Bằng thật học giả và bằng giả học thật

Cái gì giả cũng đáng sợ, mà bằng cấp giả còn đáng sợ gấp nhiều lần. Bởi lẽ, một con người dám dùng bằng cấp giả để mưu cầu lợi ích thật, họ xem thường mọi chuẩn mực đạo đức và sẵn sàng bán rẻ mọi giá trị khác.

Bằng cấp trở thành hành trang cho mọi sự thăng tiến trong xã hội. Không chỉ học vị như cử nhân, kỹ sư… để hợp thức hóa công việc làm, yên vị cho “chiếc ghế”, mà thậm chí học vị cao hơn như tiến sĩ cũng tăng đột biến đến mức người ta ví von “nhiều như nấm sau mưa”.

Và xung quanh học vị tiến sĩ cũng nảy sinh bao nhiêu tình huống dở khóc dở cười, mà thí dụ tiêu biểu là trường hợp ông VTV sau khi được trao bằng tiến sĩ tại Đại học Luật Hà Nội, bỗng dưng bị phát hiện chưa có bằng Tú tài.

Sau khi có thông tin về quá trình sở hữu học vị tiến sĩ một cách thần tốc của ông VTV, nhiều cơ quan đã vào cuộc xác minh. Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM chính thức có văn bản xác nhận, ông VTV không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3, cũng như không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6-6-1989 của đơn vị này.

Vậy thì ông VTV lấy cơ sở nào để học lên tiến sĩ? Trước sức ép dư luận, Trường Đại học Luật Hà Nội giải thích, ông VTV được cấp bằng cử nhân văn bằng 2 ngành luật (hình thức vừa làm vừa học) và bằng tiến sĩ, vì họ căn cứ ông VTV đã học văn bằng 1 tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội.

Quả bóng trách nhiệm đá sang cho Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Rất khéo léo, Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, ông VTV đã học ngành ngôn ngữ Anh hệ đào tạo từ xa từ năm 1994 đến năm 2001. Đến nay, sau 23 năm, thì Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cũng không còn lưu hồ sơ tuyển sinh của ông VTV, nên không thể xác định bằng Tú tài của ông VTV thật giả ra sao.

Con đường lắt léo của hành trình vươn tới một tiến sĩ của ông VTV thật là ngoạn mục. Không có bằng Tú tài nhưng nhờ học kiểu đào tạo từ xa nên có bằng đại học ngoại ngữ, rồi lại dùng bằng đại học ngoại ngữ để lấy bằng đại học luật rồi sau hai năm có luôn bằng tiến sĩ luật. Rõ ràng quy trình đào tạo có sơ hở, nhưng để làm cho ra ngô ra khoai cũng vô cùng nan giải, trong bối cảnh bằng giả học thật trộn lẫn với bằng thật học giả.

Thí dụ của ông VTV khá kỳ khôi, nhưng không phải quá khó hiểu trong cộng đồng, bởi lẽ thực trạng bán mua bằng cấp đã xảy ra ngay cả trong đội ngũ cán bộ nhưng chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

GS. Phạm Minh Hạc cho rằng, nguyên nhân từ hai phía. Một phía từ người cán bộ mua bằng giả để nộp vào hồ sơ đi làm, phía thứ hai là nơi tiếp nhận cán bộ cũng có những hành vi "nhập nhèm", không công khai, minh bạch cho nên mới nhận những người đó. Đáng buồn là đối tượng sử dụng bằng giả chủ yếu là cán bộ với động cơ xấu. Càng leo cao họ càng gây nguy hiểm cho cơ quan, cho cộng đồng.

Một thực trạng đáng buồn khác là tâm lý xã hội hiện “nặng” về học chạy theo bằng cấp hơn là để thu nạp kiến thức. Đạo đức xã hội hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi xã hội thương mại, xã hội hàng hóa. Tình trạng mua bán bằng cấp, sử dụng bằng giả đã khiến đạo đức của nhiều cán bộ xuống cấp.

Ngoài ra, tệ nạn dùng bằng giả hoành hành do việc xử lý các đối tượng sử dụng bằng giả chưa kiên quyết. Với các cơ quan, khi phát hiện cán bộ, nhân viên sử dụng bằng giả vẫn chỉ dừng lại ở việc xử lý kỷ luật cảnh cáo, cao nhất là buộc thôi việc.

