Bảng chi tiêu tiết kiệm 40 triệu/tháng của vợ chồng Hà Nội được khen nức nở

Không chỉ có khoản tiết kiệm lớn, cặp đôi còn tính xa cho tương lai.

Không phải ai cũng có thể tiết kiệm đến hơn một nửa thu nhập hàng tháng. Nhưng ngay cả khi làm được điều đó, vẫn có những lo lắng về tương lai khiến người ta băn khoăn: mình đã thực sự ổn chưa, đã lo đủ cho con cái hay những rủi ro có thể xảy ra?

Câu chuyện dưới đây là tâm sự của một cô vợ đang sống tại Hà Nội. Thu nhập khá, chi tiêu hợp lý, tiết kiệm đều đặn nhưng vẫn mang nhiều nỗi lo như bất kỳ người làm cha mẹ nào.

Tiết kiệm 40 triệu/tháng vẫn thấy lo lắng

55,2% thu nhập là tỷ lệ tiết kiệm hàng tháng của cặp vợ chồng trong câu chuyện dưới đây. Con số này, chỉ cần nghe qua là đủ hiểu cô vợ giỏi vun vén cỡ nào. Mặc dù mọi thứ đều đang ở mức khá lý tưởng và vừa vặn, nhưng cô vợ vẫn chưa hết băn khoăn, lo lắng.

Bảng chi tiêu hàng tháng của cặp vợ chồng

Bảng chi tiêu hàng tháng của cặp vợ chồng

Cô tâm sự: “Khoảng gần 2 năm trở lại đây, vợ chồng em mới có được mức thu nhập này. Bọn em vẫn đang đi thuê nhà ở Hà Nội, mới có 1 em bé 4 tuổi. Đây là chi tiêu hàng tháng và tiết kiệm. Thi thoảng cũng có phát sinh tiền về quê, cưới hỏi nhưng cả 2 đứa đều ít bạn, đi làm cũng bận nên ông bà thường hay ra chơi với cháu hơn, nhìn chung tiền phát sinh cũng không nhiều.

Đợt con mới đi học mầm non thì thu nhập của vợ chồng em chưa ổn định nên cũng chỉ dám cho con học trường công lập bình thường. Giờ con cũng sắp vào lớp 1, thu nhập ổn hơn nên em muốn cho con học trường tư thục hoặc quốc tế học phí khoảng 300-350 triệu/năm thì em đã tiết kiệm được đủ 1 năm đầu. Nhưng em vẫn sợ nếu cho con học trường đó mà bố mẹ không ổn định thu nhập, phải chuyển trường thì tội, giờ công việc cũng khó nói trước.

Chồng em thì bảo việc học của con anh sẽ theo em để em quyết định, nên em tính mua thêm vàng và gửi tiết kiệm tiền mặt hàng tháng ít lại, có việc gì lỡ thì có thể mang ít vàng đi bán chắc sẽ tối ưu hơn là gửi tiết kiệm.

Không biết vậy có hợp lý hơn không ạ? Còn chi tiêu hàng tháng thì em cũng nghĩ đi nghĩ lại, thấy không cắt giảm được gì nữa. Mong anh chị cho ý kiến ạ”.

Trong phần bình luận, một số người từng thắc mắc về khoản tiền ăn của gia đình 2 người lớn, 1 trẻ con 4 tuổi mà chỉ có 4 triệu đồng/tháng, liệu có thiếu? Cô cũng có giải thích thêm rằng ông bà thường ra chơi với cháu và mang theo đồ ăn, thực phẩm từ quê lên nên phần đó giảm đi khá nhiều.

Đây gần như là thắc mắc duy nhất, còn lại đa phần cư dân mạng đều bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao khả năng quản lý tài chính của cô.

Một số bình luận khác từ cộng đồng mạng:

“Mỗi tháng để dành được hơn 40 triệu mà vẫn cẩn thận, suy nghĩ đến chuyện chuyển trường cho con nếu thu nhập thay đổi - đúng kiểu của người có kế hoạch rõ ràng, không sống buông thả theo thu nhập hiện tại.”

“Cái đáng nể không phải là con số tiết kiệm, mà là tư duy dài hạn. Người khác có thu nhập cao nhưng chi tiêu bốc đồng, còn bạn này thì tính được cả 1-2 năm sau.”

“Mua vàng là hướng đi tốt nếu không muốn giữ tiền mặt, nhưng nếu có thời gian và tìm hiểu thêm, có thể trích ra một phần nhỏ để đầu tư dài hạn, dù chỉ là quỹ mở hay chứng chỉ tiền gửi.”

“Mình nghĩ nên giữ linh hoạt. Vàng thì an toàn, nhưng cũng nên để một phần tiền mặt phòng trường hợp khẩn cấp. Quan trọng nhất là như hiện tại: có tiết kiệm, có tính toán và không nợ nần.”

Nhiều người dành lời khen cho cách quản lý tài chính của gia đình này. Ảnh minh họa

Nhiều người dành lời khen cho cách quản lý tài chính của gia đình này. Ảnh minh họa

Một vài lời khuyên để quản lý tài chính gia đình tốt hơn

Cân bằng giữa tiết kiệm và chất lượng sống:

Tiết kiệm nhiều là điều rất tốt, nhưng nếu tiết kiệm đến mức không dám chi tiêu cho những thứ nâng tầm cuộc sống (giáo dục, sức khỏe, thời gian nghỉ ngơi), thì có thể khiến gia đình cảm thấy mệt mỏi và áp lực. Quan trọng là biết mình đang tiết kiệm để làm gì, cho ai, và trong bao lâu.

Đa dạng hóa hình thức tích lũy:

Gửi tiết kiệm và mua vàng là hai kênh an toàn, nhưng nếu thu nhập ổn định, bạn có thể cân nhắc đầu tư nhỏ vào quỹ mở, trái phiếu hoặc một số hình thức ít rủi ro hơn gửi ngân hàng dài hạn. Nên tránh bỏ tất cả vào một chỗ để giảm thiểu rủi ro trong thời gian dài.

Linh hoạt theo từng giai đoạn:

Khi con còn nhỏ, chi phí chưa nhiều thì nên tận dụng thời gian để tiết kiệm nhiều hơn. Nhưng khi con vào tiểu học, THCS… chi phí sẽ tăng cao. Khi đó, bạn cần tái cơ cấu lại chi tiêu – ví dụ, giảm phần tiết kiệm một chút để đầu tư vào giáo dục tốt hơn, hoặc dành thêm cho sức khỏe và chất lượng sống.

Vân Anh - CTV

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/kinh-doanh/bang-chi-tieu-tiet-kiem-40-trieu-thang-cua-vo-chong-duoc-khen-nuc-no-202507131921427317.html