Bangladesh tạo cơ hội cho dệt may Việt Nam

Những bất ổn trong thời gian gần đây tại Bangladesh đang tạo ra những cơ hội về dịch chuyển đơn hàng đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may, trong đó có Việt Nam.

Theo đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Việt Nam đã được 73 quốc gia công nhận là nền kinh tế thị trường. Đây là động thái tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang đề nghị một số đối tác thương mại công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và việc Hoa Kỳ ngày 2/8 vừa qua thông báo chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Bất ổn tại Bangladesh đang tạo cơ hội cho doanh nghiệp dệt may

Bất ổn tại Bangladesh đang tạo cơ hội cho doanh nghiệp dệt may

Những bất ổn chính trị tại Bangladesh đã tạo ra những cơ hội về dịch chuyển đơn hàng đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may trong đó có Việt Nam. Cơ hội cho Việt Nam là có trong thời điểm từ nay tới hết năm 2024. Tuy nhiên bước sang năm 2025 sóng dịch chuyển đơn hàng sẽ không còn mà trở về đúng năng lực cạnh tranh và thế mạnh sản xuất đơn hàng của mỗi quốc gia.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam trong tháng 8 và trong 8 tháng năm 2024 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang có những chiến lược, kế hoạch để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng cường vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Doanh ngiệp Việt Nam đang khẳng vai trò là nhà cung cấp đảm bảo chất lượng sản phẩm, độ linh hoạt, thời gian giao hàng…

Trong bối cảnh đó, ngành dệt may Việt Nam tổ chức 3 triển lãm, gồm Triển lãm quốc tế về máy móc thiết bị công nghiệp ngành dệt và may Việt Nam (VTG 2024), Triển lãm quốc tế phụ liệu dệt và may Việt Nam (Vinatex), Triển lãm quốc tế công nghiệp nhuộm và hóa chất Việt Nam (DYECHEM).

Khách tham quan triển lãm rất quan tâm đến máy móc thiết bị công nghiệp ngành dệt

Khách tham quan triển lãm rất quan tâm đến máy móc thiết bị công nghiệp ngành dệt

VTG 2024 quy tụ hơn 380 doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Pakistan, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam.

Triển lãm trưng bày các sản phẩm, công nghệ máy móc tiên tiến nhất trong ngành dệt may, hướng tới các công nghệ số hóa nhà máy, thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam chuyển đổi số và đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các loại vải của thị trường hiện nay.

Theo lãnh đạo Vinatex, chuỗi triển lãm diễn ra đến ngày 28/9, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước giao thương và cải tiến công nghệ, trao đổi chuyên môn. Sự kiện là chất xúc tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi của toàn ngành dệt may, giúp Việt Nam tiến xa hơn trong hành trình hiện đại hóa và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam.

H.Nga

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bangladesh-tao-co-hoi-cho-det-may-viet-nam-313619.html