Khi xã hội tồn tại và đặt nặng tiêu chí bằng cấp, danh hiệu, sẽ có không ít người dùng mọi cách "chạy" để có được hư danh, học hành gian lận để có bằng cấp. Cán bộ nhà nước phải là người học hành đến nơi đến chốn, phải trải qua thi cử nghiêm túc, vốn tri thức phải được rèn luyện, bồi đắp theo thời gian. Học giả bằng thật, năng lực kém, thiếu kỹ năng chuyên môn dẫn đến rất nhiều hệ lụy.

Bằng cấp giả đã được báo động nhiều năm, nhưng vẫn chưa có giải pháp đẩy lùi hữu hiệu. Vì vậy, mới đây khi gặp gỡ Đại biểu Quốc hội là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, không ít cử tri TPHCM đã nhắc lại vấn nạn bằng cấp giả đang ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục và làm hao hụt lòng tin của nhân dân.

Dường như thấu hiểu bức xúc của quần chúng, ông Lê Minh Trí cho rằng, đây là một thực trạng cần chấn chỉnh. Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Trí, dù là bằng cấp giả hay bằng cấp thật mà không có năng lực, làm việc ở đâu cũng không được trọng dụng.

Sở dĩ cử tri đưa ra nỗi lo về bằng cấp giả với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, là nhằm gửi gắm mong muốn sớm có cơ chế thẩm tra, ngăn chặn và chế tài mạnh mẽ hơn nữa với những trường hợp “học giả, bằng thật”. Thậm chí, trên mạng xã hội có những địa chỉ công khai rêu rao dịch vụ “nhận làm tất cả mọi loại giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ khác... theo đúng nhu cầu của khách hàng”.

Có lẽ đã đến lúc phải nghiêm túc xác định, bằng cấp giả không còn là câu chuyện riêng của những người làm công tác đào tạo. Nhiều vụ án liên quan đến bằng cấp giả đã được phanh phui và xét xử. Trong đó, nổi cộm nhất là cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô Dương Văn Hòa bị tuyên phạt 12 năm tù, vì đã tiếp tay cung ứng hàng trăm bằng cấp giả để thu lợi bất chính.

Bằng cấp giả cũng là một loại hàng hóa giả, xuất hiện và tồn tại dựa theo cán cân cung - cầu. Bằng cấp giả càng ngày càng leo thang về chất lượng ảo. Từ bằng tú tài giả đến bằng cử nhân giả, rồi đến bằng tiến sĩ giả cũng mua bán ỡm ờ. Chắc chắn không mấy người chấp nhận hao tiền tốn của để tìm kiếm bằng cấp giả, nhằm mục đích ra oai trí thức với thiên hạ.

Bằng cấp giả được trang bị cho những mưu tính cụ thể như thi tuyển viên chức, nâng ngạch công chức, bổ nhiệm cán bộ… Nghĩa là, hậu quả của bằng cấp giả thật khôn lường.

Liệu bằng cấp giả có chấm dứt khi năng lực thực sự được đề cao, như quan niệm của ông Lê Minh Trí không? Đúng, khi và chỉ khi, bằng cấp trở thành tiêu chí sau cùng để đánh giá một con người trong hệ thống nhân sự các cấp, các ngành. Bằng cấp không phải trang sức diêm dúa và bằng cấp cũng không phải thước đo duy nhất.

Nếu triển khai đồng bộ trả lương theo vị trí việc làm, chứ không phải trả lương theo học hàm hoặc học vị, thì bằng cấp giả sẽ hết đất sống ngay. Đó là nguyên nhân vì sao trong khối doanh nghiệp tư nhân và trong các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, gần như không thấy lùm xùm bằng cấp giả.

Cái gì “giả” cũng đáng sợ, mà bằng cấp giả còn đáng sợ gấp nhiều lần. Bởi lẽ, một con người dám dùng bằng cấp giả để mưu cầu lợi ích thật, họ xem thường mọi chuẩn mực đạo đức và sẵn sàng bán rẻ mọi giá trị khác. Hãy nhớ rằng, thực phẩm giả chỉ gây họa trong một khu vực và trong một thời điểm, còn bằng cấp giả sẽ gây họa sâu rộng và lâu dài.

GIA QUAN

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/bang-that-hoc-gia-va-bang-gia-hoc-that-post116517.html