Bằng cấp nước ngoài thất sủng ở Trung Quốc

Từng là 'giấc mơ' của nhiều phụ huynh trung lưu, giờ đây, bằng cấp quốc tế đang mất dần vị thế ở Trung Quốc.

 Bằng cấp nước ngoài có dấu hiệu giảm giá trị tại thị trường lao động Trung Quốc. Ảnh: The Economist.

Bằng cấp nước ngoài có dấu hiệu giảm giá trị tại thị trường lao động Trung Quốc. Ảnh: The Economist.

Gần đây, bà Eva Deng, một người mẹ ở Thâm Quyến (Trung Quốc), đã đưa ra một quyết định mà vài năm trước bà không bao giờ nghĩ tới - chuyển cậu con trai 12 tuổi sang một trường THCS công lập sau 6 năm học trường quốc tế.

Từ bỏ kế hoạch du học

Dù con trai đã thông thạo tiếng Anh, bà Deng vẫn từ bỏ kế hoạch du học Anh hoặc Mỹ. Thay vào đó, bà hướng con vào các trường đại học hàng đầu Trung Quốc với các ngành khoa học và công nghệ mới nổi, ưu tiên trí tuệ nhân tạo.

Quyết định này đồng nghĩa với việc con trai bà sẽ ngừng học chương trình tiếng Anh để tập trung cho các cuộc thi lập trình, toán và khoa học trong nước - những cuộc thi được coi là quan trọng để học sinh Trung Quốc vào được các trường THPT và đại học hàng đầu.

Lựa chọn của bà Eva Deng phản ánh một sự thay đổi lớn hơn trong giới phụ huynh trung lưu Trung Quốc, những người từng coi du học là lựa chọn hàng đầu cho con cái.

"Không chỉ con tôi, một số bạn cùng lớp cũng đang cân nhắc chuyển sang trường công lập. Các phụ huynh bắt đầu cảm thấy học đại học trong nước có thể mang lại nhiều lợi thế hơn trong tương lai. Chúng tôi ngày càng lo lắng về tình hình quốc tế, cảm thấy mối quan hệ giữa các quốc gia đang trở nên căng thẳng hơn", bà Deng chia sẻ.

Trong khi đó, theo báo cáo về sinh viên tốt nghiệp của các trường đại học hàng đầu Trung Quốc, ngày càng ít sinh viên tốt nghiệp từ các trường này lựa chọn theo đuổi bậc học cao hơn ở nước ngoài.

Đại học Bắc Kinh cho biết số lượng sinh viên đại học theo đuổi bậc học cao hơn ở nước ngoài vào năm 2024 đã giảm khoảng 21% so với năm 2019. Đại học Thanh Hoa chứng kiến mức giảm 28% trong cùng khoảng thời gian.

Học viện Công nghệ Bắc Kinh ghi nhận mức giảm 50%. Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và Đại học Phúc Đán cũng báo cáo mức giảm lần lượt là 28,57% và 17,7%.

 Nhiều phụ huynh Trung Quốc "quay xe" cho con học trong nước thay vì du học. Ảnh: SCMP.

Nhiều phụ huynh Trung Quốc "quay xe" cho con học trong nước thay vì du học. Ảnh: SCMP.

Bằng cấp nước ngoài trở thành "gánh nặng"

Theo NBC News, chỉ khoảng 3 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, chính quyền Mỹ đã thu hồi thị thực của sinh viên quốc tế tại ít nhất 32 tiểu bang trong chiến dịch trấn áp nhập cư quy mô lớn.

Chính quyền Trump cũng gây áp lực lên các trường đại học danh tiếng, yêu cầu trường cung cấp hồ sơ kỷ luật chi tiết của sinh viên quốc tế cho các cơ quan an ninh...

Bên cạnh những rủi ro chính trị, chi phí du học ngày càng trở thành gánh nặng tài chính cho các phụ huynh.

Bà Fang Li, một phụ huynh đến từ Quảng Châu (Trung Quốc), có con trai đang học trường quốc tế và dự định du học Mỹ, cho biết mức phí 600.000-700.000 nhân dân tệ mỗi năm có thể nhanh chóng làm cạn kiệt tiền tiết kiệm của các gia đình trung lưu. Trong khi đó, chưa chắc con cái họ đã có được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhiều phụ huynh thuộc tầng lớp thượng trung lưu như bà Fang ngày càng lo ngại về khả năng tài chính.

"Với hầu hết gia đình, số tiền hàng triệu nhân dân tệ đầu tư cho con du học thường khó có thể thu hồi lại. Thế hệ chúng tôi từng tin rằng con cái phải du học để khẳng định vị thế trung lưu. Nhưng giờ đây, sinh viên du học đang rơi vào tình thế ngày càng khó khăn", người mẹ nhận định.

Theo bà, sinh viên quốc tế đang đối mặt với một tương lai bất ổn, nơi cơ hội việc làm ở châu Âu và Mỹ có thể suy giảm do ảnh hưởng địa chính trị, trong khi giá trị bằng cấp của họ khi trở về nước cũng không còn được đánh giá cao như trước.

Một mối lo ngại khác của phụ huynh Trung Quốc trong những năm gần đây là sự gia tăng bạo lực và phân biệt chủng tộc nhắm vào người châu Á ở các nước phương Tây.

Tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn trong đại dịch và vẫn tiếp diễn do các chính sách như chương trình chống nhập cư của chính quyền Trump.

"Chúng tôi luôn muốn con trai mình được tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau và mở rộng tầm nhìn, nhưng những vấn đề về phân biệt chủng tộc và xung đột văn hóa ngày càng khó dung hòa", bà Deng nói.

Khác với trước đây, khi bằng cấp quốc tế thường được nhà tuyển dụng Trung Quốc đánh giá cao hơn bằng đại học nội địa, hiện tại, bằng cấp du học đang dần mất đi sức hút trên thị trường việc làm Trung Quốc.

Theo báo cáo xu hướng nhân tài gần đây của công ty tuyển dụng Liepin, hơn 70% doanh nghiệp Trung Quốc không có nhu cầu tuyển dụng nhân sự quốc tế trong nửa đầu năm nay.

Đáng chú ý, nhiều địa phương như Quảng Đông và Bắc Kinh đã loại những người có bằng cấp nước ngoài khỏi chương trình tuyển dụng công chức năm 2025 dành cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.

Sự thay đổi trong quan điểm xã hội cũng góp phần làm giảm sức hút của bằng cấp quốc tế.

Bà Dong Mingzhu, Chủ tịch Gree Electric, gần đây đã gây tranh cãi khi tuyên bố công ty sẽ tránh tuyển dụng quản lý cấp cao được đào tạo ở nước ngoài vì lo ngại nguy cơ gián điệp, đồng thời bày tỏ sự ưu tiên mạnh mẽ cho nhân tài được đào tạo trong nước.

Phát biểu này làm dấy lên lo ngại rằng quan điểm của bà Dong có thể trở thành xu hướng chung, khiến bằng cấp quốc tế trở thành "gánh nặng" thay vì lợi thế trong sự nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Chen Zhiwenn, thành viên Hội Chiến lược Phát triển Giáo dục Trung Quốc, bổ sung thêm rằng so với các thế hệ trước, thế hệ sau năm 2000 của Trung Quốc lớn lên trong điều kiện kinh tế tốt hơn và có lòng tự hào dân tộc cao hơn. Điều này giải thích một phần lý do họ không còn quá coi trọng việc du học.

Ngọc Bích

Theo SCMP

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bang-cap-nuoc-ngoai-that-sung-o-trung-quoc-post1553835.html