Bàn về tha lực
Đức Phật dạy: 'Hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác'1. Ngài cũng nhấn mạnh rằng con người là chủ nhân của nghiệp, là thai tạng của nghiệp. Nếu một người tạo những nghiệp xấu ác sẽ sinh về cảnh giới khổ não, ngược lại, nếu hành nghiệp lành sẽ sinh vào cõi an vui.
Như vậy, cầu nguyện chư Phật, chư Bồ-tát gia hộ phải chăng chỉ là liều thuốc an thần, để xoa dịu sự lo âu sợ hãi của chúng sinh! Tha lực trong Phật giáo là một khái niệm dễ bị hiểu lầm. Bởi vì nếu hiểu theo thông thường thì sẽ trái ngược với giáo lý nhân quả, nghiệp báo.
Tha lực không phải là sự ban phước của thần linh
Khái niệm tha lực được đề cập khá sớm trong kinh Na Tiên Tỳ-kheo (có tên Mi Tiên vấn đáp, một kinh văn hậu tác, hình thành sau Phật Niết-bàn, được nhập tạng). Trong những cuộc vấn đáp giữa vua Di-lan-đà và Tỳ-kheo Na Tiên, có lần vua hỏi như sau:
- Sa-môn các ngài dạy rằng: Người ta dù làm đủ các điều ác, cho đến khi trăm tuổi, lúc sắp chết quay lại niệm Phật. Như vậy sau khi chết liền được sinh lên cõi trời. Trẫm không tin điều ấy. Lại còn nói rằng: Chỉ cần giết hại một sinh mạng, khi chết phải đọa vào địa ngục. Trẫm lại càng không thể tin được!
Na Tiên mượn hình ảnh một hòn đá thả vào nước sẽ chìm nhưng cả trăm hòn đá to đặt lên thuyền thì cả thuyền và đá đều không chìm xuống nước. Na Tiên nói:
- Hàng trăm hòn đá to nhờ có chiếc thuyền nên không bị chìm. Người ta cũng vậy, tuy có làm các điều ác, nhưng nhờ biết hồi tâm niệm Phật, nên không bị đọa vào địa ngục. Sau khi chết được sinh lên cõi trời. Chỉ một hòn đá nhỏ rơi xuống nước tất phải chìm, cũng như người làm việc ác nhưng không được học biết kinh Phật. Sau khi chết nhất định phải đọa vào địa ngục2.
Tha lực là năng lực từ bên ngoài, chủ yếu dùng để chỉ năng lực từ bi cứu độ của chư Phật, Bồ-tát. Khái niệm này thường thấy trong tư tưởng của Phật giáo Đại thừa, thể hiện rõ ở tinh thần Bồ-tát hạnh. Tuy nhiên, nhiều kinh điển Đại thừa thường mô tả vị Bồ-tát với đầy đủ thần lực để cứu độ chúng sinh đang khổ nạn, điều này góp phần biến tinh thần phụng sự của Đại thừa trở thành nơi nương tựa cho tín đồ, hình thành tín ngưỡng tôn giáo. Chủ trương của Phật giáo Đại thừa là dùng trí tuệ để hướng dẫn chúng sinh dứt trừ phiền não, theo thời gian một bộ phận tín đồ chỉ nương theo Phật, Bồ-tát để cầu nguyện, mong được ban ơn. Mỗi khi hoạn nạn, họ đều đến chùa cầu cúng và phó thác đời mình cho Phật và chư vị Bồ-tát, thái độ và ứng xử này không phù hợp với tinh thần tự lực của Phật giáo.
Nói thế không phải phủ nhận sự tha lực. Đức Phật xuất hiện giữa thế gian này chỉ duy nhất một mục đích là hướng dẫn chúng sinh đến bến bờ giải thoát. Tất cả các pháp môn tu tập đều là phương tiện để giải thoát phiền não khổ đau. Nếu không vì mục đích giải thoát thì dù thực hành pháp môn gì đều không phải chánh đạo. Do đó, tha lực ở đây chính là sự tác động của chư Phật, Bồ-tát giúp chúng sinh thoát khổ phiền não chứ không phải để đáp ứng những tham vọng của chúng sinh.
Tha lực từ Đức Phật
Tuy khái niệm tha lực xuất hiện về sau, nhưng những câu chuyện về tha lực lại thấy rõ ràng ngay trong thời Phật tại thế. Dễ dàng thấy yếu tố tha lực qua câu chuyện Đức Phật hóa độ tướng cướp Aṅgulimāla3.
