Bancassurance bước qua vùng đáy

Báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu năm của các ngân hàng cho thấy mảng phân phối bảo hiểm (bancassurance) đã có sự phục hồi rõ rệt.

Tại Techcombank, doanh thu phí bảo hiểm trong quý I/2025 tăng 27% so với cùng kỳ năm trước

Tại Techcombank, doanh thu phí bảo hiểm trong quý I/2025 tăng 27% so với cùng kỳ năm trước

Lãi thuần từ dịch vụ của đa số ngân hàng khởi sắc

Thống kê dữ liệu báo cáo tài chính quý I/2025 từ 27 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy, tổng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của nhóm này trong quý đầu năm đạt 14.447 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân, lãi thuần từ dịch vụ đóng góp khoảng hơn 9% vào tổng thu nhập hoạt động (TOI) của các ngân hàng trên, tương tự cùng kỳ năm trước.

Nguồn thu từ mảng dịch vụ có sự phân hóa giữa các nhà băng, khi có 17 trong tổng số 27 ngân hàng báo lãi thuần từ dịch vụ tăng trưởng trong quý I/2025.

Techcombank giành vị trí dẫn đầu ngành về lãi thuần dịch vụ trong quý vừa qua, với 1.828 tỷ đồng, nhưng vẫn giảm 16% so với cùng kỳ. VietinBank đứng thứ hai, với 1.611 tỷ đồng, ghi nhận mức giảm 9% so với cùng kỳ. BIDV là ngân hàng lãi nhiều thứ ba từ dịch vụ, thu về 1.539 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. MB đã vươn lên vị trí thứ 4 trong ngành về thu nhập từ dịch vụ, cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng so với cùng kỳ, với 1.235 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. VPBank đã tụt xuống vị trí thứ 5, thu về 1.169 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ, giảm 25% so với cùng kỳ 2024.

Vị trí tiếp theo trong Top 10 nhà băng có nguồn thu lớn từ dịch vụ thuộc về TPBank. Kết thúc quý đầu năm nay, lãi từ dịch vụ của nhà băng này ghi nhận mức tăng 27%, đạt gần 910 tỷ đồng, nhờ thu phí dịch vụ khác tăng lên 710 tỷ đồng (tăng 70%).

Tiếp đến là ACB, với lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 872 tỷ đồng trong quý I/2025, tăng hơn 17% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng hoạt động kinh doanh thẻ tăng 161%, đóng góp đáng kể vào nguồn thu nhập ngoài lãi của ACB. Qua đó, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng doanh thu của nhà băng đã tăng lên 20% trong quý I/2025, từ mức 18% trong cùng kỳ năm trước.

Quý I/2025, hoạt động kinh doanh số của HDBank tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, với số lượng khách hàng cá nhân tăng 38%, số lượng giao dịch tài chính qua nền tảng số tăng 55% so với cùng kỳ. Tăng tốc số hóa cũng là động lực để nhà băng này tiếp tục tối ưu hóa vận hành, giảm tỷ lệ CIR (chi phí trên doanh thu) xuống còn 27,4%, đồng thời nâng cao trải nghiệm và cá nhân hóa hành trình khách hàng.

Một dấu mốc đáng chú ý, HDBank hoàn tất tiếp nhận và tái cấu trúc DongA Bank, chính thức chuyển đổi thành Vikki Digital Bank - ngân hàng số thế hệ mới phục vụ nhóm khách hàng số hóa cao. Mô hình này được xây dựng để hội tụ sức mạnh công nghệ, mạng lưới rộng khắp và giải pháp tài chính toàn diện, phục vụ hơn 30 triệu khách hàng hiện hữu và tiềm năng.

Nguồn thu từ bảo hiểm phục hồi

Với nguồn thu ngoài lãi, kinh doanh bảo hiểm được xem là mảng xương sống. Vài năm gần đây, nguồn thu này bị ảnh hưởng mạnh bởi khủng hoảng niềm tin trên thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, thông tin được các nhà băng công bố đang cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của mảng bancassurance.

Cụ thể, tại sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân - công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 mới đây, Techcombank cho hay, sau khi chấm dứt hợp tác phân phối độc quyền với Manulife Việt Nam, doanh thu bancassurance của Ngân hàng giảm mạnh vào quý IV/2024 và nay đã phục hồi như trước đó.

