Bản tin sáng 16/7: Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Đền ơn đáp nghĩa' là mệnh lệnh từ trái tim

Tin tức nổi bật sáng 16/7: Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Đền ơn đáp nghĩa' là mệnh lệnh từ trái tim; Ông Nguyễn Trọng Nghĩa dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ; Rà soát dự án lãng phí để tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; Hà Nội chuẩn bị hạ tầng trước khi cấm xe máy xăng từ năm 2026; Hải Phòng định vị là trung tâm logistics chiến lược quốc gia... và một số tin tức đáng chú ý khác.

Tổng Bí thư Tô Lâm: “Đền ơn đáp nghĩa” là mệnh lệnh từ trái tim

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), chiều 15/7, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm, tặng quà các thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). Ông nhấn mạnh: công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ là trách nhiệm chính trị mà còn là mệnh lệnh từ trái tim.

Tổng Bí thư bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người đã hy sinh thân thể vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Dù mang thương tật nặng, họ vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Ông cũng biểu dương đội ngũ cán bộ, y bác sĩ Trung tâm đã tận tụy chăm sóc thương bệnh binh suốt nhiều năm qua.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm hỏi và tặng quà cho thương bệnh binh. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm hỏi và tặng quà cho thương bệnh binh. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư khẳng định Đảng, Nhà nước luôn coi người có công là tài sản quý báu của dân tộc. Ông đề nghị các cấp, ngành tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, đồng thời tạo điều kiện để họ lan tỏa tinh thần sống tích cực và truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Tại buổi lễ, ông đã trao quà cho các thương binh, gia đình liệt sĩ và dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ

Chiều 15/7, hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cùng đoàn công tác đã về Nghệ An dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ.

Tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, đoàn thành kính dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các đại biểu nguyện tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Mai Quỳnh

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Mai Quỳnh

Đoàn cũng đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào dâng hương tưởng niệm gần 11.000 liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trên đất bạn Lào, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và tôn vinh tình hữu nghị Việt - Lào.

Tiếp đó, đoàn dâng hương tại Khu Di tích Truông Bồn, nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 1.240 thanh niên xung phong, đặc biệt là 13 chiến sĩ Đại đội 317 đã ngã xuống ngày 31/10/1968 trên tuyến đường huyết mạch trong kháng chiến chống Mỹ.

Rà soát dự án lãng phí để tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Chiều 15/7, tại Hội nghị Tổ công tác số 2090 và 2091 của Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, xử lý các công trình, dự án gây lãng phí, chậm tiến độ nhằm tái phân bổ hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận nỗ lực của Đảng ủy Quốc hội trong triển khai Nghị quyết 60-NQ/TW, đặc biệt là việc hoàn thiện thể chế, ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng. Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua 34 luật và 33 nghị quyết, góp phần tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực trọng yếu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Đảng ủy Chính phủ tiếp tục rà soát, xử lý các công trình, dự án gây lãng phí

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Đảng ủy Chính phủ tiếp tục rà soát, xử lý các công trình, dự án gây lãng phí

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng ghi nhận kết quả bước đầu của Đảng ủy Chính phủ trong sắp xếp tổ chức bộ máy, đạt được tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên tới 7,52%, cao nhất trong 14 năm qua.

Ông đề nghị các cơ quan tiếp tục lãnh đạo, kiểm tra, xử lý nghiêm các công trình kém hiệu quả, chậm tiến độ và tăng cường giám sát trong điều hành, bảo đảm thông suốt hoạt động công vụ, dịch vụ hành chính và đầu tư công.

Hà Nội chuẩn bị hạ tầng trước khi cấm xe máy xăng từ năm 2026

Từ 1/7/2026, Hà Nội sẽ bắt đầu cấm xe máy sử dụng xăng trong khu vực Vành đai 1 và mở rộng phạm vi cấm ra Vành đai 2 vào năm 2028, tiến tới Vành đai 3 từ năm 2030. Trước lộ trình này, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện và xây dựng hệ thống dự báo ô nhiễm không khí.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố sẽ chuẩn hóa trạm sạc, mở rộng giao thông công cộng bằng xe điện và kêu gọi doanh nghiệp tham gia cung cấp phương tiện xanh với chính sách ưu đãi. Đồng thời, Hà Nội đề xuất tiếp tục miễn, giảm lệ phí trước bạ và đăng ký xe điện.