Aṅgulimāla vốn là một thanh niên thông minh, hiền lành nhưng vì lầm tin người thầy của mình nên tìm cách sát hại 1.000 người để được giải thoát. Đối tượng cuối cùng của tên cướp chính là mẹ của mình. Sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn nhập định, biết nhân duyên đã đến, Ngài liền đi vào rừng để hóa độ. Ngay khi nhìn thấy hình dáng vị Sa-môn, Aṅgulimāla liền thay đổi mục tiêu, cầm gươm đuổi theo Ðức Phật. Aṅgulimāla đã cố chạy đuổi theo hết sức lực mà vẫn không thể nào bắt kịp được vị Sa-môn đang từng bước khoan thai trên con đường vắng vẻ trước mặt. Kiệt sức, hắn lên tiếng gọi Đức Phật dừng lại.
Đức Phật nhẹ nhàng đáp:
- Ta đã đứng lại rồi, này Aṅgulimāla! Và ngươi hãy đứng lại!
Aṅgulimāla liền hỏi Ðức Phật rằng:
- Rõ ràng ông đang đi mà lại nói: Như Lai đã dừng lại lâu rồi! Còn tôi thì đã dừng chân rồi nhưng ông lại nói “Ngươi hãy đứng lại”, nghĩa là sao?
- Này Aṅgulimāla, thật vậy, Như Lai đã dừng lại lâu rồi. Nghĩa là Như Lai đã từ bỏ sự sát hại tất cả chúng sinh từ lâu rồi; còn ông chưa từ bỏ sự sát hại. Vì vậy, Như Lai mới nói: “Chính ông mới là người chưa chịu dừng lại”.
Aṅgulimāla vừa nghe xong liền tỉnh thức, ném gươm xuống hố sâu bên sườn núi, và bạch rằng:
- Kính bạch Ðức Thế Tôn, Ngài là bậc xứng đáng lễ bái cúng dường của chư thiên, Phạm thiên và nhân loại, với tấm lòng đại bi, Ngài đến khu rừng này để tế độ cho con thoát khỏi si mê lầm lạc, giúp cho con có được trí tuệ sáng suốt, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho con. Mong Ngài minh chứng sự thành tâm sám hối tội lỗi này và nhận con làm đệ tử.
Nếu không có sự xuất hiện của Thế Tôn, Aṅgulimāla sẽ tiếp tục tạo ác nghiệp, thậm chí phạm vào đại trọng tội là sát hại mẹ của mình. Thế nhưng với bài pháp ngắn, Đức Phật đã đưa Aṅgulimāla về với Chánh pháp. Tất nhiên, những nghiệp xấu đã tạo ra đó, Aṅgulimāla vẫn phải chịu quả báo tương ứng. Sự xuất hiện của Thế Tôn là một nhân duyên tốt, còn sự giải thoát của Aṅgulimāla là chính nơi tu tập của bản thân. Nếu trong lúc gặp gỡ, Aṅgulimāla không thay đổi nhận thức thì Đức Phật không thể giúp gì hơn. Cho nên Đức Phật dẫu biết tất cả căn tánh và những việc lâu xa cùng tột ức kiếp của chúng sinh nhưng Ngài không thể hóa độ chúng sinh không có duyên với Ngài4.
Pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh không phải là cầu xin sự cứu rỗi của Phật A Di Đà. Người niệm Phật thực chất đang tạo dựng mối duyên lành với Ngài, từ đó hỗ trợ cho con đường tu tập của chính mình. Lòng từ bi của Đức Phật là vô biên, Ngài không bỏ mặc bất kỳ chúng sinh nào trong vòng luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, mỗi chúng sinh cần nỗ lực tu tập để cảm nhận và hòa mình vào năng lượng từ bi đó.
Hiểu theo cách như vậy thì có vô số người nhận tha lực từ Đức Phật và các vị Thánh đệ tử, nhưng đó là những người đủ duyên lành sinh ra trong thời Phật hoặc gần với Phật. Còn với chúng ta, cách xa thời đại của Phật thì có nương nhờ tha lực được không?