Theo báo cáo, doanh thu từ phí bảo hiểm của Techcombank trong quý I/2025 tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tăng tới 1.718% so với quý liền trước. Theo bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc cao cấp Quản trị Tài chính Doanh nghiệp, Khối Tài chính Kế hoạch Techcombank, bancassurance là một trong những điểm sáng kinh doanh của Ngân hàng trong quý I/2025. Tổng phí APE (phí bảo hiểm tương đương hàng năm) trong quý I/2025 của Techcombank đạt 150 tỷ đồng, đứng thứ 4 toàn ngành.

Bà Thủy cho hay, đây là giai đoạn tái cấu trúc sản phẩm bảo hiểm, nên kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới. Đại diện Techcombank cũng cho biết, sự phục hồi của mảng bảo hiểm đến từ việc ký kết hợp đồng với các đối tác mới.

Techcombank đang từng bước mở rộng mảng bảo hiểm như một phần trong chiến lược phát triển hệ sinh thái tài chính toàn diện. Tháng 10/2024, Ngân hàng đã góp vốn thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Đến tháng 2/2025, Techcombank tiếp tục xin ý kiến cổ đông về việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ. Sau đó, ngày 20/3/2025, Hội đồng quản trị Ngân hàng đã thông qua nghị quyết về việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm TCLife, với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng.

Techcombank dự báo, từ năm thứ ba trở đi, TCLife sẽ thu hồi vốn và ghi nhận lợi nhuận ròng 605 tỷ đồng. Sau 5 năm, con số này có thể đạt gần 1.200 tỷ đồng.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, VPBank đã thông qua phương án góp vốn để thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Công ty này dự kiến có vốn điều lệ khoảng 2.000 tỷ đồng, cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cơ bản, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết chung và các nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật và được Bộ Tài chính chấp thuận.

Theo ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank, với mục tiêu trở thành một tập đoàn tài chính, vượt khỏi khuôn khổ một ngân hàng truyền thống, VPBank đang muốn hoàn thiện thêm hai mảnh ghép là bảo hiểm nhân thọ và công ty quản lý quỹ. Nếu chỉ hợp tác phân phối bảo hiểm với các đối tác khác, VPBank sẽ luôn bị động về sản phẩm, mô hình kinh doanh và đặc biệt là việc quản lý, chăm sóc khách hàng. Do đó, Ngân hàng xác định phải chủ động nguồn kinh doanh, từ sản phẩm cho tới tệp khách hàng và quy trình khai thác.

Theo nhìn nhận của lãnh đạo VPBank, bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng có sự gắn kết rất chặt chẽ về mô hình kinh doanh cũng như sự tương tác trong hệ sinh thái khách hàng. Dù việc thành lập công ty này sẽ liên quan đến một số vấn đề thủ tục và cam kết với đối tác hiện tại, nhưng VPBank sẽ triển khai các phương án hợp lý và có lợi nhất cho Ngân hàng.

Với kinh nghiệm vận hành OPES (một thành viên trong hệ sinh thái VPBank), VPBank cho rằng, việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ lần này sẽ giúp tổ chức này vận hành hiệu quả, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ ngay từ đầu, mang lại hiệu quả tối ưu. Công ty mới này sẽ vận hành độc lập về tài chính, vốn chủ sở hữu.

Dù thị trường bảo hiểm Việt Nam đối mặt với nhiều khủng hoảng trong vài năm gần đây, song ngân hàng nhìn nhận đây là cơ hội để tái cấu trúc thị trường theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm.

Thị trường bảo hiểm khởi sắc, với doanh thu phí tăng 5,4%, các ngân hàng cũng đồng loạt nhập cuộc. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2025, trong lĩnh vực bảo hiểm, 4 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 74.889 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ; trong đó, mảng phi nhân thọ tăng trưởng nhanh hơn, ước tăng 11%. Trước đó, vào cuối năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm vẫn sụt giảm nhẹ 0,26% so với cùng kỳ năm trước, đạt 227.495 tỷ đồng; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 10,21%; còn lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ giảm 5%.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, trong khoảng 30 năm phát triển của thị trường này, nhất là mảng bảo hiểm nhân thọ phần lớn là các doanh nghiệp bảo hiểm đa quốc gia, nhưng hiện giờ các định chế tài chính trong nước, ngân hàng đã tham gia, bởi mảng này tương đối tiềm năng trong tương lai. Các công ty bảo hiểm của ngân hàng có thể tận dụng nguồn khách hàng dồi dào của hệ sinh thái nhà băng và đối tác để mở rộng thị trường, chiếm lĩnh miếng bánh bảo hiểm, đẩy doanh thu và lợi nhuận nhanh hơn và đó là lợi thế của người đi sau.

Vân Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bancassurance-buoc-qua-vung-day-post369520.html