Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Cùng với việc rút Mỹ khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ như từng đưa ra năm 2018 trong nhiệm kì đầu, Tổng thống Trump cũng tuyên bố ngừng tài trợ cho Cơ quan cứu trợ Palestine của LHQ.

Ngày 4/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kí sắc lệnh đưa nước này rút khỏi hai tổ chức của LHQ là Hội đồng Nhân quyền LHQ và Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine ở Trung Đông (UNRWA), nhóm báo chí Nhà Trắng đưa tin.

Theo Aljazeera, ông Trump đã trực tiếp loan báo "tin mừng" với báo giới.

Động thái của Nhà Trắng đúng vào thời điểm diễn ra chuyến thăm Washington của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người từ lâu đã chỉ trích UNRWA, cáo buộc cơ quan này kích động chống lại Israel và nhân viên của cơ quan này có dính dáng đến phong trào kháng chiến Palestine Hamas ở Gaza.

Quốc hội Israel trước đó đã thông qua luật (có hiệu lực từ 30/1), cấm UNRWA hoạt động trên lãnh thổ nước này, đồng thời chấm dứt mọi liên hệ với UNRWA và bất kì tổ chức nào đại diện cho UNRWA.

UNRWA hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục trẻ em cho người tị nạn Palestine. Nguồn: UNRWA.

UNRWA hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục trẻ em cho người tị nạn Palestine. Nguồn: UNRWA.

Phản ứng trước tuyên bố của Israel, người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini nói rằng, các hành động của Israel chống lại UNRWA là một “cuộc tấn công không ngừng nghỉ” đang gây hại đến cuộc sống và tương lai của người Palestine trên toàn bộ lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.

Ông Lazzarini cũng đề cập những thông tin sai lệch về UNRWA, cho biết, LHQ đã tiến hành điều tra tất cả các cáo buộc, tuy nhiên không chứng minh được bất cứ cáo buộc nào, trong khi phía Israel chỉ đưa cáo buộc buộc mà không đưa ra bằng chứng.

“UNRWA có 13.000 nhân viên tại Gaza. Họ tận tụy phục vụ cộng đồng của mình. Việc quy chụp và đưa ra những cáo buộc chưa được minh định đối với họ sẽ gây hại cho cuộc sống của người dân Palestine cần trợ giúp.”, ông Lazzarini bày tỏ.

 Người Palestine rất cần được hỗ trợ khi trở về nhà sau lệnh ngừng bắn. Nguồn: UNRWA.

Người Palestine rất cần được hỗ trợ khi trở về nhà sau lệnh ngừng bắn. Nguồn: UNRWA.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền của Tổng thống Trump rút khỏi cơ quan nhân quyền có trụ sở tại Geneva.

Năm 2018, trong nhiệm kì Tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump cũng đã rút Mỹ khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ. Đặc phái viên Mỹ tại LHQ khi đó Nikki Haley tuyên bố, động thái này là do “sự thiên vị dai dẳng” đối với Israel từ cơ quan này, bao gồm 47 quốc gia thành viên được bầu cho nhiệm kì 4 năm.

Trong nhiệm kì đầu, từ năm 2017-2021, chính quyền của ông Trump cũng cắt nguồn tài trợ cho UNRWA, đặt câu hỏi về giá trị của tổ chức này, nói rằng, người Palestine cần phải đồng ý nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Israel và kêu gọi UNRWA cải cách.

Tình cảnh người dân Gaza sau khi hồi hương ngày 23/1. Nguồn: UNRWA.

UNRWA có 13.000 nhân viên tại Gaza, cung cấp cứu trợ, y tế và giáo dục cho hàng triệu người Palestine ở Gaza, Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem, Syria, Lebanon và Jordan.

Trong khi Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của UNRWA, cung cấp 300-400 triệu đô la mỗi năm.

Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống Trump đã kí nhiều sắc lệnh, trong đó có lệnh đưa Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới và Thỏa thuận Khí hậu Paris.

Văn Phong (theo Sputnik, Aljazeera)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/my-rut-khoi-hoi-dong-nhan-quyen-lien-hop-quoc-172406.html