Ông Zelensky: Nếu Ukraine không thể gia nhập NATO, hãy trả vũ khí hạt nhân cho chúng tôi
Tổng thống Ukraine tuyên bố, vũ khí hạt nhân và hệ thống tên lửa sẽ là những phương án thay thế khả dĩ nhất nếu Ukraine không thể gia nhập NATO.
Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: Bloomberg
Ngày 4/2, nhà báo Anh Piers Morgan đã công bố một trích đoạn từ cuộc phỏng vấn Tổng thống Ukraine Zelensky. Trong trích đoạn đó, nhà báo Piers hỏi vì sao Kiev không cân nhắc một giải pháp khác ngoài NATO, trong khi họ biết rõ rằng việc kiên quyết gia nhập NATO sẽ khiến Nga không chấp nhận và cản trở tiến trình hòa bình.
Ông Zelensky trả lời rằng nếu Kiev bị ngăn chặn gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu trong tương lai gần, thì Ukraine có quyền hỏi các đối tác phương Tây: “Ai sẽ bảo vệ chúng tôi?".
“Hãy trả lại cho chúng tôi vũ khí hạt nhân, cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa. Các đối tác hãy giúp chúng tôi tài trợ cho một đội quân một triệu người, triển khai quân đội của các bạn đến những khu vực của đất nước chúng tôi, nơi chúng tôi muốn ổn định tình hình", Tổng thống Ukraine nói thêm.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Ukraine thừa hưởng khoảng 1.700 đầu đạn hạt nhân. Ukraine có thể kiểm soát vật lý kho vũ khí này, nhưng không nắm quyền kiểm soát hoạt động của chúng. Nga đã kiểm soát mật mã cần thiết để vận hành kho vũ khí hạt nhân này. Sau khi ký Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 (Kiev nhận đảm bảo an ninh từ Moscow và Washington để từ bỏ vũ khí hạt nhân), Ukraine đã bàn giao số vũ khí cho Moscow.
Nga lập luận, Ukraine chưa bao giờ thực sự sở hữu vũ khí hạt nhân, vì theo pháp lý, số vũ khí này thuộc về Moscow. Các quan chức Nga cũng nhiều lần tuyên bố, Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 (văn bản giải quyết vấn đề sở hữu số vũ khí hạt nhân còn lại) đã bị phá hoại bởi sự mở rộng về phía đông của NATO, đe dọa lợi ích an ninh quan trọng của Moscow. Theo phía Nga, Mỹ cũng đã khiến bản ghi nhớ này trở nên vô nghĩa khi ủng hộ cuộc đảo chính Maidan ở Kiev vào năm 2014.
Trong một cuộc phỏng vấn với podcaster người Mỹ Lex Fridman vào tháng trước, ông Zelensky cũng bày tỏ rằng "vũ khí hạt nhân là sự đảm bảo an ninh mà Ukraine từng có". Ông tuyên bố rằng "Ukraine đã sử dụng [số vũ khí này] để tự vệ" trước khi giao nộp chúng cho Nga.
Vào tháng 10/2024, ông Zelensky cho rằng Ukraine có thể tự bảo vệ mình bằng cách trở thành một quốc gia hạt nhân hoặc gia nhập NATO, đồng thời nhấn mạnh rằng ông ủng hộ mạnh mẽ lựa chọn thứ hai.
Vài tuần sau đó, tờ New York Times, trích dẫn các quan chức giấu tên, tuyên bố rằng cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden "có thể cho phép Ukraine sở hữu lại vũ khí hạt nhân". Khi được hỏi về thông tin này, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã làm rõ rằng ý tưởng đó "không nằm trong kế hoạch".
Tháng 11/2024, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, Nga sẽ buộc phải sử dụng tất cả các phương tiện hủy diệt sẵn có nếu Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân.
"Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra", ông Putin nói.