Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sinh hoạt chuyên đề 'Đồng Nai với Bác Hồ'
Chi bộ và Công đoàn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa tổ chức sinh hoạt kể chuyện thường kỳ về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ trì buổi sinh hoạt có các đồng chí: Phạm Tấn Linh, Bí thư Chi bộ, Phó trưởng ban và Trần Nguyễn Thảo Ly, Chi ủy viên, Chủ tịch Công đoàn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Tại buổi sinh hoạt, Phó trưởng phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đoàn Trung Kiên đã trình bày chủ đề “Đồng Nai với Bác Hồ”. Chủ đề này được lược trích trong 2 tập sách “Bác Hồ với Đồng Nai, Đồng Nai với Bác Hồ” của Tỉnh ủy Đồng Nai, xuất bản năm 2002.
Bác Hồ luôn ở vị trí thiêng liêng trong người dân Biên Hòa - Đồng Nai
Trình bày về chuyên đề, đồng chí Đoàn Trung Kiên xúc động nói, người dân Biên Hòa - Đồng Nai dẫu chưa một lần vinh dự được đón Bác vào thăm, nhưng Bác Hồ luôn ở vị trí thiêng liêng, trân trọng nhất trong tình cảm của đồng bào, chiến sĩ trong tỉnh.
Người dân Biên Hòa - Đồng Nai coi Bác Hồ là biểu tượng tinh thần không phải bắt nguồn từ mệnh lệnh, quyền uy mà xuất phát từ trong tâm thức, tấm lòng. Trước hết là tấm lòng của Bác, sự quan tâm, đồng cảm của Người khiến cho người Biên Hòa - Đồng Nai xúc động và từ đó khơi dậy động lực tinh thần mạnh mẽ.
Để bảo vệ lợi ích và danh dự của nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai, Người đã vạch trần thủ đoạn lừa bịp của thực dân Pháp khi cho xây dựng “Đài kỷ niệm” gọi là “Tưởng niệm các chiến sĩ vong thân vì mẫu quốc Đại Pháp”.
Tháng 3-1946, giặc Pháp bắt được đồng chí Điểu Xiển, một người con của dân tộc Chơro trên đường đi họp Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không khuất phục được bằng hình thức mua chuộc và cực hình, chúng đã đê hèn giết chết đồng chí. Đồng bào Chơro ở huyện Định Quán đau thương làm lễ truy điệu và cùng nhau cắt máu ăn thề, chuyển từ họ Điểu sang họ Hồ, khẳng định người dân trước sau như một sống chết vẫn theo Bác Hồ.
Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, rồi 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người Chơro ở tỉnh Đồng Nai đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, đồng cam cộng khổ, một lòng, một dạ trung thành với lời thề của mình: “Người Chơro không ăn cơm hai nồi, không ăn ở hai lòng, sống chết chỉ theo Bác Hồ”.
Năm 1954, tín phiếu Cụ Hồ có in hình Bác không còn sử dụng trong vùng địch, nhưng đã trở thành những kỷ vật vô giá của người dân Biên Hòa - Đồng Nai. Ông Nguyễn Văn Dực, huyện Vĩnh Cửu; ông Nguyễn Văn Của, huyện Long Thành đã cất giấu những tờ giấy bạc có hình Bác Hồ như một kỷ vật vô giá của đời mình.
Trong tâm thức người Biên Hòa - Đồng Nai, Bác Hồ là hiện thân của cái đúng, cái đẹp, cái cao quý. Sự xa cách về không gian khiến cho người Đồng Nai trân trọng, thành tín đối với bất cứ hiện vật gì liên quan đến Bác Hồ. Chiếc đồng hồ Bác tặng đồng chí Lê Ngọc Bạch năm 1959 không chỉ là vật lưu niệm riêng của gia đình mà đã trở thành bảo vật của người Biên Hòa - Đồng Nai, được rước vào lưu giữ trang trọng tại Nhà Bảo tàng Đồng Nai.
