Bảng giá đất ở của các quận, huyện Hà Nội đang diễn biến ra sao?
Kết quả đấu giá đất huyện Hoài Đức với giá trúng 133 triệu đồng/m2 đang ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản Hà Nội. Giá đất tại phiên đấu giá còn cao hơn so với bảng giá đất của các quận nội thành, các quận trung tâm thủ đô.
Chi tiết bảng giá đất ở đô thị của các quận, huyện Hà Nội
Phiên đấu giá 19 thửa đất thuộc xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội trong hai ngày 19 và 20/08 gây chú ý cả về thời gian thực hiện lẫn mức giá trúng lên tới 133,3 triệu đồng/m2, thấp nhất 91,3 triệu đồng/m2. So với bảng giá đất được công bố hồi năm 2019, con số cao nhất này gấp gần 54 lần. Hay như phiên đấu giá đất tại Thanh Oai hôm 10/8 cũng có giá trúng hơn 100 triệu đồng/m2.
Như vậy giá trúng 2 phiên đấu giá tại Hoài Đức và Thanh Oai còn cao hơn so với bảng giá đất của các quận nội thành, các quận trung tâm Hà Nội như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa...
Theo bảng giá đất ban hành kèm theo văn bản số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/21/2019 của UBND TP Hà Nội (Văn bản sửa đổi bổ sung số 20/2023/QĐ-UBND ngày 07/09/2023 của UBND TP Hà Nội), giá đất ở đô thị vị trí 1 của các quận huyện Hà Nội như sau: Tại quận Cầu Giấy, giá đất có giá giao động từ 17-55 triệu đồng/2, quận Nam Từ Liêm có giá 8-45 triệu đồng/m2, quận Đống Đa từ 26-91 triệu đồng/m2, quận Hoàn Kiếm có giá giao động từ 35-188 triệu đồng/m2. Hay như quận Hai Bà Trung cũng chỉ có giá từ 24-103 triệu đồng/m2, quận Tây Hồ có giá 13,64-78,88 triệu đồng/m2. Còn quận trung tâm như Ba Đình có giá từ 25,3-132,6 triệu đồng/m2.
Đối với quận Long Biên, giá đất niêm yết giao động từ 10,90-40,60 triệu đồng/m2, quận Bắc Từ Liêm từ 8,58042,92 triệu đồng/m2, quận Thanh Xuân từ 14,97-55,46 triệu đồng/m2. Hay như quận Hà Đông, giá đất cũng chỉ giao động từ 8,28-34,80 triệu đồng/m2, tại quận Hoàng Mai là 14-47 triệu đồng/m2.
Đối với đất ở nông thôn và đất ở vị trí 1 của các huyện ngoại thành theo mức giá niêm yết khá mềm. Hoài Đức - nơi đang sốt đất đấu giá chỉ giao động từ 1,56-18,86 triệu đồng/m2, Thanh Oai có giá 0,7-16,7 triệu đồng/m2, Đông Anh có giá từ 0,99-15,87 triệu đồng/m2. Phúc Thọ cũng chỉ có giá 0,66-6,90 triệu đồng/m2, Phú Xuyên từ 0,59-5,17 triệu đồng/m2, Sóc Sơn có giá từ 0,66-9,20 triệu đồng/m2. Tương tự, Quốc Oai cũng chỉ có giá từ 0,66-8,59 triệu đồng/m2, Chương Mỹ là 0,84-8,28 triệu đồng/m2.
Còn đối với Thạch Thất là 0,49-6,67 triệu đồng/m2, Thường Tín từ 0,66 đến 12,42 triệu đồng/m2, Mỹ Đức từ 0,49-4,02triệu đồng/m2.
Trúng đấu giá cao kỷ lục tại huyện Hoài Đức
Phiên đấu giá đất ngày 19/8 tại huyện Hoài Đức ghi nhận mức giá cao kỷ lục. Sau 19 tiếng đấu giá, giá trúng đấu giá đất cao nhất lên đến 133,3 triệu đồng/m2 đối với LK03-12 là thửa ở góc, có 3 mặt tiền, rộng hơn 113 m2; tổng giá trị lên đến hơn 15 tỷ đồng. So với giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng, lô đất này được nhà đầu tư trả gấp hơn 18 lần.
