Bản tin MXV 9/3: Dầu thô hướng tới mốc 130 USD/thùng, kéo theo đà tăng của giá đường
Kết thúc phiên giao dịch 8/3, thị trường hàng hóa thế giới đã bắt đầu có sự phân hóa. Mặc dù nhóm nông sản và kim loại quay đầu giảm, nhưng mức tăng mạnh của nhóm năng lượng vẫn tiếp tục giúp chỉ số MXV-Index duy trì đà tăng 7 phiên liên tiếp.
Dòng tiền tiếp tục “ưa thích” dầu thô
Giá trị giao dịch của nhóm năng lượng cũng tăng hơn 20% trong phiên hôm qua nhờ diễn biến tích cực của giá dầu thô. Qua đó, giúp tổng giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 9.800 tỉ đồng, là mức cao thứ 2 từ trước đến nay.
Giá dầu bật tăng mạnh mẽ trong phiên do các thông tin về lệnh cấm vận của của các nước phương Tây đối với ngành dầu khí của Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô WTI tăng 3,6% lên 123,7 USD/thùng trong khi giá dầu Brent cũng tăng 3,87% lên 127,98 USD/thùng.
Dầu thô giằng co nhẹ trong phiên sáng hôm qua khi thị trường chờ đợi thêm các thông tin mới từ căng thẳng giữa Nga – Ukraine. Tuy vậy đến phiên tối giá bật tăng mạnh mẽ trước thông tin Tổng thống Mỹ Biden tiến hành cấm nhập khẩu một loạt các nguyên liệu hóa thạch từ Nga, như dầu thô, sản phẩm từ dầu, khí tự nhiên hóa lỏng và than. Bên cạnh đó, người Mỹ cũng bị cấm đầu tư vào ngành năng lượng của Nga.
Mặc dù Mỹ thực chất không nhập khẩu quá nhiều dầu từ Nga, tuy nhiên cũng mở đầu cho các nước khác hành động tương tự. Tiếp theo Mỹ, nước Anh cũng bắt đầu lên kế hoạch cắt hoàn toàn lượng dầu nhập khẩu từ Nga trong cuối năm nay.
Các diễn biến mới trên thị trường làm lu mờ tác động của Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn tháng 3 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) rạng sáng nay. Do độ trễ của dữ liệu và thông tin, báo cáo chưa đánh giá được hết tác động của các lệnh cấm vận đối đối với Nga, báo cáo của EIA vẫn dự đoán cán cân cung - cầu dầu thế giới sẽ đạt cân bằng trong quý II/2022. Với việc EIA điều chỉnh tăng dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2022 từ 100,52 triệu thùng/ngày lên 101,61 triệu thùng/ngày, và với việc nguồn cung thị trường khả năng cao sẽ chịu nhiều gián đoạn, có thể thấy rằng thị trường dầu có thể sẽ tiếp tục thiếu hụt nguồn cung trong các tháng tới.
Giá đường tăng theo giá dầu
Ảnh hưởng tích cực từ giá dầu thô, giá đường 11 trên Sở ICE US đóng cửa tăng 0,8% lên mức 117,9 cents/pound, giá đường trắng trên Sở ICE EU đóng cửa tăng 0,6% lên mức 536,3 USD/tấn, đánh dấu chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp của mặt hàng này.
Giá đường neo theo diễn biến của giá dầu thô trong thời gian gần đây do người nông dân Brazil có xu hướng ưu tiên sản xuất ethanol thay vì đường. Tuy nhiên việc công ty dầu khí trong nước chịu áp lực bởi giá dầu đã khiến Tổng thống Brazil đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế mức độ sản xuất ethanol của các nhà máy và chi phí sản xuất đường để đối phó với tình trạng giá nhiên liệu tăng cao.
Ngoài ra, nguồn cung đường từ Ấn Độ được dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung của thị trường. Tính đến tháng 2 của niên vụ hiện tại, Ấn Độ đã xuất khẩu 4,2 triệu tấn đường và dự kiến sẽ xuất khẩu thêm 12 đến 13 triệu tấn trong tháng 3 này. Điều này có thể khiến cho đà tăng của giá đường suy yếu trong những phiên sắp tới.
Trên thị trường đường nội địa, Công ty Cổ phần mía đường 333 mới đây đã thông báo điều chỉnh tăng giá mua mía. Cụ thể, giá mía sạch tại ruộng, chữ đường trên 8 CCS có giá thu mua là 1,13 triệu đồng/tấn. Những trường hợp có CCS từ 7,5 đến dưới 8 (mía kém chất lượng, mía non), giá mua giảm 5% so với mức giá trên, từ 7 – 7,5 thì giảm tiếp 10%. Công ty không mua mía có CCS dưới 7. Đối với mía cháy, công ty sẽ giảm giá mua 10% đối với mía nhập sau cháy 48 giờ, giảm 15% khi mía cháy nhập từ 48 – 72 giờ và không nhập mía sau cháy 72 giờ.