Bàn về phân cấp, phân quyền: Bài 1: Rạch ròi trách nhiệm, tránh đùn đẩy, làm thay
Khi yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức lãnh đạo được đặt ra cấp bách, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nguyên tắc cốt lõi: bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý… Để thực hiện đúng vai trò lãnh đạo bằng chủ trương, định hướng lớn, đã đến lúc sửa Điều lệ Đảng - tách bạch phần 'nội bộ' và phần có tính ràng buộc trong toàn hệ thống chính trị.
Phân cấp, phân quyền - một vấn đề luôn được quan tâm, nhắc đến trong hoạt động của hệ thống chính trị. Phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch sẽ giúp cho mỗi cấp, mỗi ngành thực hiện đúng chức trách của mình, tránh được tình trạng lấn sân, đùn đẩy, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Dễ dẫn đến tùy tiện, làm thay
Trong hệ thống chính trị của nước ta có 3 chủ thể lớn: Đảng - Nhà nước - Nhân dân (do Mặt trận Tổ quốc là đại diện). Sự phân định mang tính khái quát là: Đảng giữ vai trò lãnh đạo - Nhà nước với vai trò quản lý - Nhân dân thực hiện quyền làm chủ. Trên thực tế, tình trạng lấn sân, bao biện, làm thay (của cấp ủy); tình trạng buông lỏng quản lý, đùn đẩy trách nhiệm (của chính quyền); việc thiếu dân chủ, dân chủ còn hình thức, người dân chưa thực sự được làm chủ (trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc), vẫn còn diễn ra ở cấp này, cấp kia không phải là chuyện hiếm.
Trong chuyên đề về kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô lâm đã chỉ rõ: mô hình tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn những bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý khó phân định, dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Ảnh: Trần Hải
Nguyên nhân cụ thể, sâu xa hơn ở đây, là vấn đề liên quan đến Điều lệ của Đảng. Chúng ta hiểu rằng, điều lệ của mỗi tổ chức có giá trị điều chỉnh hoạt động trong tổ chức đó, nhưng, đối với Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ có giá trị trong tổ chức đảng và đảng viên, mà còn có giá trị trong phạm vi toàn xã hội, bởi Đảng là tổ chức lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vậy thì, Điều lệ Đảng cần phải có những quy định mang tính nội bộ và cả những chế định mang tính pháp lý liên quan đến mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước - Mặt trận Tổ quốc.
Chúng ta cùng xem quy định về vấn đề này trong Điều lệ Đảng: Tại Điều 41: (1) Đảng lãnh đạo Nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. (2). Đảng giới thiệu cán bộ đủ tiêu chuẩn để ứng cử hoặc bổ nhiệm vào cơ quan nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội. (3) Tổ chức đảng và đảng viên công tác trong cơ quan nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, chỉ thị của Đảng; tổ chức đảng lãnh đạo việc cụ thể hóa thành các văn bản luật pháp của Nhà nước, chủ trương của đoàn thể; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả.
Tại văn bản Quy định thi hành điều lệ Đảng (Số 232-QĐ/TƯ, ngày 20/01/2025), Điều 9: Một số quy định về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ - Về quy chế làm việc của cấp ủy có hai nội dung cần lưu tâm: (i) Đảng lãnh đạo Nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. (ii) Tổ chức đảng và đảng viên công tác trong cơ quan nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, chỉ thị của Đảng; tổ chức đảng lãnh đạo việc cụ thể hóa thành các văn bản luật pháp của Nhà nước, chủ trương của đoàn thể.
Quy định là thế, nhưng trên thực tế cấp ủy đảng ở một số cấp, một số nơi không chỉ lãnh đạo bằng chủ trương, định hướng, mà còn quyết định tất thảy mọi thứ (thể hiện sự bao biện, làm thay). Như vậy, mọi tổ chức đảng, đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Khi đó, cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể còn gì để bàn, còn gì để thể chế, nếu có bàn khác ý kiến cấp ủy đã quyết thì lại vi phạm quy định Điều lệ (là không chấp hành nghị quyết). Trình trạng này không phải hiếm xảy ra ở cấp ủy các cấp.
Trở lại nội dung của Quy định thi hành Điều lệ Đảng, tại Điều 9 về quy chế làm việc của cấp ủy. Việc mỗi cấp ủy tự xây dựng quy chế của mình (dựa vào quy chế mẫu của cấp ủy cấp trên) dễ dẫn đến sự tùy tiện, dẫn đến tình trạng như phân tích ở trên.
Lãnh đạo bằng chủ trương, định hướng lớn
Trong chuyên đề về kỷ nguyên mới, với bảy định hướng lớn Tổng Bí thư đã yêu cầu (trong định hướng thứ nhất): “...Bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức…”.
Từ đó, xin đề xuất, cần sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng theo hướng, trong điều lệ Đảng nên tách riêng thành 2 phần. Trong đó, một phần về những quy định mang tính “nội bộ”, tức là những quy định đối với tổ chức đảng và đảng viên; một phần quy định cụ thể, chi tiết hơn có tính nguyên tắc để các quy chế làm việc của cấp ủy các cấp phải chấp hành, tuân theo đúng vai trò lãnh đạo của đảng là lãnh đạo bằng chủ trương, định hướng lớn. Nghị quyết của cấp ủy (Ban Thường vụ, Ban Chấp hành) chỉ giới hạn ở chủ trương, định hướng lớn, còn các vấn đề cụ thể do các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị có trách nhiệm thể chế hóa và thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trong điều kiện hiện nay, việc tổ chức lại các tổ chức đảng trong các khối cơ quan ở mỗi cấp cũng là điều kiện thuận lợi để quản lý, thể chế chủ trương, định hướng của cấp ủy, bảo đảm sự lãnh đạo của đảng thông qua vai trò của cấp ủy Đảng ở các khối cơ quan trong cùng một cấp hành chính. Như Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “...Bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức.
Đồng thời, cũng cần có “cơ chế mở”, được quy định trong Điều lệ Đảng, khi chính quyền bàn và thể chế hóa chủ trương của cấp ủy, nếu có vấn đề cần điều chỉnh (nói cách khác là cần xem lại chủ trương, định hướng của cấp ủy) thì có quyền phản hồi (kiến nghị) lại với cấp ủy để xem xét, điều chỉnh. Có như vậy mới thực sự bảo đảm sự tập trung dân chủ ở cả hai chiều.