Bằng chứng chấn động về hố thiên thạch cổ nhất thế giới
Theo nghiên cứu mới, các chuyên gia xác định hố thiên thạch cổ nhất thế giới rộng ít nhất 100 km. Hố va chạm này có thể hình thành do một thiên thạch tốc độ hơn 36.000 km/h đâm xuống Trái đất khoảng 3,5 tỷ năm trước.

Nhóm chuyên gia địa chất tại Đại học Curtin và Cơ quan Khảo sát Địa chất Tây Australia mới công bố nghiên cứu về hố thiên thạch cổ xưa nhất thế giới ở vùng Pilbara, tây bắc Australia trên tạp chí Nature Communications. Ảnh: Chris Kirkland, Curtin University.

Theo kết quả nghiên cứu, hố va chạm được các chuyên gia xác định tồn tại từ khoảng 3,5 tỷ năm trước. Đây là thời điểm những thiên thạch thường xuyên làm rung chuyển Trái đất. Mặc dù khó có thể nhìn thấy trực tiếp hình dạng hố trũng đặc trưng do chiếc hố quá cổ xưa nhưng họ phát hiện điều này thông qua bằng chứng khác. Ảnh: Tim Johnson, Curtin University.

Nhóm nghiên cứu cho hay bằng chứng là các "hình nón vỡ" - đặc điểm địa chất chỉ hình thành khi chịu áp lực cực lớn như trong vụ va chạm thiên thạch hoặc vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất. Ảnh: Chris Kirkland, Curtin University.

Theo khảo sát và đo đạc, hố va chạm ước tính rộng ít nhất 100 km. Kích thước này cho thấy thiên thạch lao xuống Trái đất di chuyển với tốc độ rất nhanh, hơn 36.000 km/h và có thể gây thiệt hại trên quy mô toàn cầu. Sự kiện này nhiều khả năng xảy ra cách đây 3,47 tỷ năm. Ảnh: Tim Johnson, Curtin University.

"Trước phát hiện này, hố va chạm cổ nhất là khoảng 2,2 tỷ năm tuổi. Do đó, đến nay, đây là hố va chạm cổ xưa nhất từng được tìm thấy trên Trái Đất", giáo sư Tim Johnson, đồng tác giả nghiên cứu mới, cho biết về hố va chạm ở vùng Pilbara. Ảnh: Tim Johnson, Curtin University.

Trong hai tỷ năm đầu tiên, Trái đất thường xuyên hứng chịu những vụ va chạm lớn do thiên thạch khổng lồ gây ra, bao gồm vụ va chạm dữ dội với một thiên thể có kích thước tương đương sao Hỏa tạo ra Mặt trăng khoảng 4,5 tỷ năm trước. Ảnh: Getty - Contributor.

Thế nhưng, các nhà nghiên cứu chưa phát hiện nhiều hố va chạm có niên đại vào thời kỳ này do sự dịch chuyển kiến tạo mảng, xói mòn và các quá trình khác đã xóa sạch bằng chứng. Trong khi đó, Mặt trăng vẫn có nhiều vết sẹo lớn vì bề mặt ít hoạt động hơn nhiều. Ảnh: Alamy.

"Nghiên cứu mới cung cấp một bằng chứng quan trọng giúp giải mã lịch sử va chạm của Trái đất cũng như cho thấy nhiều hố va chạm cổ xưa khác có thể sẽ được phát hiện theo thời gian", giáo sư Johnson cho hay. Ảnh: The Sun.

Giáo sư Chris Kirkland, đồng tác giả nghiên cứu mới, cho biết các vụ va chạm với cường độ này có thể đã góp phần định hình lớp vỏ Trái đất thuở sơ khai bằng cách đẩy một phần vỏ của hành tinh xanh xuống dưới phần khác, hoặc buộc magma ở sâu dưới lớp phủ Trái đất dâng lên bề mặt. Sự việc này thậm chí có thể tham gia vào sự hình thành nền cổ (craton) - những khối đất lớn và ổn định sau này trở thành nền móng của các lục địa. Ảnh: Google.
Mời độc giả xem video: Kho báu toàn siêu kim cương trong thiên thạch rơi xuống Trái đất.