Bàn về phẩm chất từ bi, trí tuệ của Bồ tát trong Kinh Thập Địa
Trí tuệ và từ bi, cái ý niệm siêu việt và tình yêu trùm khắp đối với tất cả các loại chúng sinh, hữu tình cũng như vô tình. Trí tuệ nhìn thấy vào cái nhất tính của các sự vật và từ bi thể hội cái tự tính của chúng. Vị Bồ tát khóc cùng chúng sinh đau khổ.
Trí tuệ và từ bi, cái ý niệm siêu việt và tình yêu trùm khắp đối với tất cả các loại chúng sinh, hữu tình cũng như vô tình. Trí tuệ nhìn thấy vào cái nhất tính của các sự vật và từ bi thể hội cái tự tính của chúng. Vị Bồ tát khóc cùng chúng sinh đau khổ.
Tác giả: Thích Nữ Hạnh Thành
Học viên Cao học khóa V – Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024
Lời dẫn:
Quá trình tu tập của hàng Bồ tát trong kinh Hoa nghiêm là một lộ trình trải qua nhiều giai đoạn với những trình độ khác nhau ngang qua việc chư Bồ tát phải trải qua tuần tự tu tập từ thập tín, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, diệu giác, đẳng giác gồm có 52 giai vị khác nhau sau đó mới thành tựu viên mãn quả vị Phật.
Trong đó, mười giai vị của Bồ tát thập địa là giai đoạn cuối cùng Bồ tát cần thực hành để tiến đến quả vị Phật. Chính vì vậy, ở giai đoạn này được xem là giai đoạn cần phải thành tựu viên mãn cả hai đức tính từ bi lẫn trí tuệ của một vị Bồ tát. Từ bi và trí tuệ ví như nguồn sáng vô tận luôn soi rọi đến tất cả chúng sinh đang chịu khổ đau trong không gian vô biên và thế giới vô tận.
Nơi nào còn chúng sinh chịu khổ đau trôi lăn trong sinh tử, nơi đó các vị Bồ tát liền xuất hiện dùng đôi cánh từ bi cùng trí tuệ vi diệu ấy sẵn sàng dang rộng che chở cho vô vàn chúng sinh và nâng cánh đưa họ đến nơi an toàn rời khỏi mọi khổ đau.
Từ khóa: Kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát, viên mãn, quả vị Phật, …
Liên quan đến hai đức tính cao quý ấy, Nhập Trung Quán Luận Thuật Ký đề cập như sau: “Lại nữa, chư Bồ tát lấy gì làm nhân? Luận nói tâm đại bi và trí bất nhị, bồ đề tâm là nhân của phật tử.” [1]
Từ luận điểm đó đã xác quyết muốn thành tựu con đường lý tưởng độ sinh một cách trọn vẹn vị Bồ tát ngoài Bồ đề tâm kiên cố khởi xuất từ lúc phát nguyện thực hành con đường Bồ tát đạo ấy là điều kiện cần, Bồ tát nhất thiết phải hoàn thiện được hai phẩm chất đại bi cùng đại trí ấy là điều kiện đủ.
Chỉ khi nào Bồ tát cùng một lúc đạt được điều kiện cần và điều kiện đủ thì tiến trình thành Phật mới xem như được hoàn thành. Hơn nữa, để nhấn mạnh giá trị lớn lao của hai phẩm chất này đối với Phật giáo Đại thừa, D.T. Suzuki khẳng định:
Đại thừa đứng vững trên hai chân, trí tuệ và từ bi, cái ý niệm siêu việt và tình yêu trùm khắp đối với tất cả các loại chúng sinh, hữu tình cũng như vô tình. Trí tuệ nhìn thấy vào cái nhất tính của các sự vật và từ bi thể hội cái tự tính của chúng. Vị Bồ tát khóc cùng chúng sinh đau khổ. [2]
Trong kinh Thập địa nói rõ các công hạnh của Bồ tát thực hiện đều xuất phát từ đại bi tâm[3]. Điều đó đồng nghĩa với “một trái tim đại từ bi (maha-kurunà) luôn luôn là một động lực mạnh mẽ nhất xuyên suốt sự phát triển tâm linh của ngài, ngài có thể không đạt đến một cấp độ cao hơn nếu trái tim của ngài không vượt khỏi cái nhị biên và cách hành xử của ngài để lại dấu vết của phân biệt (vikalpa).” [4].
