Bản tin Năng lượng xanh: Việc Ấn Độ triển khai năng lượng tái tạo quy mô lớn đã giúp đáp ứng nhu cầu điện cao kỷ lục
Mức tiêu thụ điện của Ấn Độ đạt mức cao mới trong mùa hè này nhưng lưới điện truyền tải đã ổn định hơn nhiều nhờ sản xuất điện từ năng lượng tái tạo tăng lên.
Việc Ấn Độ triển khai năng lượng tái tạo quy mô lớn đã giúp đáp ứng nhu cầu điện cao kỷ lục
Theo Cơ quan Kiểm soát Lưới điện Ấn Độ, mức tiêu thụ điện đạt đỉnh kỷ lục 223 gigawatt (GW) vào tháng 6/2023, tăng từ mức đỉnh 212 GW vào tháng 6/2022. Tổng nhu cầu đạt mức kỷ lục 140 tỷ kilowatt giờ (kWh) trong tháng 6, tăng từ mức 134 tỷ kWh vào tháng 6/2022.
Nhưng lưới điện hoạt động trong điều kiện ổn định hơn nhiều, với sự cân bằng giữa nguồn phát và phụ tải chặt chẽ hơn nhiều so với năm ngoái. Tần suất, một thước đo cho sự cân bằng giữa sản xuất và tiêu dùng, chỉ ở dưới mức mục tiêu 6,5% trong tháng 6, giảm từ mức 12,5% vào tháng 6/2022. Việc kiểm soát tần số được cải thiện đã làm giảm đáng kể nguy cơ mất điện ngoài kế hoạch hoặc sự cố lưới điện.
Các bộ điều khiển lưới điện đã có thể huy động thêm nhiều nguồn điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Sản lượng từ các trang trại gió tăng 1,5 tỷ kWh (+16%) trong khi sản lượng năng lượng mặt trời tăng 1,1 tỷ kWh (+14%) so với cùng tháng năm 2022.
Ấn Độ đang bắt đầu được hưởng lợi từ sự gia tăng lớn về công suất phát điện tái tạo được lắp đặt trong hai năm qua. Công suất năng lượng tái tạo đã tăng 33 GW (+34%) và chiếm hơn 85% tổng công suất lắp đặt mới kể từ giữa năm 2021.
Equinor khánh thành trang trại gió nổi lớn nhất thế giới ở Na Uy
Tuần qua, Công ty năng lượng Equinor của Na Uy và các đối tác đã khánh thành trang trại gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, sản lượng của trang trại này sẽ cung cấp năng lượng điện cho các giàn khoan dầu khí gần đó và cắt giảm lượng khí thải nhà kính.
Trang trại gió Hywind Tampen, dự án mà Equinor đang hợp tác với các công ty dầu mỏ khác, trong đó có OMV, Vaar Energi, do ENI sở hữu phần lớn, đã bắt đầu sản xuất điện vào tháng 11/2022 và đạt sản lượng đầy đủ vào đầu tháng 8/2023 .
Công suất 88 megawatt của Hywind Tampen sẽ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu điện hàng năm cho 5 giàn khoan tại các mỏ dầu và khí đốt Snorre và Gullfaks ở Biển Bắc, cách bờ biển phía tây Na Uy khoảng 140 km (87 dặm).
Kjetil Hove, người đứng đầu bộ phận thăm dò và sản xuất của Equinor ở Na Uy, cho biết Equinor có tham vọng rõ ràng ở Na Uy về giảm lượng khí thải CO2, là giảm 50% (vào) năm 2030. Trang trại gió Hywind Tampen dự kiến sẽ giảm lượng khí thải CO2 200.000 tấn mỗi năm, tương đương 0,4% tổng lượng khí thải CO2 của Na Uy vào năm 2022.
Gọi ngày khánh thành dự án là “ngày lịch sử”, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere cho biết sáng kiến này sẽ giúp Na Uy cắt giảm lượng khí thải CO2 và việc ngừng khai thác dầu khí đột ngột không phải là giải pháp trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Thủ tướng Stoere nói với Reuters: “Thế giới sẽ tiếp tục cần khí đốt và dầu trong giai đoạn chuyển tiếp này. Đây không phải là sự cắt giảm từ ngày này sang ngày khác. Vì vậy, chúng tôi phải giảm thiểu dần”.
Hywind Tampen bao gồm 11 tuabin gió được cố định trên một đế nổi được neo vào đáy biển thay vì cố định dưới đáy đại dương, một chuyên gia trong ngành công nghệ mới cho rằng phù hợp để sử dụng ở vùng nước sâu hơn ngoài khơi mà Equinor hy vọng sẽ phát triển.
Công nghệ này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và chi phí tại Hywind Tampen đã tăng từ ước tính ban đầu là 5,2 tỷ cu-ron (491 triệu USD) vào năm 2020 lên 7,4 tỷ cu-ron, do sự chậm trễ trong cung cấp nguyên liệu, các vấn đề về chất lượng, lạm phát và ảnh hưởng tiền tệ.
Tuy nhiên, Equinor cho biết dự kiến việc tăng thuế CO2 của Na Uy và giá khí đốt cao hơn đã có tác động tích cực đến nguồn tài chính của dự án, dự án cũng nhận được gần 2,9 tỷ cu-ron trợ cấp.
Na Uy, quốc gia đang đặt mục tiêu sản xuất 30 gigawatt điện gió ngoài khơi vào năm 2040, gấp đôi sản lượng điện hiện tại của nước này, đang đấu thầu các trang trại gió thương mại đầu tiên, trong đó có ba trang trại gió nổi trong mùa thu này.
Các đối tác khác của Equinor trong dự án là Wintershall Dea, công ty do BASF, INPEX Idemitsu và Petoro của Na Uy sở hữu phần lớn.
Mỹ triển khai cuộc đấu giá quyền phát triển năng lượng gió ngoài khơi đầu tiên ở Vịnh Mexico giàu dầu mỏ
Hôm thứ Ba (29/8), Chính quyền Biden tổ chức cuộc đấu giá đầu tiên về quyền phát triển năng lượng gió ngoài khơi ở Vịnh Mexico, mở rộng việc đặt cược phát triển ngành năng lượng sạch non trẻ ngay tại trung tâm sản xuất dầu khí lớn của Mỹ.
Cuộc đấu giá này là một cột mốc quan trọng trong chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm biến năng lượng gió ngoài khơi trở thành nền tảng trong kế hoạch của ông về chống biến đổi khí hậu do nhiên liệu hóa thạch.
Bộ Nội vụ Mỹ sẽ bán đấu giá một khu đất cho thuê rộng 102.480 mẫu Anh (41.472 ha) ngoài khơi Hồ Charles, bang Louisiana và hai khu vực có tổng diện tích gần 200.000 mẫu Anh ngoài khơi Galveston, bang Texas.
Cục Quản lý Năng lượng Đại dương Mỹ (BOEM), cơ quan giám sát việc phát triển năng lượng ngoài khơi, sẽ cung cấp thông tin cập nhật từng bước trên trang web của mình. Theo tài liệu của BOEM, 15 công ty đủ điều kiện tham gia đấu thầu, là các chi nhánh phát triển gió ngoài khơi của các công ty năng lượng châu Âu Equinor, Shell, RWE và TotalEnergies, tất cả đều đang phát triển các hợp đồng thuê phát triển năng lượng gió ngoài khơi của Mỹ ở các khu vực khác. Equinor và Shell cũng có hoạt động khai thác dầu khí ở vùng Vịnh.
Những người mới tham gia vào ngành công nghiệp năng lượng gió ngoài khơi của Mỹ có các chi nhánh của công ty Hanwha của Hàn Quốc, nhà phát triển năng lượng tái tạo của Mỹ Hecate Energy và công ty cổ phần tư nhân Quantum Capital của Houston.
Bộ Nội vụ Mỹ cho biết các khu vực được đấu giá có tiềm năng tạo ra khoảng 3,7 gigawatt điện và có thể cung cấp năng lượng sạch cho gần 1,3 triệu hộ gia đình.
Tuy nhiên, các nhà phát triển đang nhìn xa hơn mạng lưới điện ở vùng Vịnh, coi thương vụ này là một cách khả thi để cung cấp chuỗi cung ứng hydro xanh cho hành lang công nghiệp rộng lớn của khu vực.
Tốc độ gió thấp hơn, đất mềm và bão ở vùng Vịnh, đặc thù của khu vực là những thách thức tiềm tàng mà ngành năng lượng gió ngoài khơi có thể phải đối mặt. Khu vực Đông Nam của nước Mỹ có giá điện thấp có thể khiến các nhà sản xuất điện gió ngoài khơi có chi phí cao hơn gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh các hợp đồng điện. Những bang này đã thông qua luật yêu cầu các công ty điện lực phải mua điện từ các dự án gió ngoài khơi, là một yêu cầu quan trọng đối với một công nghệ được ước tính có thể sản xuất điện với chi phí gấp đôi một nhà máy khí đốt tự nhiên./.