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi tích cực trong phương thức đào tạo và tuyển sinh.
Nếu trước đây, trường mới chỉ triển khai tuyển sinh một số ngành có cam kết việc làm, thì năm nay, mô hình này được mở rộng thêm, với mức lương tối thiểu từ 8–11 triệu đồng/tháng, kèm hỗ trợ ăn ở miễn phí. Các cam kết được quy định chi tiết giữa nhà trường và doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi cho người học sau khi tốt nghiệp.
Liên kết doanh nghiệp: Đòn bẩy nâng chất lượng đào tạo
Cùng với nhu cầu lao động ngày càng lớn, công tác hợp tác đào tạo được nhà trường đẩy mạnh, với nhiều đối tác trong và ngoài nước như LG Display, Gotech, Tập đoàn Tô Châu AI, Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu…

Sinh viên hệ cao đẳng được giảng viên hướng dẫn về mô hình robocon
Theo TS Đồng Trung Chính, chương trình hợp tác với LG Display Hải Phòng đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt. Sinh viên được học tập, thực hành ngay trên dây chuyền sản xuất hiện đại mà không một cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào có thể tự đầu tư đầy đủ. Dù quy mô đợt đầu tiên chỉ có 17 sinh viên tham gia, nhưng tất cả các em đều được doanh nghiệp cam kết tiếp nhận làm việc nếu có nguyện vọng.
Năm nay, trường tiếp tục triển khai hợp tác với Gotech, mở ra thêm cơ hội học tập và làm việc tại Bắc Ninh. Hơn 50 sinh viên đã tham gia, đợt tiếp theo đang chuẩn bị gửi thêm 27 em.
“Đáng chú ý, chương trình “2,5 + 0,5” nghĩa là học 2,5 năm tại Việt Nam và 6 tháng tại Trung Quốc đã được khởi động, với toàn bộ chi phí du học ngắn hạn do doanh nghiệp đài thọ, kèm yêu cầu cam kết làm việc tối thiểu 6 tháng sau khi tốt nghiệp”- TS Đồng Trung Chính cho hay.

Trường cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội cơ sở 1 số 143 Nguyên Ngọc Vũ - Hà Nội
Không chỉ dừng lại ở các đối tác FDI, trường còn đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong nước. Đơn cử như Công ty Á Châu, dù không tham gia xây dựng chương trình, nhưng vẫn chấp nhận tiếp nhận sinh viên thực tập và làm việc chính thức. Dù mức thu nhập tại các doanh nghiệp nội địa có phần thấp hơn khối FDI, nhưng bù lại, điều kiện làm việc gần gũi và phù hợp với nhiều sinh viên có nhu cầu làm việc gần gia đình.
Kết quả khảo sát đợt 1 năm 2025 của nhà trường cho thấy hơn 96–97% sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm sau vài tháng, phần lớn các sinh viên ra trường tìm được việc làm đúng ngành nghề được đào tạo. Các ngành kỹ thuật công nghệ, điện – điện tử và công nghệ thông tin vẫn chiếm tỷ trọng tuyển sinh cao nhất, khẳng định sức hút và nhu cầu nhân lực lớn của nhóm ngành này.
Thực tiễn đang cho thấy, con đường lập nghiệp không chỉ còn bó hẹp trong tấm bằng đại học. Sự chuyển biến tích cực trong chính sách đào tạo, sự chủ động của các trường nghề và nhu cầu tuyển dụng thực chất từ doanh nghiệp đang tạo nên một “cú hích” cho giáo dục nghề nghiệp, nơi rất nhiều bạn trẻ có thể bắt đầu sự nghiệp vững vàng, thu nhập ổn định ngay sau khi tốt nghiệp.