Tâm đại bi của Bồ tát vốn không phải là lòng thương đơn thuần như các mối quan hệ trong xã hội mà một số người từng ngộ nhận, thực chất tâm đại bi của vị Bồ tát là cả một tấm lòng quảng đại, có thể dung chứa hằng hà sa chúng sinh mà không có ngằn mé tựa như hư không vậy. Vì thương chúng sinh đang sống thiếu thốn, khổ cực Bồ tát hành hạnh bố thí và đỉnh điểm là thí cả thân mạng của mình cho chúng sinh.
Hoặc có lúc Bồ tát thực hành trì giới ba-la-mật để nhiếp phục chúng sinh phá giới. Cũng có khi Bồ tát hành nhẫn nhục để nhiếp hóa hội chúng hay sân si, đố kị. Hay như những bậc tu tập thiền định để nhiếp độ những người có tâm phóng túng…
Tất cả những công hạnh, những việc làm của Bồ-tát đều dựa trên nền tảng vững chắc của tâm đại bi vốn thanh tịnh và không nhiễm ô bởi bản chất của cái thiện luôn tràn đầy trong nó. Bồ tát xem đau khổ của chúng sinh như chính khổ đau của mình, từ đó họ không mong cầu giải thoát cho cá nhân, chấp nhận vận chuyển bánh xe pháp hóa độ chúng sinh[5] như đức Bổn Sư Thích Ca đã từng làm sau khi chứng ngộ quả vị tối hậu.
Có thể khẳng định, từ bi là tâm hạnh làm nền tảng căn bản cho mọi Bồ tát, nếu người tu hạnh Bồ tát không có tâm từ bi không thể gọi là một vị Bồ tát. Sở dĩ thấy được vai trò từ bi lớn lao như vậy cho nên Suzuki từng phát biểu rằng: “Nếu không có Karuna (từ bi), chúng ta giống như một cây nho chết khô trên một phiến đá lạnh, hay giống như một đống tro tàn lạnh lẽo sau khi ngọn lửa đã tắt.”[6]
Tuy nhiên, tâm từ bi của Bồ tát rộng lớn là nhờ vào việc không ngừng tinh tấn tu tập trí tuệ. Trí tuệ của Phật giáo không phải là loại trí tuệ đơn tuần của thế gian, nó vượt khỏi các tri thức thông thường cập nhật từ sách vở mà người đời có được.
Sự thành tựu trí tuệ vô thượng là cả một quá trình nỗ lực tu tập của Bồ tát đã tích lũy trong nhiều đời nhiều kiếp; hay nói rõ hơn, để thành tựu trí tuệ Vô thượng Bồ đề trước tiên Bồ tát phải hoàn thành quá trình tu tập chứng đắc từ sơ địa lên đến thập địa, có thể diễn bày rộng hơn bằng một quá trình trải dài qua 52 giai vị trong kinh Hoa nghiêm.
Trong kinh Thập địa, Bồ tát Pháp vân địa đã chứng trí tuệ lý tưởng cao nhất của hàng Bồ tát là nhất thiết trí[7]. Dù vị ấy chứng nhất thiết trí nhưng dường như trí tuệ ấy vẫn chưa thể nào bằng đức Phật, bởi lẽ vị ấy mới chỉ là hàng Bồ tát thọ chức chưa thể sánh ngang bậc tối tôn. Tuy vậy, trí tuệ vị ấy vẫn là bậc cao nhất trong hàng Bồ tát nên có những điểm rất đặc biệt khiến tất cả Bồ tát đang còn trong quá trình tu tập tầm cầu hướng đến.