Ba lô đất có giá trúng đấu giá cao thứ 2 là LK03-6, LK03-7 (cùng có diện tích 91,67 m2) và LK04-6 lên đến 127,3 triệu đồng/m2 (rộng 115,95 m2). Giá trị 2 lô LK03-6 và LK03-7 là 11,6 tỷ đồng và lô LK04-6 là 14,7 tỷ đồng. 14 lô còn lại có giá trúng đấu giá từ 97,3 - 121,3 triệu đồng/m2. Có 2 lô trúng có giá trúng đấu giá thấp nhất cũng lên đến 91,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 12,5 lần giá khởi điểm.
Như vậy, giá đất tại huyện Hoài Đức đã vượt quá mức giá niêm yết của UBND TP Hà Nội. Theo thống kê từ Batdongsan.com.vn, giá rao bán phổ biến đất nền ở xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội trong quý II/2024 là 43 triệu đồng/m2. Trong vòng 1 năm qua, giá đất ở địa phương này đã tăng hơn 48%. Tuy nhiên, giá đất trúng đấu giá trong phiên vừa qua vẫn cao gấp từ 2 đến 3 lần so với mặt bằng giá phổ biến. Mặt khác, giá rao bán tại các xã lân cận trong huyện Hoài Đức từ 22-62 triệu đồng/m2 trong quý II/2024.
Thực tế, giá đất tại huyện Hoài Đức đã được dự báo sẽ có cơn "sốt" nhờ những dự án lớn đi qua địa bàn. Tháng 6/2023, UBND TP Hà Nội đã tổ chức khởi công dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Tuyến này có chiều dài khoảng 17 km và đi qua 12 xã của Hoài Đức là Đức Thượng, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương, An Thượng, An Khánh, La Phù, Đông La.
Với việc khởi công Vành đai 4 và thị trường bất động sản bắt đầu có những dấu hiệu ấm dần, giá đất tại nhiều khu vực của Hoài Đức đã tăng trưởng nóng, đặc biệt là giai đoạn từ trước Tết đến nay.
Ngay từ đầu năm 2024, theo môi giới bất động sản nơi đây, đất Hoài Đức đang vào sóng tăng giá, ăn theo dự án đường Vành đai 4 đang triển khai. Riêng giá đất dịch vụ tại xã Song Phương hiện dao động quanh ngưỡng 70-80 triệu đồng/m2, tăng khoảng 10-15 triệu đồng/m2 so với cuối năm 2023.
Trong khi đó, tại An Thượng, đất dịch vụ hiện ở mức rất cao, các lô đất mặt trong dao động trong khoảng 90-110 triệu đồng/m2, các lô mặt đường lớn hiện đã lên tới 170 - 180 triệu đồng/m2.
Cũng theo môi giới bất động sản tại huyện Hoài Đức, giá đất thổ cư tại Vân Côn hiện cũng tăng lên khoảng 40-50 triệu đồng/m2 do khu vực này chỉ cách Vành đai 4 và Đại lộ Thăng Long vài trăm mét.
Cũng là địa phương có đường Vành đai 4 đang được triển khai, giá đất tại Vân Côn đã tăng tới 20 triệu đồng/m2. Còn tăng chóng mặt hơn nữa phải kể đến tại An Khánh và An Thượng, mảnh đẹp bây giờ đều trên dưới 100 triệu đồng/m2. Trong khi đó, qua văn phòng môi giới, một thửa đất có thể bị đẩy lên thêm ít nhất 3 giá (3 triệu đồng). Nếu mua được trực tiếp của người dân thì giá mềm hơn.
So với An Khánh và An Thượng thì giá đất tại Vân Côn hiện mềm hơn. Đỉnh điểm nhất một lô đất dịch vụ mặt đường Liên khu 8 tại An Thượng vừa được giao dịch thành công với giá 165 triệu đồng/m2. Tại An Khánh, một ô góc ngay chân cầu vượt đang được rao bán với giá 230 triệu đồng/m2, có người trả 210 triệu nhưng chủ đất vẫn không bán...
Việc đấu giá đất giá cao như huyện Hoài Đức sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường bất động sản. Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn nhận định, kết quả đấu giá đất với mức giá cao như vậy sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng cho các dự án mới trở nên đắt đỏ hơn. Với mức giá trúng đấu giá cao hơn mặt bằng chung từ 2 đến 3 lần, người dân sở hữu đất ở khu vực xung quanh có tâm lý đẩy giá bán đất của mình theo. Mức giá đất cao đột biến cũng có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, khi nhiều người đổ xô mua đất với hy vọng kiếm lợi nhuận từ việc giá đất tiếp tục tăng. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác.