Cậu bé 14 tuổi được mệnh danh là 'máy tính bỏ túi' phá vỡ 6 kỷ lục thế giới về toán học trong 1 ngày
Một thiếu niên 14 tuổi người Ấn Độ vừa khiến cộng đồng toán học toàn cầu kinh ngạc khi phá vỡ liền lúc sáu kỷ lục thế giới về tính nhẩm trong một ngày. Aaryan Shukla, đến từ bang Maharashtra, được mệnh danh là 'máy tính bỏ túi sống' sau màn trình diễn xuất sắc tại một sự kiện được Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness tổ chức tại Dubai.

Aaryan Shukla
Aaryan Shukla đã thực hiện các phép tính trong đầu với tốc độ đáng kinh ngạc, vượt xa khả năng sử dụng máy tính của hầu hết mọi người. Các kỷ lục mà Shukla thiết lập bao gồm: thời gian nhanh nhất để cộng nhẩm 100 số có bốn chữ số trong 30,9 giây; 200 số có bốn chữ số trong 1 phút 9,68 giây; và 50 số có năm chữ số trong 18,71 giây. Ngoài ra, cậu cũng xác lập các kỷ lục về nhân và chia: nhân hai bộ số có năm chữ số của 10 trong 51,69 giây; nhân hai bộ số có tám chữ số của 10 trong 2 phút 35,41 giây; và chia một bộ 10 số có 20 chữ số cho một bộ số có 10 chữ số chỉ trong 5 phút 42 giây.
Những kỷ lục này đã được Guinness xác nhận và công bố chính thức, kèm theo video ghi lại toàn bộ quá trình lập kỷ lục, hiện có thể xem miễn phí trên trang web chính thức của Guinness World Records.
Trước đó, Shukla cũng từng nắm giữ kỷ lục về thời gian nhanh nhất để cộng 50 số năm chữ số - một thành tích mà cậu bé đã đạt được vào năm ngoái. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí People, Shukla cho biết bí quyết giữ vững sự tập trung là nhờ luyện tập yoga, “giúp tôi giữ bình tĩnh và tập trung.” Ngoài ra, cậu dành 5 đến 6 tiếng mỗi ngày để luyện toán, bên cạnh các hoạt động giải trí tuổi teen như đọc sách và chơi trò chơi điện tử.
Cha của Shukla, trong cuộc phỏng vấn với Guinness, khẳng định khả năng của con trai mình không đến từ yếu tố di truyền. “Chúng tôi là một gia đình bình thường,” ông nói. “Aaryan là một người hiếm có trong một tỷ người, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng tôi là một gia đình có khả năng tính nhẩm thiên bẩm.”
Trường hợp của Aaryan Shukla không phải là cá biệt. Năm 2022, hai học sinh cuối cấp trung học tại Mỹ, Ne’Kiya Jackson và Calcea Johnson, cũng từng khiến giới học thuật bất ngờ khi đưa ra một bằng chứng mới cho định lý Pythagore - định lý đã tồn tại hơn 2.000 năm. Bằng việc sử dụng lượng giác, hai nữ sinh đã chứng minh được định lý này theo cách mà trước đây các nhà toán học từng cho là không thể. Nghiên cứu của họ đã được công bố trên tạp chí American Mathematical Monthly vào năm 2024, bao gồm chín cách chứng minh mới dựa trên lượng giác mà chưa từng ai đưa ra trước đó.
Những thành tích ấn tượng này tiếp tục là minh chứng cho tiềm năng to lớn của giới trẻ trong lĩnh vực khoa học và toán học, đồng thời truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những ai đang nuôi dưỡng đam mê học thuật.