Xe buýt, taxi và xe trung chuyển tại khu vực nội đô sẽ dần chuyển sang sử dụng năng lượng điện. Hệ thống đường sắt đô thị cũng được đẩy nhanh tiến độ để giảm áp lực từ phương tiện cá nhân.

Song song đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng bản tin dự báo ô nhiễm không khí, giúp người dân theo dõi chất lượng môi trường và hỗ trợ điều hành chính sách đô thị hiệu quả.

Hải Phòng định vị là trung tâm logistics chiến lược quốc gia

Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hải Phòng 2025 ngày 15/7, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định vị thế chiến lược của Hải Phòng trong vai trò trung tâm kinh tế, công nghiệp và logistics trọng điểm cả nước.

Ông đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và hội nhập quốc tế của thành phố, nhấn mạnh Hải Phòng là cửa ngõ xuất khẩu lớn nhất miền Bắc, đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chủ tịch nước cũng đề cập hệ sinh thái cảng biển, khu công nghiệp và đô thị thông minh là nền tảng giúp thành phố thích ứng với biến động toàn cầu, đồng thời tạo hàng chục nghìn việc làm.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Hải Phòng 2025, ngày 15/7. Ảnh: Lê Tân

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Hải Phòng 2025, ngày 15/7. Ảnh: Lê Tân

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm khu thương mại tự do đầu tiên tại miền Bắc được xem là "đường băng thể chế" giúp Hải Phòng bứt phá, trở thành trung tâm kinh tế sáng tạo và năng động hàng đầu khu vực.

Tại hội nghị, Hải Phòng ký kết hợp tác và cấp phép đầu tư cho các dự án trị giá hơn 15,5 tỷ USD, trong đó có các dự án hạ tầng, cảng biển và FDI công nghệ cao, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các doanh nghiệp Mỹ, Hàn Quốc và châu Âu.

Đề xuất ưu đãi cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nghiên cứu khoa học

Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo đang lấy ý kiến, đề xuất nhiều cơ chế ưu đãi nhằm hiện đại hóa hệ thống giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với nghiên cứu, sản xuất và đổi mới sáng tạo.

Theo dự thảo, Nhà nước sẽ tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, thu hút chuyên gia quốc tế và Việt kiều trình độ cao tham gia giảng dạy, nghiên cứu. Cơ sở đào tạo cũng được khuyến khích hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài và cung cấp dịch vụ đào tạo ra nước ngoài.

Dự luật đồng thời đề cập việc ưu tiên bố trí ngân sách cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trong các lĩnh vực công nghệ cao, như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, khoa học dữ liệu và vật liệu mới. Đây là một trong những định hướng lớn nhằm nâng cao chất lượng nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số và công nghiệp hiện đại.

Dự luật dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, tháng 10/2025.

Vietnam Airlines cần áp dụng chiến lược "thương hiệu kép", vươn ra toàn cầu

Tại Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nhiệm kỳ 2025 - 2030 ngày 15/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Vietnam Airlines cần xác định rõ vai trò dẫn đầu, phát triển thành hãng hàng không 5 sao, vươn tầm quốc tế với chiến lược “thương hiệu kép”.

Phó Thủ tướng khẳng định Vietnam Airlines không nên cạnh tranh nội địa về giá vé mà tập trung vào chất lượng dịch vụ, điểm đến và trải nghiệm khách hàng. Hãng cần phát huy vai trò là trụ cột giao thông quốc gia và hạt nhân kết nối các hãng hàng không trong nước, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tặng hoa chúc mừng Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tặng hoa chúc mừng Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: Minh Khôi

Chiến lược “thương hiệu kép” gồm: duy trì Vietnam Airlines ở phân khúc cao cấp, đồng thời sử dụng hãng con để cạnh tranh ở phân khúc giá rẻ. Ngoài ra, cần phát triển các dịch vụ kỹ thuật, logistics thành ngành kinh doanh độc lập và hình thành hệ sinh thái du lịch - vận tải khép kín.