Trí tuệ này đã biến thân của Bồ tát trở thành pháp thân, không trụ vào bất cứ đâu ví như mây trôi khắp nơi che chở cho chúng sinh, rồi cũng chính mây ấy ngưng tụ thành mưa tưới mát nhân sinh, khi chúng sinh cần Bồ tát liền xuất hiện trong tâm thế ung dung đến an nhiên đi tự tại sau khi hoàn thành hạnh nguyện.
Khi đạt được trí tuệ siêu việt này, Bồ tát sử dụng các pháp ba-la-mật được xem như phương tiện thiện xảo để đưa chúng sinh đi đến Niết bàn. Bồ tát thực hành bố thí Ba-la-mật, thời vị ấy bố thí tất cả những thứ tài vật không kể sang hèn thuộc về mình và thậm chí đến thân mạng của mình miễn đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Tinh thần bố thí này thật tương đồng giáo nghĩa bố thí vô trụ chấp của kinh Kim cang: “Bồ tát đối với các pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ nơi sắc thanh hương vị xúc pháp để bố thí. Này Tu Bồ Đề, Bồ tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng.”[8]
Hình minh họa – Ảnh: St
Ở đây, không trụ tướng không hàm nghĩa không sử dụng tướng, Bồ tát vẫn dùng tướng độ sinh nhưng vị ấy xa lìa chấp thủ tứ tướng “ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng”[9]. Điều đó có nghĩa Bồ tát thực hành bố thí nhưng không thấy cái gì gọi là người bố thí, người nhận và vật được bố thí. Tương tự như vậy, với các Ba-la-mật còn lại hàng Bồ tát luôn thực hành rốt ráo hạnh Bồ tát bằng tâm vô trụ, vô chấp, vô ngã luôn đặt mục đích làm lợi ích chúng sinh lên hàng đầu thì các vị ấy càng độ vô số chúng sinh.
Đây được xem tư tưởng triết học chân không nhưng diệu hữu siêu việt mà hàng Bồ tát thập địa đã chứng đắc. Thân các ngài bấy giờ là pháp thân, được tạo nên bởi sự kết tinh viên mãn giữa từ bi và trí tuệ phát tán cùng khắp trong hư không pháp giới cho nên có vô số Bồ tát xuất hiện với nhiều hình tướng khác nhau để hóa độ và làm lợi ích cho chúng sinh.
Tư tưởng pháp thân này thực sự đã gợi mở cho chúng ta một suy nghĩ thoáng hơn rằng chúng ta có thể tồn tại trong pháp thân đó, nói khác đi chúng ta có thể là Bồ tát[10] nếu như mọi việc làm cho chúng sinh đều xuất phát lòng từ bi vô biên cùng trí tuệ vô ngã và trên hết luôn đặt lợi ích chúng sinh làm đầu như bản hoài chư Phật và Bồ tát đã từng kinh qua.
Tóm lại, từ bi, trí tuệ không những là đôi cánh có khả năng cứu độ tha nhân, mà còn là chiếc áo giáp bảo vệ hành giả tu Bồ tát đạo vượt qua muôn trùng khó khăn nghịch cảnh, làm được những việc khó làm cho chúng sinh, cho đạo pháp, xã hội và đất nước. Cho nên, một mẫu hình Bồ tát lý tưởng với sự tròn đầy hai đức từ bi và trí huệ như vậy, quả thật là vạch đích cho những hành giả đang đi trên con đường Bồ tát đạo luôn hằng ngày nỗ lực tu tập không ngừng ngõ hầu hướng đến.
Tác giả: Thích Nữ Hạnh Thành
Học viên Cao học khóa V – Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024
PDF PRINT
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tu-bi-tri-tue-bo-tat-kinh-thap-dia.html