Theo Paul Williams, khi người tu hành đạt được niềm tin vững chắc, luôn giữ chánh niệm và tỉnh giác, trí tuệ và công đức cũng nhờ đó mà phát triển. Lúc này, họ cảm nhận sâu sắc sự hiện diện sống động của Đức Phật, như Ngài đang trực tiếp dẫn dắt trên con đường tu tập, đồng thời hình ảnh tôn thờ của Ngài cũng trở nên vô cùng chân thực. Với nhận thức sâu sắc này, bất cứ khi nào tâm khởi lên những vọng niệm, hành giả đều cảm thấy hổ thẹn, như thể đang đối diện trực tiếp với Đức Phật. Thậm chí, ngay cả khi trở lại với cuộc sống thường nhật, rời khỏi trạng thái tu tập tâm linh, sự an lạc vẫn tiếp tục lan tỏa và duy trì trong đời sống của họ5. Như vậy, dù chúng ta không có cơ duyên được Đức Thế Tôn trực tiếp giáo hóa, nhưng nhờ vào niềm tin kiên cố và sự thực hành chân chính giáo pháp của Ngài, đặc biệt là các pháp quán tưởng và niệm Phật, chúng ta vẫn có thể tiếp nhận được nguồn tha lực từ Đức Phật.
Cũng vậy, pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh không phải là cầu xin sự cứu rỗi của Phật A Di Đà. Người niệm Phật thực chất đang tạo dựng mối duyên lành với Ngài, từ đó hỗ trợ cho con đường tu tập của chính mình. Lòng từ bi của Đức Phật là vô biên, Ngài không bỏ mặc bất kỳ chúng sinh nào trong vòng luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, mỗi chúng sinh cần nỗ lực tu tập để cảm nhận và hòa mình vào năng lượng từ bi đó. Nên trong kinh nói: “Không thể lấy ít căn lành phước đức nhơn duyên mà được sinh sang nước đó”6.
Thiện Đạo, vị Tổ sư của Tịnh Độ tông được tôn kính như hóa thân của Phật A Di Đà tại Nhật Bản, cho rằng: Bên cạnh năm pháp môn chính yếu dẫn đến vãng sinh Cực lạc (niệm Phật, tụng kinh, quán tưởng Phật, tôn thờ tượng Phật và tán thán Phật) cần kết hợp thực hành các pháp môn phụ trợ như lễ bái, sám hối và làm thiện…. Việc chỉ niệm Phật mà thiếu đi lễ bái và sám hối giống như việc đi trên con đường sỏi đá gập ghềnh. Ngược lại, nếu thực hành đầy đủ, con đường tu tập sẽ trở nên bằng phẳng và thuận lợi hơn7. Ba tư lương quan trọng của người thực hành pháp môn Tịnh Độ là Tín - Nguyện - Hạnh, nếu Tín là tin vào tha lực của Đức Phật thì Nguyện và Hạnh chính là sự nỗ lực, tu tập tinh chuyên của tự thân. Cho nên trong Phật giáo, tha lực và tự lực không mâu thuẫn nhau, ngược lại còn hỗ tương nhau trong tu tập.
***
Nhiều người hiểu lầm rằng tha lực trong đạo Phật là dựa dẫm, trái ngược với việc tự mình cố gắng. Nhưng không phải vậy! Tha lực trong Phật giáo Đại thừa không phải là liều thuốc an thần hay ảo tưởng xoa dịu khổ đau. Trái lại, nó là sức mạnh hỗ trợ, khơi dậy tiềm năng tự lực bên trong mỗi người, giúp chúng ta thăng tiến trên con đường tâm linh.
------------------------------
1 HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, 16. Kinh Đại bát Niết-bàn, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, trang 298.
2 Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến (Việt dịch và chú giải), Kinh Tỳ-kheo Na Tiên, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, trang 112-113.
3 HT.Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung bộ 2, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, trang 126. Xem thêm tác phẩm Ngàn xưa hương bối của Minh Đức Triều Tâm Ảnh, NXB Văn Học, 2015, trang 55.
4 Tam bất năng (Ba điều Đức Phật không làm được): Diệt định nghiệp của chúng sinh, hóa độ chúng sinh vô duyên, độ tận thế giới chúng sinh.
5 Paul Williams, Thích Thiện Chánh (dịch), Nền tảng Phật giáo Đại thừa, NXB Thuận Hóa, 2022, trang 369.
6 Trích Kinh A Di Đà: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sinh bỉ quốc”.
7 Kenneth Ch’en, Thích Thiện Chánh (dịch), Khảo sát lịch sử Phật giáo Trung Quốc, NXB Thuận Hóa, 2023, trang 451.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/ban-ve-tha-luc-post75539.html