Phát hiện nhiều loài quý hiếm ở vùng biển từng xảy ra sự cố Formosa

Các nhà khoa học ghi nhận 527 loài động thực vật gồm 15 loài quý hiếm và 87 loài có giá trị kinh tế tại khu vực biển Hải Vân - Sơn Chà của Huế, vùng biển từng chịu tác động của sự cố môi trường Formosa. Một loài cá mú mới cũng được phát hiện tại đây.

Nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã cung cấp dữ liệu quan trọng về đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật tại hệ sinh thái bãi triều rạn đá Hải Vân - Sơn Chà, thành phố Huế, nơi từng chịu tác động của sự cố môi trường biển Formosa.

Quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học ghi nhận 527 loài động thực vật trong khu vực, gồm 15 loài quý hiếm và 87 loài có giá trị kinh tế.

Nhóm nghiên cứu cũng xác định 312 loài sinh vật thuộc các nhóm rong biển, động vật đáy, cá, nhuyễn thể và giáp xác. Trong đó, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như tôm hùm giống, bào ngư, cá mú, cá dìa, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản ven biển.

Kết quả nổi bật khác của nhóm nghiên cứu là phát hiện một loài cá Mú mới cho khoa học - Epinephelus randalli (cá Mú bùn), lần đầu tiên được ghi nhận tại vùng biển ven bờ phía Bắc Việt Nam, bao gồm khu vực thành phố Huế.

Phát hiện nhiều loài động thực vật quý hiếm tại khu vực bãi triều rạn đá Hải Vân - Sơn Chà, thành phố Huế.

Phát hiện nhiều loài động thực vật quý hiếm tại khu vực bãi triều rạn đá Hải Vân - Sơn Chà, thành phố Huế.

Phát hiện này được công bố trên tạp chí quốc tế Species Diversity thuộc danh mục SCOPUS, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nghiên cứu sinh học biển và nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Quân, Chủ nhiệm đề tài cho biết, nghiên cứu đã khẳng định vai trò quan trọng của hệ sinh thái bãi triều rạn đá trong việc duy trì đa dạng sinh học và phục hồi nguồn lợi thủy sản sau sự cố môi trường biển nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung năm 2016.

Những phát hiện này không chỉ cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học quan trọng cho thành phố Huế mà còn đặt nền tảng cho việc mở rộng vùng lõi của Khu bảo tồn biển Hải Vân - Sơn Chà, nhằm bảo vệ hiệu quả các sinh cảnh và duy trì nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Nhóm nghiên cứu đã đề xuất các khu vực cần được ưu tiên bảo vệ và đưa ra các giải pháp quản lý bền vững, bao gồm mô hình khai thác hợp lý, quy hoạch vùng bảo vệ sinh thái và khôi phục nguồn lợi tại vùng bãi triều rạn đá nhằm nâng cao khả năng tự phục hồi của các hệ sinh thái ven biển.

Thời gian tới, các nhà khoa học sẽ mở rộng nghiên cứu về vai trò sinh thái của bãi triều rạn đá và mối liên kết với các vùng tự nhiên ven bờ khác, đặc biệt là quan hệ giữa rạn san hô dưới triều đang phục hồi và đầm phá Lăng Cô thông qua sự di cư của các loài cá chỉ thị.

Ngoài ra, đưa các khu vực có bãi triều, rạn đá vào các thiết chế bảo tồn như khu bảo vệ nguồn giống thủy sản, vùng lõi mở rộng của khu bảo tồn biển hoặc thiết lập các khu vực cấm đánh bắt theo mùa.

Theo nhóm nghiên cứu, những giải pháp này giúp giảm áp lực khai thác, nâng cao sức chống chịu và phục hồi các hệ sinh thái biển ven bờ sau sự cố môi trường Formosa.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phat-hien-nhieu-loai-quy-hiem-o-vung-bien-tung-xay-ra-su-co-formosa-post1741383.tpo