Bản tin quân sự 5/2: Mỹ phát triển tên lửa 'sát thủ không người lái'

Bản tin quân sự 5/2: Mỹ phát triển 'sát thủ không người lái' dựa trên những kinh nghiệm thực chiến tại Ukraine với tầm hoạt động lên tới 400km

Mỹ phát triển “sát thủ không người lái”; Iran giới thiệu hệ thống phòng không “S-300 nội địa” là những nội dung của bản tin quân sự thế giới hôm nay.

Mỹ phát triển “sát thủ không người lái”

Tờ Asia Times đăng tải, Không quân Mỹ đang phát triển một dòng tên lửa hành trình giá rẻ được gọi là Đạn tấn công tầm xa (ERAM) có thể trở thành vũ khí diệt máy bay không người lái.

Theo các tác giả của ấn phẩm, chương trình ERAM được triển khai nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của quân đội Ukraine. Dự án được quản lý bởi Ban giám đốc vũ khí thuộc Trung tâm quản lý vũ khí không quân, có trụ sở tại Căn cứ không quân Eglin, Florida.

Dự án ERAM đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, nhằm mục đích tạo ra một loại đạn dược dẫn đường chính xác có tầm bắn lên tới 400km và có khả năng hoạt động trong điều kiện bị áp chế điện tử mạnh để vô hiệu hóa dẫn đường vệ tinh.

Đạn tấn công tầm xa (ERAM). Ảnh: Getty

Đạn tấn công tầm xa (ERAM). Ảnh: Getty

Việc Không quân Mỹ tập trung vào khả năng không đối không giá cả phải chăng hơn xuất phát từ nhu cầu chống lại máy bay không người lái và tên lửa hành trình cận thanh trong kỷ nguyên chiến tranh hiện đại. Tờ Asia Times đưa tin, cuộc chiến ở Ukraine và chiến dịch chống lại lực lượng Houthi ở Yemen đã cho thấy nhu cầu cấp thiết về máy bay đánh chặn giá rẻ, sản xuất hàng loạt để chống lại máy bay không người lái và các cuộc tấn công bằng tên lửa.

Dự án ERAM sẽ cung cấp các biện pháp tiết kiệm chi phí hơn để chống lại máy bay không người lái và các mục tiêu trên không di chuyển chậm, chẳng hạn như khinh khí cầu bị bắn hạ trên lãnh thổ Mỹ vào năm 2023. Ngoài ra, không giống như các tên lửa không đối không đắt tiền hơn như AIM-9X và AIM-120, có tầm bắn lên tới 55km, ERAM, như đã đề cập, có tầm bắn 400km. Con số này thực tế đến mức nào thì chúng ta chỉ có thể biết được khi tên lửa đã sẵn sàng và được thử nghiệm.

Vì ERAM có thể được sửa đổi để tấn công các mục tiêu trên không, trên biển và trên bộ nên Mỹ có thể tấn công nhiều mục tiêu bằng một loại đạn duy nhất, đơn giản hóa sản xuất và hậu cần đồng thời giảm nhu cầu sử dụng nhiều loại vũ khí chuyên dụng.

Seth Jones, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ, cho biết chi phí cao và thời gian sản xuất dài của một số tên lửa của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Tomahawk Block V và Patriot PAC-3, đặt ra câu hỏi về khả năng của cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ trong việc đáp ứng nhu cầu lớn về đạn dược dẫn đường chính xác trong chiến tranh hiện đại.

Về mặt này, tên lửa ERAM có thể trở thành sự bổ sung quan trọng cho các loại vũ khí khác của Mỹ cần thiết để sẵn sàng tiến hành hiệu quả các hoạt động chiến đấu trong điều kiện hiện đại. Tuy nhiên, những người hoài nghi cho rằng nó có thể quá chậm để xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện đại và không đủ cơ động để tấn công các mục tiêu đang di chuyển.

Hàn Quốc phát triển khu trục hạm nội địa tương lai

Công ty đóng tàu Hanwha Ocean Co. của Hàn Quốc và HD Hyundai Heavy Industries Co. được đưa vào "danh sách rút gọn" các ứng cử viên cho dự án chế tạo tàu khu trục thế hệ tiếp theo cho Hải quân Hàn Quốc.

Theo hãng thông tấn Yonhap đưa tin, trích dẫn nguồn tin từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, sau khi tham vấn với các cơ quan liên quan của Hàn Quốc, các công ty nói trên đã được chọn làm ứng cử viên thực hiện dự án KDDX (Tàu khu trục hạm thế hệ tiếp theo của Hàn Quốc), với chi phí tiềm năng ước tính lên tới 7.800 tỷ won (5,3 tỷ USD). Chương trình này nhằm mục đích đóng 6 tàu chiến sử dụng các công nghệ tiên tiến.

KDDX (Tàu khu trục hạm thế hệ tiếp theo của Hàn Quốc). Ảnh: Defense News

KDDX (Tàu khu trục hạm thế hệ tiếp theo của Hàn Quốc). Ảnh: Defense News

KDDX sẽ là tàu khu trục đầu tiên được chế tạo hoàn toàn bằng công nghệ nội địa của Hàn Quốc, từ thân tàu đến hệ thống chiến đấu, bao gồm radar đa chức năng và hệ thống vũ khí hiện đại. Các tàu khu trục hạm mới có trọng tải 6.000 tấn dự kiến sẽ được trang bị hệ thống kiểm soát vũ khí tương tự như hệ thống Aegis của Mỹ và cuối cùng sẽ trở thành phương tiện chiến đấu cấp chiến lược của Hải quân Hàn Quốc, cùng với các tàu khu trục lớp Sejong Dewong (KDX-3) hiện đang phục vụ.

Theo thông báo từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, nhà thầu chiến thắng trong cuộc thi sẽ được Cơ quan Chương trình Mua sắm Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc quyết định. Dự kiến điều này sẽ xảy ra sớm nhất vào tháng 3.

Iran giới thiệu hệ thống phòng không “S-300 nội địa”

Bộ Quốc phòng Iran vừa công bố phiên bản hiện đại hóa của hệ thống tên lửa phòng không Bavar 373, được coi là tương tự như hệ thống S-300 của Nga.

Hãng thông tấn Tasnim của Iran đăng tải, hệ thống phóng tên lửa đất đối không Bavar 373-II được trang bị radar riêng để phát hiện và theo dõi mục tiêu, cũng như điều khiển hỏa lực. Điều này cho phép mỗi thành phần của tổ hợp có khả năng hoạt động độc lập cao.

Hệ thống Bavar 373-II. Ảnh: Tasnim

Hệ thống Bavar 373-II. Ảnh: Tasnim

Hệ thống phòng không hiện đại bao gồm một radar tích hợp thêm bệ phóng tên lửa, cho phép phương tiện có khả năng hoạt động độc lập. Bavar 373-II mang theo tên lửa phòng không Sayyad 4B có tầm bắn tăng lên tới 300km. Hệ thống này có khả năng theo dõi 60 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc.

Phiên bản cơ bản của Bavar 373 có phạm vi phát hiện mục tiêu là 320km và phạm khóa mục tiêu là 260km.

Vào tháng 1/2025, Iran đã công bố một loại tên lửa phòng không tầm xa mới mang tên 359. Sản phẩm này là sự phát triển của Type 358, có khả năng đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách khoảng 150km.

Kim Ngân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ban-tin-quan-su-52-my-phat-trien-ten-lua-sat-thu-khong-nguoi-lai-372367.html