Hình ảnh Bác Hồ là niềm tin, sức mạnh cho cán bộ, đảng viên, nhân dân
Trong lao tù của giặc, hình ảnh Bác là niềm tin, là sức mạnh giúp cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cách mạng ở Biên Hòa - Đồng Nai vượt qua mọi cực hình tra tấn, kiên trung dũng cảm, giữ vững khí tiết, sẵn sàng hy sinh.
Đồng chí Ngô Bá Cao, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa bị địch bắt năm 1959 và bị địch kết án tử hình. Không hề run sợ, đồng chí đã viết những lời tâm huyết bày tỏ nỗi lòng mình với Bác Hồ kính yêu: ... Mặc án tử hình giặc buộc con/Lời Bác còn đây dạ sắt son/Còn Dân, còn Đảng, còn Non nước/Con vẫn bên Cha mãi mãi còn…
Khi nghe tin quân dân Biên Hòa - Đồng Nai lập nên chiến công vang dội ở Sân bay Biên Hòa vào đêm 31-10-1964, 12 ngày sau, Bác Hồ đã có bài viết và thơ chung vui đăng báo Nhân Dân: ... Uy danh lừng lẫy khắp năm châu/Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu/Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng/Điện Biên Mỹ chẳng phải chờ lâu.
Năm 1969, nghe tin Bác Hồ mất, từ chiến khu cho đến vùng tạm chiếm, khắp nơi, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đều vượt qua sự khủng bố, kìm kẹp của kẻ thù để tổ chức lễ truy điệu Bác với những hình thức xúc động.
Trong đó có mẹ Hầu, một bà mẹ cơ sở ở xã Phước An (huyện Long Thành) có 4 người con đều đi theo cách mạng, khi nghe tin Bác mất, mẹ lập ở nhà một bàn thờ đơn sơ, rồi lấy tờ giấy bạc có in hình của Bác, tờ giấy bạc mà bấy lâu nay mẹ trân trọng cẩn thận cất giữ, dán lên trên tờ giấy trắng đặt giữa bàn thờ. Mẹ đốt nhang lạy Bác, mẹ cầu nguyện như một lời thề: “Dù có phải hy sinh hay vô tù khám, con vẫn một lòng trung thành với Đảng, với Bác Hồ”.
Mẹ kể: “Hơn 40 năm qua, tôi luôn bên cạnh Bác, những lúc khó khăn có Bác, trong lòng vơi đi nhọc nhằn, gian khổ, lúc hiểm nguy mà sáng suốt thêm…”.
Những người công nhân cao su Bình Sơn (huyện Long Thành) tổ chức lễ truy điệu Bác trước sự ngăn cản của kẻ thù.
Để thờ cúng, tưởng nhớ đến Bác mà qua được mắt địch, các bô lão ở Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) đã chọn và rút từ kinh thi ba câu, trân trọng khắc lên ba bức hoành phi sơn son thếp vàng với nội dung: Hồ nhiên nhi nhiên/Chí vọng thâm ân/Minh hoài hậu đức. Ba bức hoành phi này được đem treo trong đình Phú Mỹ. Đặc biệt, các chữ đầu của ba bức hoành phi ghép lại thành Hồ Chí Minh. Người dân địa phương đến đình thắp nhang, thầm đọc ba câu kinh thi, thầm gọi tên Bác.
Sau ngày đất nước thống nhất, mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Bác và ngày mất của Bác, Đảng bộ và quân dân Đồng Nai tưởng nhớ về Bác bằng những việc làm thiết thực, qua đó ra sức rèn luyện, phấn đấu, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác. Tư tưởng, tấm gương của Bác mãi là ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ người dân Đồng Nai tiến bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa...
Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh cho biết, cùng với Đảng bộ và quân dân Đồng Nai, cán bộ ngành tuyên giáo Đồng Nai đang cùng cùng chung tay xây dựng tỉnh Đồng Nai ngày càng giàu đẹp, văn minh; không ngừng phấn đấu học tập chuyên môn, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân, nâng cao bản lĩnh chính trị, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.