Bâng khuâng nhớ Tết

Chuyến hành trình đầy ắp kỷ niệm đã đi vào những sân ga cuối. Năm cũ đã dần cạn tháng cạn ngày. Gió tháng Chạp hanh khô thổi từ phía mặt sông mang theo lời thầm thì da diết: Ngày cuối năm sắp về! Người ơi, xin đừng quên lời hẹn cũ! Bếp lửa hồng đang thức đợi cuối góc sân!

Minh họa: LÊ DUY

Minh họa: LÊ DUY

Những ngày giáp Tết bao giờ cũng là khoảng thời gian háo hức nhất của chúng tôi. Mẹ bán con gà, buồng chuối rồi gom góp mua cho cái áo hoa màu xanh đỏ, đôi dép nhựa tiền phong. Ngày ấy, cuộc sống còn thiếu thốn đủ bề, bữa ăn chỉ đạm bạc với sắn, với khoai khiến người ta luôn thèm được có những bữa ăn ngon, đặc biệt là rất mong chờ những ngày giỗ, Tết.

Khi cánh cổng trường làng tạm khép lại dịp cuối năm, tôi háo hức theo mẹ qua sông để đi chợ quê. Phiên chợ quê miền sơn cước thường ngày chỉ túm tụm trong các gian lều nhỏ lụp xụp, ngày Tết bỗng dưng nhộn nhịp hẳn lên, kẻ bán người mua ngồi cả ra lề đường, chợ họp sớm hơn và tan cũng muộn hơn, những lều bạt đơn sơ được dựng lên để che chắn cho mớ hàng hóa lộn xộn. Chợ quê bắt đầu đón Tết bằng sự hối hả của những người nông dân cùng những gánh dưa hành, củ kiệu...

Chợ họp sớm hơn để các bạn hàng còn kịp đưa hàng ra chợ huyện. Hai, ba giờ sáng, các cô các bác làng tôi đã lục tục kẽo kẹt quang gánh í ới gọi nhau, tiếng cười nói rôm rả xua tan cái lạnh cuối đông. Hoa quả, nồi niêu, chén bát được bày bán ngay bên vệ đường. Cụ bà quang gánh với mấy nải chuối, mớ rau thơm và nụ cười nhăn nheo vừa như được mùa xuân làm cho trẻ lại, đon đả mời chào...Ông lão hàn nồi, vá soong bên góc chợ cũng luôn tay với khách hàng. Phía đầu đường vào chợ vàng rực những màu hoa. Ngày ấy chưa có những loại hoa đắt tiền nên chợ quê chỉ ngập tràn những cúc, vạn thọ, đồng tiền, thược dược, lay ơn...

Mưa xuân lất phất bay trên từng căn bếp nhỏ. Nơi đó, mọi người đang quây quần để gói bánh chưng, bánh tét. Chị em tôi lân la rồi đòi người lớn gói cho mình những chiếc bánh con để mang bên nách cùng lũ bạn. Nhiều năm sau này trên đường đời xuôi ngược, tôi vẫn cảm nhận được âm thanh, mùi vị của Tết quê.

Đó là hương vị riêng biệt phảng phất trong mưa, mùi khói nhang trầm ấm áp, mùi mứt dừa, mứt bí các mẹ, các chị vừa làm xong. Đó là tiếng quang quác của vịt, gà bên giếng nhỏ, tiếng pháo đì đùng đầu xóm, tiếng trẻ con tíu tít gọi nhau...Với tôi, Tết của những năm tháng khó khăn là mùi bếp củi nồng đượm; con mèo con khoanh tròn trong ổ rơm sưởi ấm, lim dim mắt nhìn chủ mình bận rộn vào ra.

Ngoài bến sông, những chuyến đò ngang cũng có vẻ vội vã hơn để đưa những người con từ mọi miền về quê đón Tết với lỉnh kỉnh những túi xách, ba lô. Trong làng, những nhà có người đi làm ăn xa thường có cái tết rủng rỉnh hơn những nhà khác bởi họ dường như mang theo một ít mùa xuân nơi xa về làng.

Hơn ba mươi năm chia xa, chiều nay trong tiếng còi tàu cuối năm, dường như mọi buồn vui cũng nhạt nhòa, tôi thấy lòng mình se sắt, rưng rưng với những đường kim của mẹ hằng đêm khâu áo cho kịp ngày mai tôi đến lớp. Có phải ngoài kia xuân đang ngập ngừng phía sau khe cửa nên một vùng hoài niệm xa xôi cứ thế quay về.

Chiều cuối năm, chênh chao một vùng ký ức! Nợ ân tình biết trả lúc nào xong! Chợ quê ngất ngây men rượu. Chợ quê nồng nàn vị ngọt cay của mứt gừng. Góc nhà lâm râm khói bếp. Cuối vườn hoa khế rụng tím trời. Nửa đời xa quê, phiên chợ cuối năm có còn những râm ran quen thuộc? Có còn những quả bóng đỏ xanh đong đưa giấc mơ tuổi thần tiên? Ông lão có mái tóc bạc phơ cùng khuôn mặt khắc khổ có còn ngồi bán bông vạn thọ? Những bà mẹ nghèo có còn tất tả với mớ rau, tấm bánh, lo cho con một bữa tất niên ấm áp bằng bạn bằng bè? Ba mươi năm vụt qua như một cơn gió, mùa xuân quê nhà luôn ẩn hiện trong ký ức thẳm sâu của tôi.

Bến sông xưa vẫn vậy- gập ghềnh theo con nước. Bóng dáng của những bước chân trên đường quê đang mỗi ngày níu giữ từng mái tường loang lổ rêu phong để cháu con ra với phố phường. Chính cái chất phác, hồn hậu của họ đã làm cho những bước chân tha hương luôn cảm thấy bồn chồn khi ngoảnh lại. Quê nhà trăm nhớ ngàn thương! Tôi lại rưng rưng nhớ ngọn gió quê nhà.

Nhủ lòng mình chậm lại trong tất tả chiều cuối năm để tĩnh tâm với bao điều còn mất, bao được thua có thật trên đời, để bao dung và nhẹ nhõm hơn, để nghe gió chiều thì thầm và se sẽ lau khô bao nỗi niềm lâu nay giấu kín. Tôi vu vơ nhìn theo làn sương nhòa nhạt tỏa cuối đường, chạnh lòng thương Tết của những người thân đã đi xa. Ba tôi, em trai kế tôi bây giờ chỉ còn một nắm cỏ vàng úa bên triền sông xưa. Nơi ấy yên lòng nhé! Cồn cào một nỗi nhớ thương!

Thiên Lam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/bang-khuang-nho-tet-191315.htm