Bàn về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam để có cái nhìn khách quan nhất
Sáng nay 24/3, tại Hà Nội, Viện Nhân học Văn hóa tổ chức Tọa đàm khoa học Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam, bàn về những vấn đề sơ khởi đầu tiên của tín ngưỡng thờ Mẫu. (CLO) Sáng nay 24/3, tại Hà Nội, Viện Nhân học Văn hóa tổ chức Tọa đàm khoa học Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam, bàn về những vấn đề sơ khởi đầu tiên của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tín ngưỡng thờ Mẫu (hay còn thường được gọi là Đạo Mẫu), một tín ngưỡng dân gian Việt tiêu biểu nhất vẫn còn tồn tại và phát triển. Cho tới nay, Đạo Mẫu đã được nghiên cứu tương đối đa dạng trên nhiều phương diện, cách tiếp cận, rồi cả địa bàn nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn còn gợi ra rất nhiều chiều kích còn tồn nghi để cùng khám phá, suy ngẫm và minh giải.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa cho biết: "Nguồn gốc, tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng bản địa bắt nguồn từ xa xưa, mang âm tính (tôn thờ người phụ nữ, người mẹ), đồng thời nhận nhiều ảnh hưởng tới từ Saman giáo, Đạo giáo, rồi cho tới thời phong kiến một số Mẫu thần đã được lịch sử hóa trở thành đối tượng thờ cúng. Câu chuyện nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ dẫn dắt chúng ta về sâu kín hơn trong một thứ vô thức tập thể, liên quan đến nguồn cội dân tộc".
"Trong cuộc sống bon chen xô bồ của xã hội, khoảnh khắc xuất thần của các cô đồng, họ như trở thành một con người khác, sống một cuộc sống khác, hoàn toàn khác với con người xương thịt mà mình đang sống, nó cũng chứa nhiều điều và áp lực. Nghệ thuật của Đạo Mẫu cũng rất lớn, đây là nghệ thuật tổng hợp kết hợp rất nhiều âm nhạc làm say đắm lòng người mang tính chất tâm linh để chúng ta bàn luận", PGS.TS Đỗ Lai Thúy nói thêm.
Tín ngưỡng thờ Mẫu có một nghi lễ điển hình nhất, đó chính là nghi lễ hầu đồng. Các nghiên cứu mang tính chất mô tả về hầu đồng như một hiện tượng thực hành tâm linh, đã có nhiều, song chưa tác giả nào đề cập đến lộ trình hình thành từ lúc khởi thủy đến khi trở thành nghi lễ lên đồng của người Việt (gắn liền với nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu).
Người ta chỉ mới nhận thấy con đường của nghi lễ hầu đồng vượt qua khỏi định kiến bị coi như là một hình thức mê tín dị đoan không được chấp thuận. Hay nhìn nhận nghi lễ hầu đồng từ khía cạnh tinh thần, nhưng với tư cách là một biện pháp trị liệu và chữa lành tinh thần, tạo ra một thực tại khác nơi giải tỏa những căng thẳng và rối loạn trong đời sống hàng ngày, thì có lẽ chưa ai từng nghĩ nhiều tới.
Để biết rõ hơn về giá trị của thờ Mẫu, ThS, Nhà Nghiên cứu văn hóa tâm linh Đàm Lan chia sẻ: “Tín ngưỡng thờ Mẫu là đỉnh cao trong nghệ thuật tín ngưỡng thờ Nữ thần và thờ Mẫu thần của người Việt. Nó thể hiện tâm tư, tình cảm, trí tuệ, đạo đức của người Việt Nam, phản ánh nhận thức của người Việt Nam về nhân sinh quan và thế giới quan.
Chức năng chính của thờ Mẫu là thờ mẹ biển (sinh nở, bao bọc, bào chữa, chăm nuôi, dưỡng giục). Không có một tín ngưỡng nào trên thế giới có những nghi lễ mang tính chất vòng đời của con người, hướng con người và hướng niềm tin của con người vào cuộc sống nhân sinh như tín ngưỡng thờ Mẫu. Đặc sắc của nghệ thuật nghi lễ hầu đồng là nghệ thuật sân khấu tâm linh hóa, nên tôi rất mong muốn quả bá nhiều hơn đến công chúng nghệ thuật đặc sắc”.
Bên cạnh đó, ở phương diện biểu đạt nghệ thuật, thì nghi lễ hầu đồng đã trở thành một hình thức diễn xướng khá hoàn chỉnh và đặc sắc, với ca vũ, trang phục, đạo cụ, các vai… Buổi tọa đàm khoa học đã giải đáp các vấn đề về trình diễn lên đồng đích thực, ý nghĩa trình diễn tâm linh.
Các diễn giả đều đồng ý rằng Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt có bề dày lịch sử lâu đời. Thông qua các truyền thuyết, câu chuyện lịch sử cùng những nghi lễ và lễ hội, đặc biệt trong hình thức diễn xướng vô cùng độc đáo, Đạo Mẫu thực sự là một bảo tàng sống của văn hóa truyền thống, cần thiết được lưu truyền.
Tín ngưỡng thờ Mẫu xưa là kế thừa, tín ngưỡng ngày nay là phát huy. Trong khuôn khổ của hội thảo khoa học đã nêu lên vấn đề cần kế thừa như nào, cần phát huy ra sao, để tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn giữ được bản sắc và phù hợp với sự phát triển của xã hội đương đại.
Hình ảnh tại tọa đàm khoa học với chủ đề "Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam"
Tin và ảnh: Trung Nguyễn - Thu Trang