Bảng giá đất có thay đổi không nếu sáp nhập tỉnh?
Theo chuyên gia việc ban hành, điều chỉnh bảng giá được thực hiện định kỳ, dựa trên những nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá chặt chẽ theo Luật Đất đai.
Hiện nay, bảng giá đất tại mỗi tỉnh thành do UBND cấp tỉnh ban hành sau khi được HĐND cấp tỉnh thông qua. Bảng giá đất vốn dĩ đang được xây dựng theo từng khu vực, vị trí, không chỉ dựa trên yếu tố hành chính tại tỉnh thành đó.

Nếu sáp nhập tỉnh, bảng giá đất cũng không thể thay đổi ngay lập tức mà cần có một quy trình rà soát, xây dựng và ban hành theo quy định. Ảnh: HÀ THANH
Trước thông tin sáp nhập tỉnh, TP nhiều người dân đặt câu hỏi liệu bảng giá đất tại các địa phương có thay đổi hay không?
Giải đáp vấn đề này, ThS Ngô Gia Hoàng - Giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết theo khoản 2 Điều 159 Luật Đất đai 2024, thẩm quyền ban hành, công bố bảng giá đất thuộc về UBND cấp tỉnh sau khi được HĐND cấp tỉnh thông qua.
Khi sáp nhập tỉnh, các UBND tỉnh cũ không còn tồn tại, thay vào đó là một UBND tỉnh mới. Điều này đồng nghĩa với việc UBND tỉnh mới phải xây dựng và ban hành bảng giá đất mới, thay thế bảng giá đất cũ sau khi sáp nhập.
Theo Luật Đất đai 2024, bảng giá đất được xây dựng theo hai phương pháp: Theo khu vực, vị trí và theo vùng giá trị đất, thửa đất chuẩn. Trước khi sáp nhập, mỗi tỉnh có cách phân chia khu vực giá đất riêng, dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội, mật độ dân cư, tiềm năng phát triển…
Sau khi sáp nhập, tỉnh mới phải xác định lại khu vực giá đất, đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa các tỉnh cũ để đảm bảo thống nhất. Điều này có thể làm thay đổi mức giá đất ở một số khu vực, nhất là nơi trước đây có sự chênh lệch lớn giữa các tỉnh.
Tương tự, hệ thống phân loại vị trí đất có thể cần điều chỉnh. Nếu một khu vực trở thành trung tâm hành chính mới, giá đất tại đây có thể tăng do nhu cầu đầu tư hạ tầng. Ngược lại, các khu vực từng là trung tâm nhưng không còn giữ vai trò này nữa thì giá đất có thể giảm.
"Theo tôi, khả năng bảng giá đất thay đổi đột biến nếu sáp nhập tỉnh là rất thấp do việc ban hành, điều chỉnh bảng giá được thực hiện định kỳ, dựa trên những nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá chặt chẽ theo Luật Đất đai. Dù có sáp nhập tỉnh, bảng giá đất cũng không thể thay đổi ngay lập tức mà cần có một quy trình rà soát, xây dựng và ban hành theo quy định.
Ngoài ra, bảng giá đất vốn dĩ đang được xây dựng theo từng khu vực, vị trí, không chỉ dựa trên yếu tố hành chính (sáp nhập tỉnh) mà còn phải dựa vào cơ sở dữ liệu giá đất, vùng giá trị đất, thửa đất chuẩn và giá đất trên thị trường. Quá trình quy hoạch và đầu tư hạ tầng cần thời gian dài để triển khai, do đó tác động đến bảng giá đất cũng không thể diễn ra ngay lập tức.
Bên cạnh đó, bảng giá chủ yếu dùng làm căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính (thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…) của các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp. Nếu bảng giá đất thay đổi quá lớn sẽ ảnh hưởng đến thị trường. Vì vậy, Nhà nước sẽ có chính sách điều chỉnh phù hợp"- ThS Ngô Gia Hoàng phân tích.
Nguồn PLO: https://plo.vn/bang-gia-dat-co-thay-doi-khong-neu-sap-nhap-tinh-post842389.html