Bàn về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam
Ngày 24/3, tại Hà Nội, Viện Nhân học Văn hóa và Công ty Schengen Apprentice HR & Consulting Co. Ltd đã phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học 'Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam', bàn về những vấn đề sơ khởi đầu tiên của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tín ngưỡng thờ Mẫu (hay còn thường được gọi là Đạo Mẫu), một tín ngưỡng dân gian Việt tiêu biểu nhất vẫn còn tồn tại và phát triển. Cho tới nay, Đạo Mẫu đã được nghiên cứu tương đối đa dạng trên nhiều phương diện, cách tiếp cận, rồi cả địa bàn nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn còn gợi ra rất nhiều chiều còn tồn nghi để cùng khám phá, suy ngẫm và minh giải.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa cho biết, thờ Mẫu là tín ngưỡng dân tộc đích thực. Đây là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời, từ thời nguyên thủy, thỏa mãn tâm lý của người dân cầu mong phồn thực, sự sinh sôi nảy nở.
"Trong cuộc sống bon chen xô bồ của xã hội, khoảnh khắc xuất thần của các cô đồng, họ như trở thành một con người khác, sống một cuộc sống khác, hoàn toàn khác với con người xương thịt mà mình đang sống, nó cũng chứa nhiều điều và áp lực. Nghệ thuật của Đạo Mẫu cũng rất lớn, đây là nghệ thuật tổng hợp kết hợp rất nhiều âm nhạc làm say đắm lòng người mang tính chất tâm linh để chúng ta bàn luận", PGS.TS Đỗ Lai Thúy nói thêm.
Tín ngưỡng thờ Mẫu có một nghi lễ điển hình nhất, đó chính là nghi lễ hầu đồng. Các nghiên cứu mang tính chất mô tả về hầu đồng như một hiện tượng thực hành tâm linh, đã có nhiều, song chưa tác giả nào đề cập đến lộ trình hình thành từ lúc khởi thủy đến khi trở thành nghi lễ lên đồng của người Việt (gắn liền với nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu).
Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu là chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa và tục thờ Mẫu qua nghi thức hầu đồng - chầu văn là một di sản văn hóa nghệ thuật độc đáo.
Để biết rõ hơn về giá trị của thờ Mẫu, ThS, Nhà Nghiên cứu văn hóa tâm linh Đàm Lan chia sẻ: “Tín ngưỡng thờ Mẫu là đỉnh cao trong nghệ thuật tín ngưỡng thờ Nữ thần và thờ Mẫu thần của người Việt. Nó thể hiện tâm tư, tình cảm, trí tuệ, đạo đức của người Việt Nam, phản ánh nhận thức của người Việt Nam về nhân sinh quan và thế giới quan.
Chức năng chính của thờ Mẫu là thờ mẹ biển (sinh nở, bao bọc, bào chữa, chăm nuôi, dưỡng dục). Không có một tín ngưỡng nào trên thế giới có những nghi lễ mang tính chất vòng đời của con người, hướng con người và niềm tin của con người vào cuộc sống nhân sinh như tín ngưỡng thờ Mẫu. Đặc sắc của nghệ thuật nghi lễ hầu đồng là nghệ thuật sân khấu tâm linh hóa, nên tôi rất mong muốn quảng bá nhiều hơn đến công chúng nghệ thuật đặc sắc”.
Bên cạnh đó, ở phương diện biểu đạt nghệ thuật, thì nghi lễ hầu đồng đã trở thành một hình thức diễn xướng khá hoàn chỉnh và đặc sắc, với ca vũ, trang phục, đạo cụ, các vai… Buổi tọa đàm khoa học đã giải đáp các vấn đề về trình diễn lên đồng đích thực, ý nghĩa trình diễn tâm linh.
Tại Tọa đàm, nhiều diễn giả cũng bày tỏ sự lo lắng trước hiện tượng biến tướng, lệch chuẩn của tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng hiện nay. Một số nhà khoa học và thanh đồng cho rằng có những hiện tượng biến tướng của hầu đồng như: bùng phát việc trình đồng, mở phủ, lợi dụng truyền phán, con nhang sắm lễ vật lớn, rải thật nhiều tiền để được nhận lộc; phẩm chất đạo đức của một số thầy đồng chưa tốt, hay lợi dụng lòng tin của nhiều người để trục lợi…
Chia sẻ bên lề Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Tín ngưỡng và Hiện tượng Tôn giáo mới, Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội đã đề cập về nội dung "Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016 mà những người thực hành tín ngưỡng nên biết".
Ông cho biết, dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, Ban Tôn giáo thành phố luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức có những buổi tọa đàm, thực hành tín ngưỡng phù hợp với thuần phong, mỹ tục truyền thống. Đồng thời, luôn lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất từ đó cùng chung tay với các nhà nghiên cứu, khoa học và cộng đồng người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ để đưa ra các giải pháp nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp đối với loại hình tín ngưỡng này.
Đã sống và làm việc hơn 20 năm tại Đức, Chủ tịch Công ty SA Dương Đức Minh chia sẻ, tuy những trải nghiệm về mặt tín ngưỡng chưa nhiều, lại tiếp thu nền văn hóa của nước bạn, nhưng trong ông luôn mong muốn được hiểu biết thêm về văn hóa để thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu trên đất nước bạn. "Trong dịp về nước lần này, tôi mong muốn được các nhà văn hóa Việt Nam giúp chia sẻ và hệ thống hóa những nét đẹp của tín ngưỡng truyền thống này của người Việt dưới góc nhìn khoa học để hiểu hơn, từ đó giới thiệu và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu ở Đức trong thời gian tới", ông Dương Đức Minh nói.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ban-ve-tin-nguong-tho-mau-o-viet-nam-221019.html