Mục tiêu đến năm 2030, Vietnam Airlines trở thành một trong hai hãng hàng không dịch vụ đầy đủ lớn nhất Đông Nam Á, nằm trong top 10 hãng hàng không được ưa thích tại châu Á, với doanh thu hợp nhất đạt 804.000 tỉ đồng.

Cần Thơ chưa chấp thuận dùng cát biển san lấp Khu công nghiệp VSIP

Công ty cổ phần VSIP Cần Thơ đề xuất thí điểm sử dụng hơn 300.000 m³ cát biển để san lấp khoảng 16 ha đất công nghiệp thuộc Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cho biết hiện chưa đủ căn cứ để triển khai.

Ngày 15/7, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Cần Thơ đã có văn bản phản hồi. Theo đó, sau khi rà soát các quy định từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học Công nghệ, Sở nhận định chưa có cơ sở pháp lý và khoa học để thực hiện thí điểm dùng cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp.

Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đang được thi công hạ tầng. Ảnh: V.Đ

Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đang được thi công hạ tầng. Ảnh: V.Đ

Trước đó, UBND TP. Cần Thơ đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thí điểm, với cam kết dự án tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và kỹ thuật.

Dự kiến, phần đất thử nghiệm sẽ được bàn giao cho nhà đầu tư thứ cấp trong giai đoạn 2026 - 2027, nếu kết quả thử nghiệm đảm bảo yêu cầu. Hiện thành phố chưa cho phép triển khai do còn chờ hướng dẫn và phê duyệt từ trung ương.

Lâm Đồng đề nghị bổ sung làn dừng khẩn cấp trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Sau vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 3 người thiệt mạng trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng và Bộ Công an đề nghị triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.

Cụ thể, tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng đầu tư làm làn dừng khẩn cấp liên tục trên toàn tuyến dài hơn 100 km. Đồng thời, yêu cầu rà soát hệ thống an toàn giao thông, khắc phục các bất cập hiện có nhằm phòng ngừa tai nạn tương tự.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo tăng cường kiểm tra tốc độ xe, đặc biệt vào ban đêm với xe khách giường nằm, xử lý nghiêm các trường hợp dừng đỗ sai quy định. Việc lắp đặt hệ thống camera giám sát toàn tuyến cũng được đề xuất nhằm kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý sự cố.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có tốc độ tối đa 90 km/h, hiện chỉ bố trí các điểm dừng cách nhau 4 - 5 km và chưa có làn khẩn cấp, gây nhiều rủi ro cho phương tiện khi gặp sự cố.

Giá vàng thế giới giảm mạnh, SJC vẫn cao hơn 15 triệu đồng/lượng

Chiều 15/7, giá vàng thế giới bất ngờ lao dốc từ mức 3.366 USD/ounce xuống còn 3.344 USD/ounce, giảm 22 USD/ounce, tương đương khoảng 698.000 đồng/lượng. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương khoảng 106 triệu đồng/lượng.

Diễn biến này kéo theo giá vàng trong nước đồng loạt điều chỉnh giảm. Tại Công ty SJC, giá vàng miếng niêm yết ở mức 119,1 - 121,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400.000 đồng so với hôm qua. Giá vàng nhẫn 9999 cũng giảm về 114,6 - 117,1 triệu đồng/lượng.

Các doanh nghiệp lớn như PNJ, Bảo Tín Minh Châu và Mi Hồng đều điều chỉnh giá bán vàng miếng về quanh mức 121 triệu đồng/lượng, với chênh lệch mua - bán dao động từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/lượng.

Hiện giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 15 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn 9999 cao hơn 11,1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới giảm do USD tăng mạnh, giá bạc lập đỉnh gần 14 năm và tâm lý rủi ro giảm khi nhà đầu tư kỳ vọng Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại mới, trong khi chờ đợi dữ liệu kinh tế quan trọng như CPI và PPI.

TH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-sang-16-7-tong-bi-thu-to-lam-den-on-dap-nghia-la-menh-lenh-tu-trai-tim-319954.html