Bàn về ngữ nghĩa của chữ 'tưởng'

Tưởng của Bá Kiến là ngỡ về một điều gì đó nhưng thật ra không phải; còn tưởng của Thúy Kiều lại là nhớ.

Bóc phốt... phớt tỉnh ăng-lê

Nè, nói thiệt với cô Hai, đã đàn ông đàn ang, đã “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”, đã “đường đường một đấng anh hào” khi phát hiện ra chuyện này lại thở thở than than thế này xem ra nó hèn hèn thế nào ấy:

Anh tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài

Ngờ đâu giếng cạn tiếc hoài sợi dây.

Há chẳng từng nghe câu nói trứ danh “Yêu là không bao giờ phải nói lời hối tiếc” trong tác phẩm Love Story, đấy sao? Há chẳng nghe ông Xuân Diệu từng bảo: Tình cho đi không lấy lại bao giờ, đấy sao?

Yêu là yêu. Không so đo. Không tính toán. Dù sau đó có cạn sạch vốn, sạch túi, hết sạch sành sanh nhưng vẫn hiên ngang cỡ như “trông chết cười ngạo nghễ”, oanh liệt thay, đáng thương thay nhưng cũng đáng mặt “dân chơi” thứ thiệt, có thể ngửa mặt lên cao xanh khí khái ngâm câu thơ của Thế Lữ: Tôi chỉ là một khách tình si/Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể. Nhẹ nhàng vậy thôi.

Cái sự tiếc “sợi dây dài” của anh chàng kia sức mấy có thể sánh với tâm thế trào lộng của anh chàng này:

Tưởng giếng sâu qua nối sợi dây cụt

Ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây

Qua tới đây mà không cưới được cô Hai mầy

Qua chèo ghe ra biển... đợi nước đầy qua lại chèo vô.

Cô Hai thấy sao, nghĩ gì mà lại cười thế kia? Cô đang nghĩ về chuyện chữ nghĩa chăng? Nếu thế, tôi đây xin hầu chuyện nhá. Rằng, gần đây có dăm câu nói quen thuộc như Đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về; hoặc Đừng thấy đỏ mà tưởng chín. Trong ngữ cảnh này, tưởng ngỡ có thể hoán đổi cho nhau. Đôi khi thấy/đọc rõ ràng có từ tưởng nhưng chắc gì nó hàm nghĩa là ngỡ.

Thí dụ, lúc sau chót, Chí Phèo say xỉn bét nhè vác xác đến nhà Bá Kiến giở thói lè nhè, nếu chật hẹp bụng dạ, hắn rạch mặt ăn vạ thêm phiền, cụ bèn ném bẹt năm hào xuống đất để hắn nhặt lấy mà cút xéo cho nhanh, vì những tưởng hắn đến vòi tiền uống rượu.

Lúc Thúy Kiều chơi xuân, nhìn thấy mả Đạm Tiên, thốt lên: Nỗi niềm tưởng đến mà đau/Thấy người nằm đó biết sau thế nào? Rõ ràng trong hoàn cảnh cụ thể này, cả hai cùng tưởng nhưng ngữ nghĩa lại khác nhau. Tưởng của Bá Kiến là ngỡ về một điều gì đó nhưng thật ra không phải; còn tưởng của Kiều lại là nhớ.

Này cô Hai, lại có chuyện này, trước một chuyện gì đó chưa xảy ra nhưng có người tưởng ngon, quả quyết một cách chắc nụi là kết quả ắt thế, sẽ phải như thế, do đó mới có quyết định ngay tắp lự nhưng rồi cuối cùng lại diễn ra trật lất. Tưởng ở mức độ chắc cú này mà bị trật cùi chìa, người ta gọi tưởng bở.

Chẳng hạn, ai đó đã làm một việc không lượng sức mình, không nắm rõ vấn đề một cách cụ thể chắc chắn, chỉ mới tưởng mà lại tưởng dễ/dễ dàng để rồi dẫn đến thất bại, có người mỉa mai: “Thấm đòn chưa? Đừng có tưởng bở”. Bở là hay rã, không bền, không dai, không rắn, xốp, dễ đứt, dễ rách, dễ bục, dễ rã, dễ bể... tùy ngữ cảnh mà chọn cách nói phù hợp.

Do từ bở rành rành ra đấy, mới có cách nói liên tưởng Ăn dưa bở, ngụ ý hình thức bề ngoài trông bắt mắt quá, cứ tưởng “ngon lành cành đào” nào ngờ khi bập vào thì lại trái ngược hoàn toàn, cũng tỷ như thấy ai đó bảnh tỏn, “lá ngọc cành vàng” nhưng lúc “bóc phốt” thì chỉ trơ ra cái cùi bắp.

Vâng, tưởng dù hàm nghĩa như ngỡ nhưng có trường hợp người ta chỉ nói, thí dụ: “Việc đó, thiết tưởng thực hiện nhanh thôi”, chứ không ai nói thiết ngỡ. Đơn giản, vì thiết tưởng chính là thiết nghĩ, là cách nói không quả quyết, chỉ mới dự đoán. Do đó, nếu không nói thiết nghĩ thay thế bằng trộm nghĩ cũng đặng. Trộm nghĩ do tưởng/ngỡ nên nhiều lúc dẫn đến trật lất, không chính xác.

Trong đời, ai lại chưa từng gặp trường hợp chó chết như những tay kia, mình tưởng con ông cháu cha, xem tiền như rác, tiêu xài cỡ “công tử Bạc Liêu” nhưng thật ra khi gặp chuyện mới biết chỉ là hạng ất cơ ma cà bông, trăm voi không được bát nước xáo, keo cú như vợ chồng “nghị Quế” - đếm đi đếm lại từng miếng thịt ăn thừa lúc bảo cái Tí đem cất vào chạn, ngay cả kiết xác như chị Dậu cũng lắc đầu ngán ngẩm.

Ấy thế mà lâu nay chúng vẫn khoe mẽ đặng lòe tiền, lừa tình khối người tin sái cổ. Nghĩ thế, cáu quá, phải vạch mặt chúng ra, nói cách khác là phải bóc phốt cho bõ ghét.

Lê Minh Quốc/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/ban-ve-ngu-nghia-cua-chu-tuong-post1493584.html